Sáng chủ nhật (ngày 6/1/1946), đáp lại lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng cả ý chí sắt đá của một dân tộc quyết tâm bảo vệ nền độc lập tự do vừa giành được, và bằng cả niềm vui sướng cao độ háo hức chuẩn bị chờ đợi bấy lâu nay, toàn thể nhân dân Việt Nam nô nức đi bỏ phiếu.
Sáng chủ nhật (ngày 6/1/1946), đáp lại lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng cả ý chí sắt đá của một dân tộc quyết tâm bảo vệ nền độc lập tự do vừa giành được, và bằng cả niềm vui sướng cao độ háo hức chuẩn bị chờ đợi bấy lâu nay, toàn thể nhân dân Việt Nam nô nức đi bỏ phiếu.
Cử tri hai miền Bắc- Nam nô nức đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 6/1/1946). Ảnh tư liệu |
Tại Hà Nội, trung tâm của cả nước, nơi hàng ngày diễn ra các sự kiện trọng đại ảnh hưởng đến vận mệnh của cả dân tộc, nơi có Chủ tịch Hồ Chí Minh ra ứng cử, hàng chục vạn cử tri Thủ đô đi làm nghĩa vụ công dân.
Có những cụ già 70, 80 tuổi được con cháu cõng đi bỏ phiếu, nhiều người mù đã nhờ người nhà dẫn đến tận hòm phiếu để tự tay mình làm nhiệm vụ công dân. Kết quả, 172.765 trong tổng số 187.880, tức 91,95% cử tri của cả 74 khu phố nội thành và 118 làng ngoại thành Hà Nội đã đi bỏ phiếu. 6 trong số 74 ứng cử viên đã trúng cử đại biểu Quốc hội.
Người trúng cử thấp phiếu nhất là 52,5%; người đạt phiếu cao nhất là Chủ tịch Hồ Chí Minh được 169.222 phiếu, tức 98,4%. Nhìn chung, ở cả 71 tỉnh- thành trong cả nước, 89% tổng cử tri đã đi bỏ phiếu, phổ biến là 80%, nhiều nơi đạt 95%. Trừ một số nơi phải bầu bổ sung, còn tuyệt đại đa số các địa phương chỉ bầu một lần.
Cả nước đã bầu được 333 đại biểu; trong đó, có 57% số đại biểu thuộc các đảng phái khác nhau; 43% không đảng phái; 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng; 10 đại biểu phụ nữ và 34 đại biểu các dân tộc thiểu số.
Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ở Việt Nam đã hoàn toàn thắng lợi. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử tháng 1/1946 đã đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra triển vọng của một thời kỳ mới, thời kỳ đất nước ta có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, một bản Hiến pháp cách mạng.
Thắng lợi Tổng tuyển cử 6/1/1946 càng khẳng định niềm tin tuyệt đối của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tinh thần yêu nước của nhân dân ta. Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam ra đời, người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ đã thành công dân của một nước độc lập, tự do, tự mình quyết định vận mệnh lịch sử của mình, tự mình lựa chọn và dựng xây chế độ Cộng hòa dân chủ.
Bằng cuộc Tổng tuyển cử, tất cả mọi công dân Việt Nam, từ 18 tuổi trở lên không phân biệt gái trai, dân tộc, tôn giáo, giàu nghèo đều có quyền dân chủ, bình đẳng, tự do lựa chọn người đại diện cho mình vào Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ngày 6/1/1946 đã trở thành một dấu mốc không thể nào quên trong ký ức mỗi người dân Việt Nam- ngày khai sinh Quốc hội Việt Nam.
Ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước ta đã không ngừng phát triển và trưởng thành, hoạt động ngày càng thiết thực và có hiệu quả, được cử tri và nhân dân cả nước tin tưởng và đã có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước của dân, do dân và vì dân.
(Còn tiếp)
HOÀNG HÀ (trích lược)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin