Ngày 23/11, ngày làm việc đầu tiên của Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 7 do Học viện Ngoại giao, Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông và Hội Luật gia Việt Nam phối hợp tổ chức đã kết thúc với 14 bài tham luận và gần 40 ý kiến thảo luận.
Các đại biểu quốc tế trao đổi bên lề tại Hội thảo. (Ảnh: Đoàn Mạnh Dương/TTXVN) |
Ngày 23/11, ngày làm việc đầu tiên của Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 7 do Học viện Ngoại giao, Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông và Hội Luật gia Việt Nam phối hợp tổ chức đã kết thúc với 14 bài tham luận và gần 40 ý kiến thảo luận.
Trong ngày làm việc đầu tiên, các học giả và đại biểu tham dự hội thảo đã tập trung phân tích tình hình thế giới có tác động tới tranh chấp ở Biển Đông và những diễn biến gần đây xung quanh vấn đề Biển Đông.
Các đại biểu cho rằng tình hình thế giới có tác động tới tranh chấp trên Biển Đông theo hai hướng. Về mặt tích cực, các quốc gia đều có lợi ích với một Biển Đông hòa bình, ổn định và mong muốn đảm bảo quyền tự do, an toàn hàng hải, hàng không qua Biển Đông.
Các quốc gia đều mong muốn thúc đẩy hợp tác biển, trong đó hợp tác kinh tế biển đóng vai trò chủ đạo. Tuy nhiên, ở mặt tiêu cực, Biển Đông là khu vực còn nhiều cạnh tranh, bất đồng, mất lòng tin, thiếu thống nhất giữa các nước về giải thích các khái niệm pháp l ý và tồn tại những ranh giới chiến lược chưa rõ ràng, dễ dẫn đến hiểu lầm và xung đột.
Về những phát triển gần đây ở Biển Đông, một số đại biểu chia sẻ các phát triển tích cực về phân định các vùng biển chồng lấn và hợp tác khai thác chung trên biển giữa các quốc gia ven Biển Đông. Một số đại biểu cũng chia sẻ về các nỗ lực giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trong đó có phán quyết gần đây của Trọng tài trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc.
Tuy nhiên, một số đại biểu cũng bày tỏ quan ngại về hoạt động cải tạo đảo trái phép với quy mô lớn, xây dựng đường băng và khả năng lắp đặt các trang thiết bị quân sự của Trung Quốc tại các công trình nhân tạo ở Biển Đông. Các học giả lo ngại các diễn biến mới sẽ tạo ra cuộc chạy đua vũ trang tại Biển Đông và đe dọa đến hòa bình, an ninh của khu vực.
Nhận định chung về triển vọng ở Biển Đông trong thời gian tới, các học giả vẫn cho rằng xung đột lớn ít khả năng xảy ra, nhưng cấu trúc an ninh của khu vực đang lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Vì vậy các bên cần có các cách tiếp cận đa phương, đề cao các diễn đàn an ninh khu vực, tôn trọng tiếng nói của các quốc gia tầm trung, các quốc gia nhỏ và tuân thủ luật pháp quốc tế.
Trao đổi bên lề hội thảo, tiến sỹ Nguyễn Nam Dương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao, cho rằng trong tất cả những nhân tố có tác động đến việc xử lý xung đột tại Biển Đông thì tái cấu trúc khu vực, tái định hình có tác động tương đối quan trọng. Liên quan đến việc giải quyết tranh chấp và bất đồng tại khu vực hiện chỉ có Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) và tiến tới là Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).
Tuy nhiên, cấu trúc an ninh biển đang dần định hình tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ có những đóng góp tích cực vào quá trình xử lý bất đồng giữa các bên tại Biển Đông, đặc biệt là vai trò trung tâm của ASEAN.
Do đó, ASEAN phải tăng cường hơn nữa vai trò trung tâm của mình, gắn kết chặt chẽ với cấu trúc khu vực đang định hình để phù hợp với các nước vừa và nhỏ, góp phần duy trì hòa bình, xử lý các bất đồng và tranh chấp tại Biển Đông.
Tiến sĩ Patrick M. Cronin, Giám đốc Cấp cao, Chương trình An ninh châu Âu-Thái Bình Dương (Hoa Kỳ) cho rằng, tất cả các cường quốc đều có nghĩa vụ kiềm chế và tuân thủ luật quốc tế trong việc đảm bảo trật tự tại khu vực và trên thế giới.
Do đó, Hoa Kỳ rất quan tâm đến việc đảm bảo sự ổn định các quy định về luật pháp trong vấn đề Biển Đông, không để tự do hàng hải và hàng không tại khu vực này bị cản trở. Hoa Kỳ luôn đánh giá cao vai trò của ASEAN và các quốc gia thành viên trong việc giải quyết những tranh chấp và bất đồng tại khu vực, đồng thời cũng mong muốn hỗ trợ ASEAN trong các vấn đề mang tính toàn cầu.
Trên khía cạnh khác, giáo sư Thẩm Đinh Lập, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế, Đại học Phúc Đán (Trung Quốc) cho rằng, giải pháp duy nhất để duy trì ổn định tại Biển Đông là thông qua đàm phán hòa bình giữa các bên.
Hội thảo sẽ tiếp tục ngày làm việc thứ hai vào ngày 24/11 để thảo luận về các vấn đề pháp lý, triển vọng giải quyết tranh chấp Biển Đông và phiên đàm phán giả định để tìm kiếm giải pháp cho Biển Đông./.
Theo http://www.vietnamplus.vn/asean-can-tang-cuong-vai-tro-trung-tam-trong-van-de-bien-dong/357019.vnp
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin