Luôn nhớ "nghĩa tình đồng đội"

07:12, 03/12/2015

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ, các cựu thanh niên xung phong (TNXP) đã phát huy tinh thần "Lúc trẻ xung phong, về già gương mẫu".

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ, các cựu thanh niên xung phong (TNXP) đã phát huy tinh thần “Lúc trẻ xung phong, về già gương mẫu”.

Đặc biệt, dù ở chiến trường hay trong thời bình, họ luôn khắc ghi “nghĩa tình đồng đội” để quan tâm, chăm sóc nhau.

Bà Thanh (cầm bảng) vui mừng trong căn nhà “Nghĩa tình đồng đội”.
Bà Thanh (cầm bảng) vui mừng trong căn nhà “Nghĩa tình đồng đội”.

Xây nhà mơ ước cho đồng đội

Suốt 2 cuộc kháng chiến, hàng chục vạn TNXP đã sát cánh cùng bộ đội, phục vụ chiến đấu và trực tiếp chiến đấu trên khắp chiến trường từ Bắc vào Nam, góp phần vào sự nghiệp thống nhất đất nước.

Hòa bình, cả nước có khoảng 35 vạn TNXP hoàn thành nhiệm vụ. Trong đó, khoảng 15 vạn người trở về gia đình mà phần đông còn gặp nhiều khó khăn. Vĩnh Long hiện có hơn 1.100 TNXP, nhiều người bị nhiễm chất độc da cam, thương tật trong chiến tranh, nhà ở và điều kiện sống còn hạn chế.

Tìm kiếm đồng đội, trong cơn mưa chiều nặng hạt, ông Huỳnh Ngọc Chúc- Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh đã tìm gặp cô Nguyễn Thị Xiênl (ấp Hóa Thành 2, Đông Thành- TX Bình Minh). Trong căn nhà lá xiêu vẹo, bà Xiênl nằm liệt giường do chứng bệnh đái tháo đường, xơ gan, viêm túi mật.

Gặp nhau chưa kịp mừng rỡ, ông Chúc phải hì hục làm mái che tạm căn nhà cho bà Xiênl. Vậy là ông đi vận động cất nhà “Nghĩa tình đồng đội”. Rất tiếc, do sức khỏe yếu, bà Xiênl đã không thể đợi được đến ngày hoàn thành căn nhà. Ngày bàn giao nhà, chị Thạch Thị Oanh- con bà Xiênl nói: “Cũng nhờ được hội quan tâm mà gia đình tôi nay có được chỗ ở ổn định”.

Nhiều năm liền, bà Nguyễn Thị Kim Thanh (ấp An Thới, xã Ngãi Tứ- Tam Bình) sống trong cảnh thấp thỏm lo âu do căn nhà cặp mé sông không biết ngày nào sẽ bị cuốn trôi theo dòng nước. Biết được hoàn cảnh, hội đã vận động cất cho bà căn nhà “Nghĩa tình
đồng đội”.

Nhớ lại, năm 1967, khi mới 17 tuổi, bà Thanh không cam chịu cảnh bị giặc đàn áp, đã gia nhập Đội TNXP giải phóng miền Nam. Lấy đêm làm ngày để hoạt động, từ 5 giờ chiều, bà nhận vũ khí, đạn dược, nặng gần bằng trọng lượng cơ thể, vác trên vai đi xuyên suốt để giao hàng, đến khi trở về là đã 5 giờ sáng hôm sau. Chính vì vậy, bà cũng như nhiều nữ TNXP được các chiến sĩ quân giải phóng “tặng vui” cho câu “chân đồng, vai sắt, mắt ngựa, bụng thần tiên”.

Về với đời thường, không có đất sản xuất, cuộc sống khó khăn nên khi được Hội Cựu chiến binh hỗ trợ, cả tháng trời bà mừng không sao ngủ được “vì cứ mơ màng không ngờ mình có được căn nhà”- bà Thanh kể.

Ấm áp nghĩa tình đồng đội

Sau những tháng ngày đào hào, tải lương thực và đạn dược, cán thương, bảo vệ lực lượng và cứ điểm của đơn vị tại chiến trường K. (Campuchia), năm 1981, ông Võ Quan Thạnh giải ngũ trở về địa phương (Khóm 1, Phường 4- TP Vĩnh Long) vất vả với cuộc mưu sinh, phụng dưỡng cha mẹ già yếu, rồi lại gồng gánh lo cho 2 người em trai bị bệnh tâm thần.

Ông tâm sự: “Là anh lớn, khi cha mẹ qua đời, tui phải thay cha mẹ lo cho các em. Ngoảnh lại thì đã ngoài 60 tuổi, không vợ con, giờ chỉ mong được khỏe mạnh để làm việc và lo cho các em là vui rồi”.

Chiếc xe lôi là phương tiện để ông Thạnh mưu sinh và tìm đồng đội.
Chiếc xe lôi là phương tiện để ông Thạnh mưu sinh và tìm đồng đội.

Là lao động chính với phương tiện mưu sinh là chiếc xe lôi, không đủ trang trải cho cuộc sống. Hơn 20 năm qua, ông phải sống nhờ trên đất chùa, căn nhà đơn sơ do đồng đội hỗ trợ cất gần chục năm nay cũng đang dần xuống cấp.

Khó khăn vất vả là thế, nhưng khi biết được hội đang tổng rà soát, liên lạc, tìm kiếm đồng đội là TNXP tỉnh Cửu Long (nay là tỉnh Vĩnh Long) đã từng làm nghĩa vụ quốc tế tại Lào và Campuchia, ông Thạnh đã miệt mài tìm kiếm đồng đội cũ.

Không kể gần hay xa, trong cuộc mưu sinh của ông Thạnh luôn gắn liền với việc hỏi han, tìm kiếm. Nhờ vậy, hơn 3 năm nay, ông đã tập hợp được gần 50 đồng đội, báo cáo về tỉnh hội để kết nạp hội viên và hướng dẫn làm thủ tục đề nghị giải quyết chính sách theo Quyết định số 62-QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Theo ông Huỳnh Ngọc Chúc- Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh: Trở về từ chiến tranh, nhiều trường hợp không còn giấy tờ gốc, nhiều người chuyển từ Bắc vào Nam. Vì vậy, công tác xác minh, tìm nhân chứng để hoàn tất hồ sơ chính sách gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, hội đã hoàn tất hồ sơ chờ giải quyết trên 300 trường hợp.

Thực hiện phong trào thi đua yêu nước, cựu TNXP nêu gương sáng làm theo lời dạy Bác Hồ và cuộc vận động “Nghĩa tình đồng đội”, giai đoạn 2005- 2015, hội đã vận động 878 triệu đồng để trao tặng sổ tiết kiệm “Dấu ấn tuổi xuân” cho nữ cựu TNXP. Đồng thời, vận động trao 238 phần quà; hỗ trợ 5 căn nhà nghĩa tình đồng đội; trợ cấp đột xuất cho 52 lượt hội viên ốm đau, từ trần.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh