Quá trình phát triển của Quốc hội Việt Nam

07:12, 26/12/2015

Trong quá trình hình thành và phát triển, Quốc hội Việt Nam đã trải qua 13 khóa, thông qua 5 Hiến pháp với nhiều đổi mới về tổ chức và hoạt động đáp ứng theo yêu cầu nhiệm vụ của đất nước.

 

Cử tri Hà Nội bỏ phiếu tín nhiệm người xứng đáng tham gia Quốc hội khóa I, ngày 6/1/1946.
Cử tri Hà Nội bỏ phiếu tín nhiệm người xứng đáng tham gia Quốc hội khóa I, ngày 6/1/1946.

Trong quá trình hình thành và phát triển, Quốc hội Việt Nam đã trải qua 13 khóa, thông qua 5 Hiến pháp với nhiều đổi mới về tổ chức và hoạt động đáp ứng theo yêu cầu nhiệm vụ của đất nước.

Căn cứ vào từng thời kỳ tương ứng với việc ra đời của các bản Hiến pháp, có thể phân chia quá trình phát triển của Quốc hội nước ta thành các thời kỳ như sau:

Kỳ 1: Thời kỳ 1946- 1960: “Quốc hội kháng chiến”

Thời kỳ này, Quốc hội nước ta đã cùng với dân tộc đã trải qua nhiều khó khăn, gian khó để thực hiện sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong năm 1946, Quốc hội đã có những hành động quyết liệt để đoàn kết, thống nhất dân tộc, chống thù trong giặc ngoài, xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng.

Trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc giai đoạn 1946- 1954, Quốc hội đã cùng với nhân dân thực hiện cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện quyết liệt trên các mặt trận quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa,…

Để sự lãnh đạo và điều hành đất nước được tập trung thống nhất, Quốc hội đã giao quyền hạn tập trung vào Chính phủ và Ban Thường trực Quốc hội luôn ở bên cạnh Chính phủ để bàn bạc, tham gia ý kiến về các chủ trương, chính sách lớn và giám sát, phê bình Chính phủ về mọi công việc kháng chiến. Đây là nét rất đặc biệt của Quốc hội Việt Nam trong giai đoạn này- Quốc hội kháng chiến.

Trong giai đoạn 1954- 1960, theo Hiệp định Gèneve, đất nước ta tạm thời chia làm 2 miền Bắc- Nam. Trong bối cảnh đó, Quốc hội đã cùng với nhân dân đồng thời tiến hành 2 nhiệm vụ chiến lược cách mạng khác nhau. Miền Bắc sau khi giải phóng đã bước vào thời kỳ khôi phục, cải tạo, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội theo con đường xã hội chủ nghĩa. Miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, tiến hành đấu tranh giải phóng miền Nam tiến tới hòa bình, thống nhất đất nước.

Trước khi được quy định trong Hiến pháp năm 1946, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội đã từng bước được khẳng định trên thực tế qua các kỳ họp Quốc hội. Tại kỳ họp thứ nhất vào ngày 2/3/1946 tại Hà Nội, Quốc hội đã thực hiện những nhiệm vụ của cơ quan có quyền lực cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Cụ thể là Quốc hội nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đại diện cho Chính phủ khai mạc và báo cáo những công việc đã làm trong thời gian trước đó; biểu quyết thông qua danh sách các thành viên Chính phủ liên hiệp kháng chiến gồm 12 người, lập ra Cố vấn đoàn, Kháng chiến ủy viên hội; bầu Ban Thường trực Quốc hội quyết định khi Chính phủ muốn tuyên chiến hay đình chiến bắt buộc phải hỏi ý kiến của Thường trực Quốc hội.

Đồng thời, tại kỳ họp thứ nhất, để tập trung lực lượng đại diện các đảng phái, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị và được toàn thể Quốc hội chấp nhận mở rộng thành phần Quốc hội thêm 70 đại biểu không qua bầu cử. Như vậy, tổng đại biểu Quốc hội khóa I nâng lên thành 403 đại biểu.

Tại kỳ họp thứ 2 tổ chức từ ngày 28/10- 9/11/1946, vai trò của Quốc hội được thể hiện rõ nét hơn qua việc thực hiện những nhiệm vụ rất quan trọng về đối nội và đối ngoại. Cụ thể là các đại biểu Quốc hội đã chất vấn Chính phủ và Ban Thường trực Quốc hội nhiều vấn đề thuộc các lĩnh vực, chính trị, ngoại giao, quân sự, kinh tế, tài chính, nội vụ, việc ký kết Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3/1946, Cuộc đàm phán Fontainebleau đi đến Bản thỏa hiệp tạm thời ngày 14/9,vv…

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thảo luận và thông qua bản Hiến pháp 1946 với 240/242 đại biểu, biểu quyết tán thành. Hiến pháp khẳng định Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân và vì dân. “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”.

Tuy nhiên, do hoàn cảnh chiến tranh đang lan rộng, công việc chuẩn bị kháng chiến vô cùng khẩn trương, việc bầu Nghị viện Nhân dân theo quy định của Hiến pháp 1946 chưa thể tổ chức được. Như vậy, Quốc hội lập hiến do toàn dân bầu ra ngày 6/1/1946 trở thành Quốc hội lập pháp và kéo dài nhiệm kỳ hoạt động cho đến năm 1960.

Trong nhiệm kỳ 14 năm hoạt động, Quốc hội khóa I đã tổ chức 12 kỳ họp, xem xét và thông qua Hiếp pháp 1946 và Hiến pháp 1959, 16 đạo luật và 50 nghị quyết, trong đó có những đạo luật quan trọng như: Luật Cải cách ruộng đất, Luật Quy định quyền tự do hội họp, Luật Quy định quyền lập hội, Luật Về chế độ báo chí…

Đánh giá công lao to lớn của Quốc hội khóa I, tại kỳ họp lần thứ 12, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Quốc hội ta đã hết lòng vì dân, vì nước, đã làm trọn một cách vẻ vang nhiệm vụ của những đại biểu nhân dân”.

(Còn tiếp)

PV (Tóm lược, phân đoạn và đặt tiêu đề, theo tài liệu tuyên truyền “Quốc hội Việt Nam- 70 năm hình thành và phát triển” của Bộ Thông tin- Truyền thông)

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh