Để hội nhập thành công, phải có thể chế hội nhập, con người hội nhập

07:11, 03/11/2015

Đó là một trong số những nội dung đại biểu Quốc hội đóng góp trong phiên thảo luận về kết quả thực hiện phát triển kinh tế- xã hội năm 2015 và phương hướng năm 2016.

 

Đó là một trong số những nội dung đại biểu Quốc hội đóng góp trong phiên thảo luận về kết quả thực hiện phát triển kinh tế- xã hội năm 2015 và phương hướng năm 2016.

Đại biểu Nguyễn Thanh Bình (đơn vị tỉnh Vĩnh Long)

Theo đánh giá của Chính phủ, năm qua việc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới chưa đạt yêu cầu. Tôi đề nghị Chính phủ cần rà soát lại cơ chế chính sách cho mục tiêu tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nhất là chính sách tín dụng, thuế, đất đai,…

Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở nông thôn, các doanh nghiệp này có quy mô nhỏ, vốn ít, trình độ công nghệ, thiết bị còn nhiều hạn chế, sẽ khó làm “bà đỡ” để hướng dẫn nông dân sản xuất, liên kết, tập hợp các nông hộ để sản xuất quy mô lớn, tạo sản phẩm chất lượng cao để cạnh tranh và tiêu thụ sản phẩm trên thị trường.

Về biến đổi khí hậu, Việt Nam là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng và vùng ĐBSCL sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Với hơn 17 triệu dân và đây là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp, là vựa lúa để đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu nhưng có một nghịch lý là hạ tầng kinh tế- xã hội còn thấp kém, dân trí thấp, là vùng lõm trong thu nhập.

Để có thể phát triển bền vững vùng ĐBSCL, tôi đề nghị cần quan tâm đầu tư hạ tầng kinh tế- xã hội cho khu vực, nhất là hạ tầng về giao thông, thủy lợi nhằm đảm bảo tốt hơn cho sản xuất và đời sống của nhân dân.

Đại biểu Trần Khắc Tâm (đơn vị tỉnh Sóc Trăng)

Việt Nam vừa hoàn tất đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã mở ra nhiều cơ hội lẫn thách thức mới cho nền kinh tế nước ta. Cách đây 9 năm, khi Việt Nam gia nhập WTO, tôi nghe nhiều phát biểu rất lạc quan là sau khi gia nhập WTO thì kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng 8- 9% trong 10 năm liên tiếp và Việt Nam có thể sớm hóa rồng.

Tuy nhiên, một điều tra gần đây cho thấy, có đến 76% doanh nghiệp không biết gì về cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và 60% được hỏi cho rằng AEC không ảnh hưởng đến mình.

Theo tôi, để hội nhập thành công thì phải có thể chế hội nhập và con người hội nhập. Có một điều đáng buồn là chúng ta chưa có con người hội nhập.

Quy định của pháp luật có tiến bộ đến đâu cũng vẫn có thể bị vô hiệu hóa bởi hàng tá những “lệ làng”, những thói quen, sự quan liêu, cửa quyền, sự thờ ơ và vô cảm. Một vấn đề nữa là chúng ta không thể hội nhập thành công nếu như 63 tỉnh- thành trở thành 63 khu vực cát cứ, không có sự liên kết.

Nếu không nhận biết, định lượng cụ thể về các cơ hội và thách thức, không tận dụng được cơ hội để cải thiện thì nền kinh tế Việt Nam sẽ hoàn toàn bị “đánh chiếm” bởi các đội quân kinh tế hùng hậu của nước ngoài.

Và chúng ta vẫn chỉ là người làm thuê trên mảnh đất màu mỡ của chính mình. Giải pháp quan trọng và cấp bách nhất đối với Việt Nam hiện nay theo tôi chính là đột phá vào con người. Chỉ có sự đồng lòng từ trên xuống dưới, sự cần cù của mỗi người dân, nhẫn nại và sáng tạo của mỗi doanh nghiệp, tận tụy của từng công chức thì chúng ta mới vượt qua được khó khăn trong giai đoạn hội nhập này.

THANH TÂM (ghi)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh