Trong phiên thảo luận dự án Luật Tố tụng dân sự sửa đổi sáng nay 26/10 tại hội trường, Phóng viên Báo Vĩnh Long ghi nhận ý kiến các đại biểu Quốc hội xoay quanh dự thảo luật này.
Trong phiên thảo luận dự án Luật Tố tụng dân sự sửa đổi sáng nay 26/10 tại hội trường, Phóng viên Báo Vĩnh Long ghi nhận ý kiến các đại biểu Quốc hội xoay quanh dự thảo luật này.
* Ông Nguyễn Thanh Bình- Đại biểu tỉnh Vĩnh Long
Tôi đề nghị quy định vai trò của viện kiểm sát nhân dân (VKSND) trong phiên tòa sơ thẩm chỉ được quyền phát biểu và kiểm sát việc giải quyết vụ án dân sự, không phát biểu đề xuất quyết định giải quyết vụ án.
Bởi vì, đây là án dân sự mà VKSND không tham gia đủ quá trình tố tụng. Theo quy định của pháp luật hiện hành, VKSND không thực hành quyền công tố, không khởi tố vụ án dân sự, không chủ trì thực hiện bất kỳ một giai đoạn tố tụng dân sự nào như TAND (thụ lý vụ án, lập hồ sơ vụ án, thu thập chứng cứ, hòa giải, ra các quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải quyết vụ án, trưng cầu giám định…) mà chỉ kiểm sát hoạt động tư pháp trong tố tụng dân sự, thể hiện rõ được cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực theo Hiến pháp năm 2013 giữa TAND và VKSND.
* Ông Nguyễn Văn Thanh- Đại biểu tỉnh Vĩnh Long
A26_a (30).JPG |
Trong dự thảo Luật Tố tụng dân sự lần này, tôi quan tâm đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Luật quy định tòa án có nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân, và không được quyền từ chối các kiến nghị, giải quyết để đảm bảo quyền lợi hợp pháp đó.
Luật cũng quy định, đối với những vụ án mà pháp luật chưa có quy định thì các cơ quan chức năng được áp dụng theo tập quán, lẽ công bằng…
Với quy định này, tôi đề nghị cần phải thận trọng và nên có quy định một chuẩn mực pháp luật, vì trong quá trình xét xử các thẩm phán có quyền xét xử độc lập, do đó cần có chuẩn mực để tránh cái chủ quan.
Ngoài ra, cần có khung pháp lý nhất định mà thẩm quyền đó phải có hướng dẫn của tòa tối cao hoặc nghị quyết của Ban Thường vụ Quốc hội để tránh sự chủ quan, suy đoán không thống nhất của hệ thống pháp luật dễ dẫn đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân không được bảo đảm.
* Ông Huỳnh Thành Lập- Đại biểu TP Hồ Chí Minh
Tôi cho rằng Bộ Luật tố tụng dân sự lần này bám sát Hiến pháp, đảm bảo quyền con người, quyền công dân như việc tòa án không được quyền từ chối nhận đơn khởi kiện nhân sự vì lý do không có quy định của pháp luật- đây là một điểm mới và rất tiến bộ.
Về quy định vai trò của VKSND trong hoạt động xét xử sơ thẩm, tôi đề nghị luật chỉ quy định VKSND phát biểu về những quy trình, thủ tục xét xử có đúng trình tự hay không chứ không phát biểu quan điểm bên nào đúng, bên nào sai.
Nghĩa là VKSND chỉ tham gia chứ không phải tiến hành tố tụng để đảm bảo yếu tố việc nhân sự cốt ở đôi bên.
Một điểm tôi băn khoăn nữa là việc thỏa thuận ngoài tòa án xong rồi có nhất thiết phải đưa vô tòa để công nhận hay không? Có ý kiến cho rằng phải cho tòa án công nhận để đảm bảo lâu dài, cũng có ý kiến cho rằng thỏa thuận xong là được.
Dự thảo luật quy định việc tòa án thụ lý giải quyết và ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, bảo đảm cho các bên thực hiện đúng ý chí, quyền dân sự của mình.
Riêng quan điểm của tôi, chuyện dân sự là chuyện của dân, để cho dân quyết định, nếu hai bên thỏa thuận xong rồi thì chỉ lập biên bản thỏa thuận, không cần thiết phải “kéo” nhau ra tòa để chứng nhận vì rất mất thời gian. Nếu sau này có một bên không đồng tình thì nó đã trở thành một vụ án khác.
THANH TÂM (ghi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin