Sáng 4/10, Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ sáu (khóa VIII) tiếp tục làm việc, thảo luận, góp ý kiến vào dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng về các nội dung liên quan đến xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; tăng cường đại đoàn kết toàn dân tộc; phát triển giáo dục, khoa học-công nghệ, bảo vệ môi trường…
Sáng 4/10, Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ sáu (khóa VIII) tiếp tục làm việc, thảo luận, góp ý kiến vào dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng về các nội dung liên quan đến xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; tăng cường đại đoàn kết toàn dân tộc; phát triển giáo dục, khoa học-công nghệ, bảo vệ môi trường…
Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh Nguyễn Dân/TTXVN) |
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân chủ trì hội nghị.
Đảng chịu sự giám sát của dân, dựa vào dân để dân tham gia xây dựng Đảng
Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh tiếp tục là nội dung được nhiều thành viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quan tâm, cho ý kiến. Ông Lù Văn Que, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nêu rõ: người dân có rất nhiều mong đợi ở Đại hội XII của Đảng nhưng mong nhất là tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Bởi nếu không làm tốt việc này thì đó là thách thức lớn nhất đối với vai trò lãnh đạo của Đảng. Nhân dân rất mừng là Đảng đã có Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay.”
Thực hiện Nghị quyết này đã có kết quả bước đầu, song chưa đạt kết quả như mong đợi.
Ông Lù Văn Que thẳng thắn Đảng đông nhưng chưa thực sự mạnh, chưa vạch mặt chỉ tên được ai trong một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên thoái hóa biến chất; chưa ngăn chặn, đẩy lùi được tham nhũng, lãng phí; chưa khắc phục được nguy cơ tụt hậu về kinh tế so với các nước trong khu vực và quốc tế…
Để khắc phục tình trạng này, Đảng cần tiếp tục và kiên quyết thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Đảng tự chỉnh đốn mình là việc làm có ý nghĩa quyết định. Song, Đảng cần quy định cụ thể về chịu sự giám sát của dân, dựa vào dân để dân tham gia xây dựng Đảng. Muốn phòng chống được tham nhũng, lãng phí phải phát động người dân tham gia; đồng thời phải kiểm soát được quyền lực dân giao, không ai được tha hóa quyền lực; phải chống tham vọng và tha hóa quyền lực. Đảng phát động toàn Đảng, toàn dân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là đúng và trúng; nhưng dân mong “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, khắc phục được bệnh dân chủ hình thức, dân chủ cực đoan, nói không đi đôi với làm...,” ông Lù Văn Que nhấn mạnh.
Ông Tráng A Pao, Phó Chủ tịch không chuyên trách, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng: Đại hội Đảng lần thứ XII nên tập trung vào công tác xây dựng Đảng, bởi hiện nay có một bộ phận không nhỏ đảng viên có biểu hiện suy thoái đạo đức.
Đồng tình cao với dự thảo Văn kiện tập trung vào vấn đề đạo đức, ông Tráng A Pao cho rằng, đạo đức trong Đảng và trong xã hội đang có phần xuống cấp. Do đó, công tác xây dựng Đảng nên tập trung vào làm rõ một bộ phận không nhỏ suy thoái, biến chất. Cần xác định rõ qua thời gian xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tìm ra được bao nhiêu phần trăm (%) bộ phận không nhỏ này, không thể nói chung chung.
Đề cập đến vấn đề kê khai tài sản, ông Tráng A Pao nhận định kê khai vẫn là hình thức vì kê khai xong không có ai kiểm tra, thẩm tra. Nếu không thay đổi sẽ không thể giải quyết được tình trạng này. Vấn đề kê khai tài sản, quản lý cán bộ, đảng viên nên có hình thức kiểm tra sau khi kê khai. Cơ quan có trách nhiệm phải thẩm tra, xác minh.
Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Cho ý kiến về vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc, ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa - Xã hội của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nêu vấn đề Đảng cần làm cho cả hệ thống chính trị, trước hết là các cấp ủy Đảng, và người đứng đầu cấp ủy quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc và Mặt trận dân tộc thống nhất. Lợi ích cơ bản của nhân dân, của dân tộc là độc lập, tự do và cuộc sống ấm no, hạnh phúc trong chủ nghĩa xã hội.
Lợi ích đó thể hiện cụ thể trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng. Củng cố, tăng cường đoàn kết hiện nay không thể chung chung mà phải gắn chặt với việc đảm bảo các lợi ích của nhân dân. Một trong những động lực thúc đẩy nhân dân tăng cường đoàn kết trong tình hình hiện nay là quyền làm chủ của nhân dân phải được tôn trọng. Pháp luật và những cơ quan thi hành pháp luật phải đảm bảo để nhân dân thực sự làm chủ đất nước như Hiến pháp 2013 đã quy định.
Ông Nguyễn Túc cũng đề nghị cần thắt chặt mối liên hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Đó không chỉ là trách nhiệm của Đảng và Nhà nước, mà còn là trách nhiệm của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội và của toàn dân.
Qua hoạt động của mình, Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội cần không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để góp phần làm cho mối liên hệ giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước bền chặt, làm cho ý Đảng gắn với lòng dân. Trong giai đoạn hiện nay, các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước có tác động trực tiếp và quyết định đến kết quả xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Vì vậy, Mặt trận, các tổ chức chính trị-xã hội phải thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội để các chủ trương, chính sách sát với cuộc sống, đáp ứng lợi ích của nhân dân. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, cần sớm luật hóa các Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị. Không có luật hóa, có làm đến mấy cũng không có tác dụng.
Tăng đầu tư cho giáo dục, nghiên cứu khoa học-công nghệ
Quan tâm đến nội dung liên quan đến giáo dục-đào tạo và khoa học-công nghệ, giáo sư, tiến sỹ khoa học Phạm Thị Trân Châu, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Khoa học - Giáo dục - Môi trường của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhận xét: Dự thảo văn kiện đã nêu khá đầy đủ các yếu kém nhưng cần nhấn mạnh một số hạn chế chính, đó là quản lý và tổ chức thực hiện còn bất cập, có lẽ đây là khâu yếu nhất trong nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, năng suất lao động trong cơ quan quản lý hành chính khá thấp. Một nguyên nhân là do thừa người không đáp ứng yêu cầu công việc, nên tìm đúng nguyên nhân để khắc phục.
Thời gian qua, mặc dù đã tăng đầu tư cho nghiên cứu khoa học, tăng cường trang thiết bị nhưng hiệu quả chưa tương xứng. Từ thực tế trên, cần rà soát lại xem việc đầu tư đã đúng chỗ chưa, có dựa trên khả năng hấp thụ nguồn vốn đầu tư không.
Đối với giải pháp chủ yếu phát triển giáo dục-đào tạo và khoa học-công nghệ, Giáo sư Trân Châu đề nghị cần nâng cao năng lực tự học cho tất cả mọi người, tùy theo cấp học có phương thức thích hợp và yêu cầu. Cùng với đó là tái cơ cấu hệ thống đại học và viện nghiên cứu mới thực hiện được các công việc đề ra, khai thác có hiệu quả cao nguồn cán bộ khoa học công nghệ.
Hoan nghênh chủ trương “xã hội hóa đầu tư phát triển các trường chất lượng cao ở tất cả các cấp học và trình độ đào tạo,” giáo sư Trân Châu khẳng định đây là nguồn lực để phát hiện, bồi dưỡng những nhân tài tiềm năng, cần xem đây là nhiệm vụ quan trọng vì hiện nay chúng ta đang thiếu người tài, người đầu đàn. Về công tác nhân sự, nên lấy tiêu chuẩn theo yêu cầu công việc là chính, sau đó mới tính đến các tiêu chí khác. Cần khắc phục ngay hiện tượng “cào bằng,” nếu không sẽ không thu hút được người tài trong các cơ quan Nhà nước, nhất là ở điều kiện hội nhập sâu rộng.
Đồng tình với nhận định trên, ông Võ Sỹ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải dương học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) nêu quan điểm Trung ương cần quan tâm, bổ sung vào dự thảo văn kiện các vấn đề liên quan đến hội nhập quốc tế về giáo dục, khoa học và công nghệ. Hội nhập là con đường không thể đảo ngược, muốn phát triển đất nước, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực không thể không quan tâm đến hội nhập quốc tế về giáo dục, khoa học và công nghệ.
Ông Võ Sỹ Tuấn cũng kiến nghị dự thảo Văn kiện cần quan tâm đến vấn đề quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường theo hướng bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn thiên nhiên, sử dụng bền vững nguồn nước và tài nguyên biển xuyên quốc gia.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng quan tâm, góp ý vào dự thảo văn kiện các nội dung liên quan đến tăng cường vị trí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đẩy mạnh hội nhập quốc tế, bảo vệ chủ quyền biển đảo; phát huy quyền làm chủ của người dân, trong đó có người Việt Nam ở nước ngoài…
Trân trọng các góp ý thẳng thắn, tâm huyết
Phát biểu bế mạc Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cảm ơn các thành viên Đoàn Chủ tịch đã có những góp ý thẳng thắn, tâm huyết về các nội dung liên quan đến vai trò của người Việt Nam ở nước ngoài; phát huy vai trò của Mặt trận và người dân trong phòng, chống tham nhũng; xây dựng chiến lược về công tác dân tộc… Các ý kiến sẽ được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tập hợp, đề xuất lên Trung ương.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân mong muốn sẽ tiếp tục được lắng nghe nhiều ý kiến tâm huyết để làm rõ những thành tựu nổi bật, nhìn ra những hạn chế, yếu kém góp ý vào dự thảo báo cáo văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng. Thời gian tới, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ đăng ký một buổi làm việc để báo cáo trực tiếp với Bộ Chính trị và Ban Bí thư về các nội dung góp ý vào dự thảo văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho biết, bên cạnh các cuộc họp thảo luận, góp ý sâu về kinh tế, xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ tổ chức các cuộc thảo luận chuyên đề để góp ý vào dự thảo văn kiện, như phát triển kinh tế, ứng dụng khoa học công nghệ; phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam trong giai đoạn cạnh tranh và hội nhập quốc tế, hun đúc hoài bão, ý chí của thế hệ trẻ; phát huy dân chủ, giám sát phản biện phòng chống tham nhũng.../.
Theo http://www.vietnamplus.vn/xay-dung-dang-trong-sach-vung-manh-tang-cuong-khoi-dai-doan-ket/347312.vnp
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin