Cần có giải pháp đột phá để phát triển kinh tế- xã hội

06:12, 29/12/2015

Đồng chí Nguyễn Thành Thế- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy

Đồng chí Nguyễn Thành Thế- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống chính trị, xã hội nước ta. Hướng đến Đại hội lần này, tôi có một số ý kiến đối với phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế- xã hội 5 năm (2016- 2020).

Thứ nhất, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh. Trong giai đoạn hiện nay, cùng với việc thực hiện mục tiêu “sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” thì nông nghiệp vẫn là lĩnh vực cần được ưu tiên và đầu tư tương xứng cả về nguồn lực và cơ chế chính sách, trong đó tập trung ưu tiên phát triển hạ tầng khu vực nông thôn, miền núi.

Cần quy hoạch theo từng vùng có điều kiện sản xuất tương đồng gắn với liên kết vùng để phát triển sản xuất sản phẩm đồng nhất và có khối lượng lớn nhằm tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Phải xây dựng sản phẩm chủ lực của quốc gia, mở rộng thị trường tiêu thụ cho nông sản để nông dân an tâm sản xuất. Để thực hiện tốt liên kết “4 nhà”, cần phải có chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp lớn, có vốn lớn đầu tư vào nông nghiệp.

Trong xây dựng nông thôn mới, cần tập trung nguồn lực để khơi dậy tìm năng nông thôn, việc xây dựng các tiêu chí phải phù hợp với từng vùng miền.

Thứ hai, đổi mới căn bản và toàn diện GD- ĐT; phát triển nguồn nhân lực; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ. Đến nay, tình trạng yếu kém, lạc hậu về giáo dục vẫn chưa được khắc phục, đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự yếu kém, lạc hậu trong phát triển kinh tế- xã hội, nhất là vùng ĐBSCL vốn là “vùng trũng” giáo dục của cả nước.

Cần có chính sách, cơ chế đặc thù theo vùng để nâng cao chất lượng giáo dục. GD-ĐT cần phải có định hướng ngành nghề theo nhu cầu xã hội. Đồng thời, nâng cao chất lượng đào tạo ĐH, sau ĐH và đào tạo nhân lực chất lượng cao. Tránh bệnh thành tích ở các ngành, các cấp và các lĩnh vực.

Đề nghị bổ sung chiến lược quốc gia về phát triển nguồn nhân lực theo từng ngành, từng lĩnh vực và từng khu vực cho phù hợp với thực tế. Phát triển nguồn nhân lực cần phải gắn với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế. Ngoài ra, ở những vùng đặc biệt khó khăn cần có chính sách cụ thể, vừa đảm bảo phát triển kinh tế vừa đảm bảo an ninh- quốc phòng.

Về phát triển ứng dụng khoa học công nghệ, cần tập trung vào nhóm giải pháp triển khai thực hiện và nhân rộng kết quả ứng dụng; đầu tư mạnh hơn cho đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nghiên cứu thật sự có chuyên môn, nghiệp vụ giỏi. Đề nghị sớm hình thành thị trường nghiên cứu khoa học; có chính sách cụ thể huy động đầu tư của xã hội và doanh nghiệp cho nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ.

Thứ ba, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhất nhằm củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng.

Vì vậy cần tập trung xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; kết hợp giữa xây dựng với chỉnh đốn, làm cho Đảng thật sự là Đảng cách mạng chân chính. Cần có đánh giá sâu hơn việc chỉ đạo và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, nhất là những nhiệm vụ, giải pháp quyết liệt nhằm đẩy mạnh việc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.

Tôi cũng mong muốn Đảng sẽ có những giải pháp đột phá để phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng- an ninh phù hợp với điều kiện của từng vùng, miền của đất nước. Chỉ có như vậy Đảng mới xứng đáng với niềm tin của nhân dân, đây là đòi hỏi chính đáng khi Đảng ta là lực lượng chính trị duy nhất lãnh đạo đất nước.

CẨM HUỆ (ghi)

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh