Cần tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không

04:10, 30/10/2015

Trước việc tàu chiến Mỹ tiến vào phạm vi 12 hải lý quanh các đảo mà Trung Quốc tôn tạo trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, dư luận quốc tế ủng hộ quan điểm tôn trọng luật quyền tự do hàng hải, hàng không ở khu vực biển Đông.

Trước việc tàu chiến Mỹ tiến vào phạm vi 12 hải lý quanh các đảo mà Trung Quốc tôn tạo trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, dư luận quốc tế ủng hộ quan điểm tôn trọng luật quyền tự do hàng hải, hàng không ở khu vực biển Đông.

Mối quan ngại chung

Theo báo Japan News, chính phủ Mỹ đã thông báo với Nhật Bản và các đồng minh khác về việc Washington tiếp tục kế hoạch tuần tra trên biển Đông. Theo báo này, kế hoạch của Mỹ có thể kéo dài vài tuần hoặc lâu hơn.

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết, Mỹ và Nhật Bản đã trao đổi thông tin về việc tàu khu trục USS Lassen đi vào biển Đông.

Theo ông, những dự án tôn tạo lớn và xây dựng của Trung Quốc tại khu vực quần đảo Trường Sa cũng như các hành động đơn phương làm gia tăng căng thẳng và thay đổi hiện trạng tại biển Đông là mối quan ngại chung của cộng đồng quốc tế.

Ngày 29-10, Thủ tướng Đức Angela Merkel đang thăm Trung Quốc đã bày tỏ quan ngại về các tranh chấp ở biển Đông, đồng thời gợi ý rằng Trung Quốc có thể giải quyết tranh chấp thông qua tòa án quốc tế.

Trong bài phát biểu tại Bắc Kinh, bà Merkel cho rằng tranh chấp ở biển Đông là một “cuộc xung đột nghiêm trọng”. Reuters dẫn lời Thủ tướng Đức cho biết: “Chúng tôi mong rằng các tuyến thương mại trên biển vẫn tự do và an toàn, vì chúng có ý nghĩa quan trọng với tất cả mọi người”.

Ngày 29-10, truyền thông Singapore đưa tin, trong các buổi tiếp riêng rẽ Đại sứ Mỹ và Đại sứ Trung Quốc tại Singapore, Ngoại trưởng nước này Vivian Balakrishnan đã tái khẳng định lập trường của Singapore ủng hộ tự do hàng hải và hàng không theo luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS).

Tờ Wall Street Journal số ra ngày 28-10 cho biết, Australia đang cân nhắc khả năng triển khai tàu tới các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép tại biển Đông. Canberra đã chuẩn bị các kế hoạch triển khai chiến dịch hải quân hoặc các chiến dịch trên không bằng các máy bay tuần tra trên biển.

Trong khi đó, Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhấn mạnh Indonesia sẵn sàng đóng “vai trò tích cực” trong việc giải quyết tranh chấp do có lợi ích hợp pháp trong hòa bình và ổn định ở biển Đông. Ông kêu gọi các bên thể hiện sự kiềm chế, tránh những hành động có thể phá hoại lòng tin dẫn đến nguy cơ gây bất ổn trong khu vực.

Tàu khu trục USS Lassen của Mỹ
Tàu khu trục USS Lassen của Mỹ

ASEAN nên phối hợp giải quyết

Theo Kyodo, tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) diễn ra ở ngoại ô thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) sẽ diễn ra từ ngày 3 đến 4-11, 18 bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN, Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Nga và Australia dự kiến thông qua một tuyên bố chung, trong đó tìm cách xoa dịu tình hình căng thẳng leo thang ở biển Đông.

Kyodo còn cho biết, các bộ trưởng sẽ ký vào bộ nguyên tắc cơ bản về ngoại giao, trong đó có tôn trọng bình đẳng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình và đôi bên cùng có lợi trong các mối quan hệ.

Hãng thông tấn Bernama của Malaysia ngày 29-10 đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng nước này Hishammuddin Hussein cho rằng các nước ASEAN nên phối hợp với nhau để giải quyết các tranh chấp trên biển Đông vì sự can dự của các cường quốc có thể làm tình hình xấu đi. Ông Hishammuddin bày tỏ hy vọng Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN diễn ra vào tuần tới sẽ đưa ra giải pháp cho vấn đề này.

Hãng Reuters ngày 28-10 dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết, Tư lệnh phụ trách các hoạt động của hải quân nước này, Đô đốc John Richardson và Tư lệnh Hải quân Trung Quốc, Đô đốc Ngô Thắng Lợi sẽ tổ chức họp trực tuyến qua truyền hình kéo dài một giờ đồng hồ.

Trong khi đó, đài CCTV của Trung Quốc đưa tin, Tư lệnh lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương Harry Harris sẽ tới Trung Quốc vào ngày 2-11 và biển Đông sẽ là chủ đề hàng đầu trong chương trình nghị sự.

Các quan chức Mỹ - Trung được cho là sẽ thảo luận về cơ chế tránh tai nạn tàu và máy bay khi hai nước tiến hành các chiến dịch trong khu vực.

Đô đốc H.Harris thường chỉ trích mạnh mẽ hành động bồi đắp đảo của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đầu năm nay, ông nói rằng Trung Quốc đã sử dụng máy kéo và máy ủi để tạo ra Vạn lý Trường thành cát ở biển Đông.

Ngày 29-10-2015, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc vừa qua Mỹ đưa tàu đi qua khu vực một số cấu trúc địa lý thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ:

“Là quốc gia có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở biển Đông và thành viên Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, Việt Nam tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở biển Đông trên cơ sở các quy định có liên quan của Công ước và phù hợp với các quy định của quốc gia ven biển. Việt Nam kêu gọi các bên liên quan đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không ở biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC)”.

Nguồn: http://sggp.org.vn/thegioi/2015/10/401054/

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh