Chiều 29/12, Chính phủ đã họp Phiên thường kỳ tháng 12 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng để tập trung góp ý vào Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tiến hành đánh giá kết quả thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Chính phủ và tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật pháp lệnh năm 2015.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu kết luận phiên họp. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN) |
Làm rõ những bài học kinh nghiệm trong quản lý, điều hành
Các thành viên Chính phủ đã tập trung phân tích những ưu, khuyết điểm trong công tác chỉ đạo, điều hành để hoàn thiện dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Các ý kiến đều khẳng định, trong nhiệm kỳ, Chính phủ đã hết sức nghiêm túc chấp hành chủ trương, nghị quyết của Đảng, Quốc hội; cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội thành những chương trình, hành động, kế hoạch cụ thể trong quản lý, điều hành.
Trong thực thi nhiệm vụ, Chính phủ đã triển khai toàn diện các biện pháp nhưng có trọng tâm, trọng điểm; gắn chặt nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội; nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân…
Trong quá trình quản lý, điều hành, Chính phủ tuân thủ tốt nguyên tắc tập trung dân chủ thông qua việc sửa đổi, đảm bảo quy chế quản lý, chỉ đạo, tham mưu; ban hành cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành nhằm đạt mục tiêu cao nhất là hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.
Nhờ đó, kết quả triển khai nhiệm vụ; năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ được nâng lên; nhất là những đối sách kịp thời, hiệu quả trước những diễn biến phức tạp, đột xuất, bất ngờ của tình hình trong nước và thế giới.
Các thành viên Chính phủ khẳng định, trong suốt nhiệm kỳ, Chính phủ luôn đề cao trách nhiệm, chung sức chung lòng, quyết liệt hành động, lấy lợi ích của đất nước, của nhân dân là mục tiêu cao nhất để hành động. Chỉ đạo hoàn thiện Báo cáo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu nêu rõ thành tựu, hạn chế và bài học kinh nghiệm để làm tốt hơn trong thời gian tới.
Nỗ lực lớn trong xây dựng văn bản pháp luật
Về kết quả thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh năm 2015 và nhiệm vụ năm 2016, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, năm 2015, số lượng các dự án luật, pháp lệnh mà Chính phủ đã xem xét, cho ý kiến với số lượng các dự án được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua và cho ý kiến là rất lớn.
Đánh giá chung, cơ bản các dự án đều được trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đúng thời hạn và chất lượng. Chất lượng văn bản quy định chi tiết ngày càng được nâng lên, tiến độ nhanh hơn, từng bước đáp ứng yêu cầu công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh.
Tuy nhiên, các ý kiến cũng thẳng thắn nhìn nhận còn tình trạng một số dự án luật, pháp lệnh bị lùi thời hạn trình Chính phủ và lùi thời hạn trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tình trạng nợ, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh vẫn còn tương đối lớn, dự báo đến ngày 1/1/2016, số văn bản nợ động sẽ tăng lên khoảng gần 60 văn bản.
Đánh giá kết quả nhiệm vụ này, biểu dương nỗ lực lớn của các bộ, ngành; cho rằng, nhờ sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của cả hệ thống, các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, nhiệm vụ xây dựng pháp luật thời gian qua của Chính phủ đã có nhiều tiến bộ; ý thức trách nhiệm đối với nhiệm vụ này đã được từng đồng chí Bộ trưởng đề cao.
“Chính phủ là quản lý, nhưng trước hết là quản lý theo pháp luật. Muốn quản lý theo pháp luật thì chúng ta chính là người phải xây dựng thể chế, luật pháp, cơ chế chính sách, đây là cái đầu tiên. Nhiệm vụ này chúng ta đã quan tâm và hoàn thành được một khối lượng lớn công việc trong thời gian qua với chất lượng ngày càng được nâng lên, các văn bản nợ đọng giảm đi,” Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các bộ, ngành thời gian tới tiếp tục quan tâm thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác xây dựng pháp luật, đảm bảo nguồn lực, con người, trước hết phấn đấu đến hết quý I năm 2016 hoàn thành các văn bản quy định chi tiết còn nợ đọng trong năm 2015 cũng như văn bản hướng dẫn thi hành các luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2016.
Cũng tại Phiên họp này, các thành viên Chính phủ đã cho ý kiến đối với một số nội dung như kết quả thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017 cho các trường cao đẳng nghề công lập; dự thảo Nghị định về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Chính phủ cũng đã nghe báo cáo về tình hình cơ cấu các khoản nợ thuộc các công ty thành viên của Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam và Đề án đẩy mạnh việc cho chương trình, dự án đầu tư vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ qua cơ quan cho vay lại chịu rủi ro tín dụng./.
Theo http://www.vietnamplus.vn/chinh-phu-chot-no-van-ban-phap-luat-den-het-quy-i-nam-2016/363524.vnp
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin