Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Trần Quốc Khánh dẫn đầu đã tham gia nhiều hoạt động và có đóng góp tích cực, đặc biệt là tại Hội nghị Bộ trưởng khoa học ASEAN+3.
Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Trần Quốc Khánh dẫn đầu đã tham gia nhiều hoạt động và có đóng góp tích cực, đặc biệt là tại Hội nghị Bộ trưởng khoa học ASEAN+3.
Quang cảnh Hội nghị Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới ASEAN+3. (Ảnh: Phạm Duy/Vietnam+) |
Hội nghị này nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Khoa học Công nghệ thế giới và Hội nghị Bộ trưởng Khoa học Công nghệ của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), diễn ra từ ngày 19-23/10, tại thành phố Daejeon, cách thủ đô Seoul khoảng 170km về phía Nam.
Trong thời gian 3 ngày tại Daejeon (19-21/10), đoàn Việt Nam đã tham dự cuộc họp Ủy ban hỗn hợp Khoa học Công nghệ ASEAN-Hàn Quốc lần thứ hai nhằm đánh giá về các dự án hợp tác giữa ASEAN và Hàn Quốc về Khoa học Công nghệ, đổi mới, di chuyển tài năng và mạng lưới trung tâm....
Đoàn cũng tham dự Hội nghị cấp Bộ trưởng Khoa học OECD và tham gia thảo luận các chủ đề về “Thúc đẩy việc xây dựng và thực hiện chiến lược đổi mới,” “Khoa học và Đổi mới về tăng trưởng toàn cầu,” dự Hội nghị Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới (STI) ASEAN+3.
Các đại biểu tham dự Hội nghị cấp Bộ trưởng Khoa học OECD chụp ảnh lưu niệm. Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đứng hàng thứ hai, ngoài cùng, bên phải. (Ảnh: Phạm Duy/Vietnam+) |
Đoàn đã đến chào xã giao Thị trưởng thành phố Daejeon Kwon Seon-thaek và trao đổi về triển vọng hợp tác phát triển khu công nghệ cao (Technopolis) giữa thành phố Daejeon và Việt Nam.
Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN+3 nhằm thảo luận các biện pháp thúc đẩy hợp tác toàn diện về STI trong khu vực, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định vai trò quan trọng, mang tính quyết định của STI đối với tốc độ tăng trưởng và khả năng cạnh tranh của mỗi quốc gia trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đã giới thiệu 6 giải pháp trọng tâm trong hệ thống STI mà Chính phủ Việt Nam đang tập trung điều chỉnh nhằm đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Sáu giải pháp trên gồm: tập trung vào thương mại hóa và chuyển giao kết quả Khoa học Công nghệ; nghiên cứu về các vấn đề nhằm ứng phó với các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo, phòng chống dịch bệnh…; nâng cao quyền tự chủ cho các viện nghiên cứu công lập; giành nhiều ưu đãi cho các nhà khoa học có trình độ cao ở Việt Nam và ở nước ngoài đóng góp tri thức của họ tại Việt Nam; tăng cường mối liên kết giữa các viện nghiên cứu và các ngành công nghiệp; tạo ra các kênh hỗ trợ cho các hoạt động khoa học công nghệ trong các lĩnh vực kinh doanh, đặc biệt là cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thông qua việc thành lập Quỹ quốc gia về Phát triển công nghệ và thực hiện một số chương trình quốc gia nhằm thúc đẩy sự đổi mới; và tăng cường hội nhập quốc tế về Khoa học Công nghệ dưới các hình thức phù hợp, trên cơ sở cùng có lợi.
Thay mặt đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng đã đưa ra các sáng kiến nhằm tăng cường hơn nữa vai trò và đóng góp của STI vào sự phát triển của khu vực ASEAN+3 gồm xây dựng một mạng lưới liên kết nhằm thúc đẩy sự đổi mới trong các nước, hình thành các chương trình hợp tác nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp mới thành lập dựa trên sự đổi mới giữa các nước trong khu vực ASEAN+3; tăng cường các kênh hợp tác, chia sẻ thông tin, kiến thức khoa học công nghệ giữa các tổ chức nghiên cứu trong ASEAN+3, đặc biệt là trong các lĩnh vực nhằm ứng phó với các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, năng lượng mới và dịch bệnh…
Các sáng kiến trên của đoàn Việt Nam đã nhận được sự hưởng ứng rất tích cực của các thành viên tham dự. Những kết quả và sáng kiến tại hội nghị lần này cũng sẽ được phản ánh tại cuộc họp của Ủy ban Khoa học Công nghệ ASEAN dự kiến diễn ra tại Lào vào tháng 11 tới./.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin