Có năm cuộc họp nhưng tâm điểm chú ý đều dồn về cuộc họp ASEAN - Trung Quốc với sự tham gia của nguyên thủ 10 nước ASEAN và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.
Có năm cuộc họp nhưng tâm điểm chú ý đều dồn về cuộc họp ASEAN - Trung Quốc với sự tham gia của nguyên thủ 10 nước ASEAN và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần 18 ở Malaysia ngày 21-11 - Ảnh: Quỳnh Trung |
Hội nghị cấp cao (HNCC) ASEAN lần 27 tại Malaysia bắt đầu khai mạc hôm qua (22-11)
Vì là cuộc họp kín nên cánh nhà báo quốc tế hầu như chỉ trông chờ thông tin về tuyên bố chung của các nước ASEAN và Trung Quốc. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng của mọi người, đến cuối ngày, tuyên bố chung vẫn chưa có dù thực tế cuộc họp này đã kết thúc từ... 14g30.
Theo một nhân viên truyền thông tại trung tâm báo chí HNCC ASEAN, lý do chậm trễ trong việc ra tuyên bố chung là “hai bên đang kỳ kèo từng chữ một”.
Malaysia tránh Biển Đông
Trong bài phát biểu tại HNCC ASEAN - Trung Quốc lần 18, Thủ tướng chủ nhà Malaysia Najib Razak toàn dành mỹ từ tốt đẹp cho Trung Quốc.
Ông Najib cho biết kể từ khi thiết lập quan hệ vào năm 1991, Trung Quốc đã trở thành một trong những đối tác đối thoại quan trọng và năng động nhất của ASEAN và Malaysia tin tưởng rằng dịp kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Trung Quốc - ASEAN năm tới sẽ giúp tăng cường mối quan hệ thương mại và đầu tư mạnh mẽ cũng như thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau và tình hữu nghị giữa hai bên thông qua tiếp xúc xã hội và trao đổi văn hóa.
Trước đó, trong bài phát biểu khai mạc HNCC ASEAN dài đến bảy trang giấy, Thủ tướng Malaysia thậm chí không đề cập một chữ nào đến vấn đề Biển Đông.
Đem câu chuyện này thảo luận với một phóng viên nhật báo The Star của Malaysia, anh này không tỏ ra ngạc nhiên và nói với Tuổi Trẻ rằng ông Najib Razak không muốn “chọc giận” Trung Quốc vì đơn giản là “trong các nước ASEAN, Malaysia là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc”.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS Zach Abuza từ Học viện Chiến tranh Hoa Kỳ cho biết khá ngạc nhiên khi vấn đề Biển Đông được đề cập một cách dè dặt tại hội nghị lần này.
“Rõ ràng gần đây có nhiều yếu tố thuận lợi giúp các quốc gia ASEAN tự tin hơn trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, chẳng hạn như Mỹ thực hiện một số hành động, bao gồm việc đưa tàu tuần tra đến các đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc, hay cam kết bảo vệ an ninh khu vực của Tổng thống Barack Obama mới đây.
Ngoài ra vụ kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài quốc tế của Philippines cũng đạt nhiều tiến triển tích cực” - GS Zach Abuza phân tích
Phép thử tính đoàn kết của ASEAN
Trong bản thông cáo phát cho báo chí cuối ngày hôm qua, Bộ Ngoại giao Việt Nam thông tin: “Tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần 18, hai bên đánh giá cao kết quả triển khai kế hoạch hành động ASEAN - Trung Quốc giai đoạn 2011 - 2015 và hoan nghênh kế hoạch hành động mới giai đoạn 2016 - 2020 vừa được thông qua. Hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược, tập trung vào các lĩnh vực cùng quan tâm như thương mại, đầu tư, tài chính, kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển, môi trường, y tế và giáo dục. Hai bên cũng nhất trí sẽ nỗ lực nâng thương mại hai chiều lên mức 1.000 tỉ USD và đầu tư hai chiều lên mức 150 tỉ USD vào năm 2020”.
Về vấn đề Biển Đông, thông cáo của Bộ Ngoại giao thông tin: “Các nước ASEAN và Trung Quốc đề cập với mức độ khác nhau, trong đó nhiều nước chia sẻ quan ngại về những diễn biến gần đây và đang diễn ra ở Biển Đông làm xói mòn lòng tin và đe dọa hòa bình, an ninh, ổn định ở Biển Đông.
Các nước nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 và thực hiện hiệu quả và đầy đủ Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử (COC)”.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, biên tập viên Rosebi Mohd Sah của báo SingaporeBerita Harian, đang tác nghiệp tại HNCC ASEAN, cho biết Thủ tướng Singapore có nêu vấn đề này tại HNCC ASEAN - Trung Quốc hôm nay. Trong bài phát biểu cung cấp riêng cho phóng viên Singapore mà nhà báo Rosebi Mohd Sah cho chúng tôi xem, Thủ tướng Lý Hiển Long nhấn mạnh Biển Đông chính là phép thử đối với sự đoàn kết và hiệu quả của ASEAN.
“Biển Đông là một vấn đề quan trọng, không chỉ đối với những quốc gia tuyên bố chủ quyền mà còn đối với những quốc gia đứng ngoài tranh chấp bởi vì Biển Đông rất quan trọng đối với thương mại, phương kế sinh nhai, năng lượng và quyền đi lại tự do đối với tất cả chúng ta. Do đó, chúng ta phải cam kết đối với quy tắc tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Bất cứ sai lầm nào cũng có thể dẫn đến xung đột, đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực. Do đó chúng ta phải đạt được tiến triển nhanh hơn về COC” - Thủ tướng Lý Hiển Long nói.
“Chúng ta phải tiếp tục thúc giục tất cả các bên kiềm chế hết mức có thể, hạn chế gây các hành động khiêu khích, sử dụng vũ lực, và cam kết thực hiện các biện pháp phòng ngừa, không quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông" - ông Lý nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Thách thức an ninh nghiêm trọng nhất ở khu vực ASEAN là tình hình phức tạp ở Biển Đông Trong phiên họp, Thủ tướng cho rằng việc bồi đắp, tôn tạo và xây dựng quy mô lớn các đảo, đá và các hoạt động đơn phương khác ở Biển Đông đang gây ra những hệ lụy nghiêm trọng, làm gia tăng căng thẳng, xói mòn lòng tin, gây quan ngại sâu sắc cho cộng đồng quốc tế, và có thể dẫn đến nguy cơ quân sự hóa và xung đột trên biển, đe dọa hòa bình và ổn định khu vực. Thủ tướng cho biết tình hình thực tế này đòi hỏi ASEAN tiếp tục đoàn kết, thống nhất và thực hiện một số công việc sau: Kịp thời lên tiếng bày tỏ quan ngại chung về những diễn biến phức tạp và hành động đơn phương ở Biển Đông, cùng với những hệ lụy xấu và rất nguy hiểm của nó; Thúc đẩy việc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là các nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tự kiềm chế, không có hành động gây phức tạp và căng thẳng thêm tình hình; Đẩy mạnh thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin, giảm căng thẳng và ngăn ngừa xung đột thông qua các cơ chế của ASEAN. “Theo hướng đó, Việt Nam chúng tôi đề nghị ASEAN chúng ta cùng với Trung Quốc cam kết không theo đuổi - không có hành động quân sự hóa ở Biển Đông, tăng cường trao đổi và thúc đẩy Trung Quốc thực hiện đầy đủ, hiệu quả DOC, trước mắt tập trung cụ thể hóa điều 5; trao đổi thực chất, sớm thông qua COC” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu. |
Nguồn: http://tuoitre.vn/tin/the-gioi/20151122/bien-dong-la-phep-thu-tinh-doan-ket-cua-asean/1007194.html
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin