Ngày 26-11, tại Viện Korber, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có bài phát biểu quan trọng về an ninh châu Á - Thái Bình Dương và trao đổi về nhiều vấn đề quốc tế mà hai bên cùng quan tâm.
Ngày 26-11, tại Viện Korber, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có bài phát biểu quan trọng về an ninh châu Á - Thái Bình Dương và trao đổi về nhiều vấn đề quốc tế mà hai bên cùng quan tâm.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại Viện Koerber - Ảnh: V.V.Thành |
Đến dự và tham gia đối thoại, phía Đức có nghị sĩ Quốc hội thuộc Ủy ban đối ngoại, Ủy ban ngân sách, nhân quyền, chuyên gia nghiên cứu hàng đầu của Phủ tổng thống, Chính phủ và một số tập đoàn kinh tế lớn của Đức.
Nhấn mạnh “hòa bình và phát triển là lợi ích chung của các nước trong khu vực, đi ngược lợi ích này là đẩy lùi lịch sử”, Chủ tịch nước cho rằng: “Châu Á - Thái Bình Dương cần có một cấu trúc an ninh khu vực toàn diện và hiệu quả, được xây dựng trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền và lợi ích của nhau, các nước ứng xử và hành động có trách nhiệm, giải quyết các bất đồng, các tranh chấp lãnh thổ, trong đó có vấn đề Biển Đông, bằng biện pháp hòa bình thông qua đối thoại, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển của Liên Hiệp Quốc năm 1982”.
Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam kiên định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các quốc gia và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Việt Nam tích cực hợp tác và hoan nghênh mọi chính sách của các nước đối với châu Á - Thái Bình Dương nếu chính sách đó cùng có lợi và đóng góp tích cực cho hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực.
Việt Nam nhất quán không liên minh với nước này để chống phá nước khác, đồng thời kiên quyết đấu tranh bảo vệ lợi ích chính đáng của mình.
Chiều cùng ngày tại Frankfurt, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tới dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Đức.
Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch nước nhấn mạnh sự hình thành Cộng đồng ASEAN mà Việt Nam là thành viên tích cực và việc hoàn tất đàm phán nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có FTA Việt Nam - EU, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), không chỉ mở ra nhiều cơ hội mới cho các nhà đầu tư nước ngoài mà còn thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam phù hợp với các nguyên tắc thị trường và chuẩn mực quốc tế.
Chủ tịch nước mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam và Đức tranh thủ tốt cơ hội này, đi tiên phong thúc đẩy hợp tác kinh tế đi vào chiều sâu, góp phần tích cực vào phát triển quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Đức.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đã tiếp lãnh đạo một số tập đoàn lớn của Đức để thúc đẩy các tập đoàn này tăng cường đầu tư vào Việt Nam.
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh:
Chính giới Đức lo ngại việc tôn tạo bãi đá ở Biển Đông
Trả lời báo chí về chuyến thăm cấp nhà nước tới CHLB Đức của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết kết quả nổi bật của chuyến thăm là chúng ta đã củng cố và đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Đức, mở ra một giai đoạn hợp tác mới trên các lĩnh vực thế mạnh của hai nước.
Chuyến thăm đã củng cố sự tin cậy chính trị giữa lãnh đạo cấp cao hai bên, tạo cú hích mạnh để thúc đẩy quan hệ thương mại - đầu tư, một trụ cột của quan hệ đối tác chiến lược.
Theo Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, trong chuyến thăm, Tổng thống, Thủ tướng, chính giới và học giả Đức đã bày tỏ lo ngại về tình hình gia tăng các hoạt động tôn tạo bãi đá, gây bất ổn cho hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông, chia sẻ và ủng hộ lập trường của Việt Nam trong việc giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và phấn đấu sớm có Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). |
Theo http://tuoitre.vn/tin/the-gioi/20151127/viet-nam-khong-lien-minh-de-chong-pha-nuoc-khac/1010188.html
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin