Trang trọng, trí tuệ, dân chủ, đổi mới… là những cảm nhận của các đại biểu khi tham dự đại hội. Các đại biểu cũng có nhiều ý kiến, giải pháp tâm huyết xoay quanh các vấn đề đáng quan tâm của tỉnh.
Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015- 2020 là sự kiện chính trị trọng đại của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh nhà.
Trang trọng, trí tuệ, dân chủ, đổi mới… là những cảm nhận của các đại biểu khi tham dự đại hội. Các đại biểu cũng có nhiều ý kiến, giải pháp tâm huyết xoay quanh các vấn đề đáng quan tâm của tỉnh.
1. Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy- Nguyễn Bách Khoa
Tham gia đóng góp văn kiện Trung ương, tôi đề nghị Trung ương cần có chính sách thích hợp, ưu việt hơn trong tác động và hỗ trợ doanh nghiệp để họ gắn kết hơn với nông dân trong thực hiện tốt chuỗi giá trị sản xuất- chế biến- tiêu thụ.
Nhiều năm qua, Đảng và Chính phủ rất quan tâm đến nông dân, nông thôn, từ đó ban hành nhiều nghị quyết, quy định, chính sách… như Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X), chỉ đạo giải quyết và hỗ trợ nông dân.
Từ năm 2002, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 80 về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa qua hợp đồng.
Từ vụ lúa Đông Xuân 2009- 2010, Chính phủ đã chỉ đạo mua tạm trữ lương thực, hỗ trợ cho người trồng lúa 500.000 đ/ha với mục đích gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản hàng hóa góp phần phát triển nông nghiệp ổn định, bền vững. Tuy nhiên, những chủ trương này vẫn chưa giải quyết được căn bản khó khăn cho nông dân.
Có thể thấy rằng, nông dân chỉ có chuyên môn làm ra hạt thóc, củ khoai, có thể sản xuất VietGAP, GlobalGAP nhưng họ không thể chạy khắp nơi tìm kiếm thị trường. Không ai khác hơn là doanh nghiệp sẽ giúp họ, từ tổ chức sản xuất sản phẩm đạt chuẩn, giúp họ xây dựng thương hiệu hàng hóa, thị trường tiêu thụ.
Chính vì vậy, Trung ương cần quan tâm đến cơ chế, chính sách thông thoáng hơn để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là trong chế biến nông sản (giảm sản phẩm thô) và tìm kiếm thị trường, để đưa nông sản hàng hóa ra nước ngoài, hơn là hỗ trợ mua tạm trữ vì đây chỉ là giải pháp tình thế.
Ngoài ra, cần quan tâm giải quyết tốt bức xúc như vốn, đầu tư cơ sở hạ tầng, dự án đầu tư, thuế, tín dụng, xúc tiến thương mại… nhất là thể chế chưa khuyến khích các doanh nhân, doanh nghiệp.
2. Bí thư Huyện ủy Trà Ôn Nguyễn Thanh Triều
Qua 5 năm tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, nhìn chung sản xuất nông nghiệp của tỉnh có bước phát triển rõ rệt.
Một số mô hình sản xuất trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Việc tổ chức lại sản xuất cũng được định hình ngày càng rõ nét...
Tuy nhiên, tốc độ phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh còn chậm, giá trị sản xuất còn thấp, hiệu quả kinh tế chưa cao, thiếu bền vững.
Để đổi mới tổ chức sản xuất nâng cao vai trò liên kết “4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp phát triển sản xuất hàng hóa, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2015- 2020 cần một số giải pháp sau:
Trước hết, tập trung củng cố và phát triển các hợp tác xã và tổ hợp tác đảm bảo hoạt động hiệu quả, thiết thực. Xây dựng các hợp tác xã và tổ hợp tác hoạt động đủ mạnh, có hiệu quả để làm cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp.
Việc thành lập phải trên nguyên tắc tự nguyện và cùng có lợi, các tổ chức này phải thực sự làm đại diện của nông dân.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh hỗ trợ tạo điều kiện nâng cao năng lực sản xuất- kinh doanh cho nông dân và nhà doanh nghiệp.
Tăng cường phát huy vai trò quản lý của Nhà nước trong sản xuất và tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng. Nhân rộng và phát triển các hình thức liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông sản thông qua hợp đồng, mà doanh nghiệp giữ vai trò hạt nhân cung ứng đầu vào sản xuất và đảm bảo đầu ra nông sản hàng hóa.
3. Bí thư Huyện ủy Bình Tân Đặng Văn Chính
Theo mục tiêu Đại hội lần X đề ra, đến năm 2020, tỉnh có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Để đạt được chỉ tiêu trên, cần tổng kết, đánh giá kết quả việc tổ chức thực hiện xây dựng nông thôn mới 5 năm qua để đề ra biện pháp khắc phục các mặt hạn chế, yếu kém, phát huy kết quả tích cực, rút ra kinh nghiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Đồng thời, xác định rõ và chọn đơn vị cấp huyện chỉ đạo và đăng ký thực hiện huyện đạt tiêu chí nông thôn mới theo quy định.
Trong thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục tuyên truyền vận động để nâng cao nhận thức của người dân, cán bộ, đảng viên- nhất là ý nghĩa, vai trò chủ thể của người dân, thực hiện hóa phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và thụ hưởng”, tranh thủ sự hỗ trợ tối đa các nguồn vốn đầu tư.
Ngoài ra, cần xác định danh mục công trình xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội cụ thể cho từng xã điểm nông thôn mới, trên cơ sở đó có kế hoạch phân bổ vốn cho từng năm và cả giai đoạn.
Từng sở, ngành, phối hợp chặt chẽ với huyện, xã, có kế hoạch cụ thể, tích cực tổ chức thực hiện các tiêu chí được phân công, đặc biệt là các tiêu chí về giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, thu nhập, giao thông...
4. Giám đốc Sở GD- ĐT Trương Thị Bé Hai
Trong những năm gần đây, giáo dục mầm non ở Vĩnh Long được quan tâm đầu tư đáng kể.
Tuy nhiên do điểm xuất phát thấp, công tác đầu tư thực hiện đề án quy hoạch, phát triển giáo dục mầm non chưa đúng mức, cơ sở vật chất thiếu, đội ngũ giáo viên chưa đảm bảo số và chất lượng nên chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ chưa đồng đều, công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi chưa đạt tiến độ theo lộ trình.
Góp phần đổi mới toàn diện GD-ĐT và thực hiện được chỉ tiêu theo dự thảo báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh cần phải được tập trung ưu tiên đầu tư phát triển với các giải pháp cơ bản:
Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị. Khó khăn hiện nay là quỹ đất để xây dựng các trường mầm non, mẫu giáo dành cho các trường vẫn chưa đạt yêu cầu. Còn 35/119 trường công lập, điểm chính chỉ có 2- 3 phòng học xây dựng bán kiên cố, không có văn phòng làm việc; còn 48 phòng học tạm và mượn 60 phòng học từ các trường tiểu học.
Các trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2002- 2005 hiện cũng đang xuống cấp, nếu không đầu tư sửa chữa, nâng cấp, bổ sung sẽ không đạt theo tiêu chuẩn mới. Nhiệm kỳ mới, cần tập trung đầu tư: bố trí quỹ đất cho việc mở rộng quy mô, phát triển các trường mầm non với diện tích cần là 12,7ha.
Rà soát lại thực trạng hệ thống các trường lớp, cơ sở vật chất về quy mô, trữ lượng trẻ và nhu cầu theo điều kiện thực tế từng địa phương để quy hoạch xây dựng mới nhà trẻ hoặc trường mầm non. Tổng số phòng học nhà trẻ cần xây dựng thêm là 250 phòng, phòng học mẫu giáo là 220, phòng phục vụ học tập 96... Ước tính tổng kinh phí là 876 tỷ đồng.
Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên mầm non và cán bộ quản lý trường mầm non. Thực hiện Thông tư liên tịch số 06, thì ước đến năm 2020 thiếu khoảng 1.500 giáo viên.
Vì vậy trong thời gian tới, cần xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu có lộ trình đào tạo giáo viên mầm non hàng năm; rà soát đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên theo các tiêu chuẩn; tập trung bồi dưỡng thường xuyên cho cán bộ quản lý và giáo viên mầm non; cần có chỉ tiêu biên chế sự nghiệp, chế độ chính sách đặc thù, phụ cấp thu hút, tăng thêm nhà công vụ, ưu đãi trong tuyển dụng,...
T.TÂM- C.HUỆ (ghi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin