Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp các Đại sứ trình quốc thư

05:10, 20/10/2015

Ngày 19/10, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiếp Đại sứ các nước Bỉ, Phần Lan, Thụy Sỹ, Liên minh châu Âu (EU), Ireland và Iran đến trình quốc thư, nhân dịp nhận nhiệm vụ công tác tại Việt Nam. ​

Ngày 19/10, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiếp Đại sứ các nước Bỉ, Phần Lan, Thụy Sỹ, Liên minh châu Âu (EU), Ireland và Iran đến trình quốc thư, nhân dịp nhận nhiệm vụ công tác tại Việt Nam. ​

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Vương quốc Bỉ tại Việt Nam Jehanne Roccas đến trình quốc thư. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Vương quốc Bỉ tại Việt Nam Jehanne Roccas đến trình quốc thư. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)


Chúc mừng các Đại sứ đảm nhận trọng trách tại Việt Nam, Chủ tịch nước khẳng định sẽ tạo mọi điều kiện để các Đại sứ hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Tiếp Đại sứ Vương quốc Bỉ Jehanne Roccas, Chủ tịch nước nhấn mạnh, Việt Nam hết sức coi trọng phát triển mối quan hệ với Vương quốc Bỉ. Bỉ là thành viên Liên minh châu Âu, do đó sau khi Hiệp đinh Thương mại Tự do (FTA) giữa Việt Nam-EU được thực hiện, kim ngạch thương mại hai nước sẽ vượt con số 2 tỷ USD như hiện nay. Bên cạnh đó, các dự án đầu tư lớn của Bỉ sẽ tăng theo.

Nhân dịp này, Chủ tịch nước bày tỏ cảm ơn Vương quốc Bỉ đã dành ODA cho Việt Nam thời gian qua; góp phần cùng bạn bè quốc tế giúp Việt Nam hoàn thành nhiều mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.

Gửi lời chúc mừng của Quốc vương Bỉ tới Chủ tịch nước và nhân dân Việt Nam, Đại sứ Jehanne Roccas cho rằng, Việt Nam và Vương quốc Bỉ có nhiều giá trị chung có thể chia sẻ, Bỉ là thành viên EU, Việt Nam là thành viên ASEAN, đều có mục tiêu chung là đẩy mạnh liên kết khu vực, giữ vững ổn định an ninh khu vực và phát triển hợp tác hai bên.

Đại sứ cho biết, trong nhiệm kỳ công tác, bà sẽ tập trung đẩy mạnh các lĩnh vực hợp tác mà Bỉ có thế mạnh như: Công nghệ môi trường, tin học ứng dụng. Việt Nam cần công nghệ cao để phát triển. Theo đó, hai nước có thể hợp tác trong lĩnh vực: Nông nghiệp, chế biến thực phẩm, logistic...

Đại sứ cho biết, Bỉ sẽ triển khai tiếp theo giai đoạn hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực quản trị, biến đổi khí hậu và phát triển xanh; đồng thời đẩy mạnh giao lưu nhân dân, hợp tác về giáo dục, phát triển du lịch...

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Cộng hòa Phần Lan tại Việt Nam Ilkka Pekka Simila đến trình quốc thư. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Cộng hòa Phần Lan tại Việt Nam Ilkka Pekka Simila đến trình quốc thư. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)


Tiếp Đại sứ Phần Lan Ilkka-Pekka Antero Simila, Chủ tịch nước nhấn mạnh, Việt Nam coi trọng củng cố và tăng cường quan hệ với các nước bạn bè truyền thống tại khu vực Bắc Âu, trong đó có Phần Lan; vui mừng nhận thấy quan hệ Việt Nam-Phần Lan hơn 40 năm qua phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt về phương diện chính trị và hợp tác phát triển. Kim ngạch thương mại hai nước liên tục tăng qua các năm, đạt khoảng 200-250 triệu USD/năm. 

Chủ tịch nước cho rằng, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU sau khi ký kết sẽ tạo đà mới đưa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước phát triển hơn nữa. Cảm ơn Chính phủ và nhân dân Phần Lan dành viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam thời gian qua đạt khoảng 340 triệu USD, Chủ tịch nước mong muốn Phần Lan có nhiều thế mạnh trong công nghệ thông tin, lâm nghiệp, sẽ tiếp tục hỗ trợ phát triển cho Việt Nam trong các lĩnh vực như: Tăng cường kinh tế xanh, phát triển bền vững môi trường và quản lý tài nguyên...

Đại sứ Ilkka-Pekka Antero Simila bày tỏ, trong nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam sẽ mở rộng quan hệ sang các lĩnh vực có nhiều tiềm năng. Đại sứ sẽ làm việc với các bộ, ngành của Việt Nam để đưa mối quan hệ hợp tác hai nước phát triển vững chắc, nhất là hợp tác phát triển công nghệ thông tin, môi trường xanh.

Tiếp Đại sứ Thụy Sỹ, bà Beatrice Maser Mallor, Chủ tịch nước bày tỏ cảm ơn Chính phủ và nhân dân Thụy Sỹ đã ủng hộ nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây, cũng như xây dựng, phát triển ngày nay, cụ thể đã dành khoảng 360 triệu USD viện trợ phát triển cho Việt Nam. 

Nhấn mạnh mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Thụy Sỹ trên nhiều lĩnh vực, Chủ tịch nước mong muốn hai nước sẽ phối hợp tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa trong năm 2016 nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Liên bang Thụy Sỹ tại Việt Nam Beatrice Maser Mallor đến trình quốc thư. (Ảnh: An Đăng​/TTXVN)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Liên bang Thụy Sỹ tại Việt Nam Beatrice Maser Mallor đến trình quốc thư. (Ảnh: An Đăng​/TTXVN)

Chủ tịch nước đề nghị hai bên tiếp tục hợp tác và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế; mong muốn Thụy Sỹ ủng hộ Việt Nam ứng cử làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, cũng như hỗ trợ Việt Nam thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Bày tỏ vui mừng về quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Thụy Sỹ những năm gần đây đã có bước phát triển vượt bậc, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước năm 2014 đạt trên 625 triệu USD, Chủ tịch nước tin tưởng sau khi Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam được thực hiện, con số kim ngạch thương mại song phương sẽ vượt 1 tỷ USD.

Đại sứ Thụy Sỹ Beatrice Maser Mallor cho biết, quan hệ hai nước có truyền thống tốt đẹp, trong đó thương mại phát triển nhanh chóng và đều đặn; hy vọng thời gian tới Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam sẽ tạo đà cho quan hệ thương mại hai nước phát triển cao hơn. 

Điểm lại sự hỗ trợ của Thụy Sỹ dành cho Việt Nam, giúp nâng cao năng lực địa phương, phát triển nông nghiệp, tài chính công, Đại sứ cho biết, Việt Nam vẫn là nước nằm trong ưu tiên hỗ trợ phát triển của Thụy Sỹ, thời gian tới Thụy Sỹ tiếp tục tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực có thế mạnh và Việt Nam có như cầu như: Giáo dục, nghiên cứu khoa học, khách sạn, du lịch...

Tiếp Đại sứ Liên minh châu Âu Bruno Angelet, Chủ tịch nước bày tỏ cảm ơn EU thời gian qua luôn là một trong những nhà tài trợ ODA lớn cho Việt Nam; nhấn mạnh Việt Nam không quên sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, trong đó có Liên minh châu Âu giúp Việt Nam hoàn thành nhiều mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp Đại sứ, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam Bruno Angelet đến trình quốc thư. (Ảnh: An Đăng​/TTXVN)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp Đại sứ, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam Bruno Angelet đến trình quốc thư. (Ảnh: An Đăng​/TTXVN)


Nhấn mạnh năm 2015 là thời điểm Việt Nam và EU kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Chủ tịch nước vui mừng nhận thấy quan hệ hợp tác hai bên thời gian qua phát triển rất tích cực trên mọi lĩnh vực. Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao, ký kết nhiều thỏa thuận, hiệp định quan trọng. EU là đối tác thương mại lớn thứ hai (sau Trung Quốc) và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai (sau Hoa Kỳ) của Việt Nam.

Chủ tịch nước bày tỏ tin tưởng, với nỗ lực của hai bên trong hoàn tất các công việc kỹ thuật, Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam có thể ký kết vào cuối năm nay, tạo bước đột phá về thương mại giữa hai bên. 

Chia sẻ những thuận lợi, khó khăn khi Việt Nam đã và đang chuẩn bị ký kết các hiệp định thương mại tự do tiêu chuẩn cao, Chủ tịch nước cho biết, hiện nay doanh nghiệp trong nước còn yếu so với các doanh nghiệp nước ngoài. Bên cạnh việc tiếp tục khuyến khích đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã và đang có những chính sách, luật pháp khuyến khích doanh nghiệp trong nước phát triển, mở rộng tối đa quyền kinh doanh của các tổ chức, cá nhân Việt Nam.

Đại sứ Bruno Angelet cho biết, EU luôn coi trọng phát triển quan hệ với các nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Về kỷ niệm 25 thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-EU, Đại sứ khẳng định EU luôn đồng hành cùng Việt Nam, tiếp tục mối quan hệ hợp tác thành công giữa EU và Việt Nam trong suốt thời gian qua.

Đại sứ cho rằng, EU và Việt Nam đang đối mặt với thách thức về an ninh chung; hy vọng bên cạnh các lĩnh vực kinh tế, an ninh, chính sách, EU và Việt Nam có thể hợp tác tốt trong các lĩnh vực như: Tăng năng suất, cạnh tranh sản phẩm, phát triển xanh với hàm lượng công nghệ cao.

Đại sứ bày tỏ, với việc ký kết FTA, đây sẽ trở thành hiệp định "hai bên cùng thắng." Hiện nay, 30% xuất khẩu của Việt Nam do công ty nước ngoài, nếu doanh nghiệp tư nhân không tham gia xuất khẩu nhiều hơn, sẽ không hưởng lợi từ hiệp định này.

Chia sẻ với Chủ tịch nước về những khó khăn, thách thức khi Việt Nam là nước chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, Đại sứ cho biết, EU tiếp tục hỗ trợ, chia sẻ với Việt Nam nhằm giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Cộng hòa Ireland tại Việt Nam Cait Moran đến trình quốc thư. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Cộng hòa Ireland tại Việt Nam Cait Moran đến trình quốc thư. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)


Tiếp Đại sứ Ireland Casit Moran, Chủ tịch nước nhấn mạnh, Việt Nam luôn coi trọng tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác với Ireland. Quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực, nhất là trong bối cảnh hai nước đang hướng tới kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2016. 

Khẳng định Ireland là nhà tài trợ ODA quan trọng đối với Việt Nam, Chủ tịch nước mong muốn hai bên tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác phát triển, tập trung vào các ưu tiên như xóa đói giảm nghèo, đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường năng lực các cơ quan nhà nước...

Đại sứ Ireland cho rằng, năm 2016 kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Ireland-Việt Nam, cũng là năm Ireland kỷ niệm 100 năm giành độc lập. Hai dân tộc Ireland và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng, đều phải trải qua đấu tranh giành độc lập và giải quyết nhiều thách thức trong xây dựng, phát triển đất nước. Đại sứ nhấn mạnh, thời gian qua, quan hệ hai nước có những bước phát triển tích cực. Ireland giúp Việt Nam thực hiện thành công các chính sách xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế.

Bày tỏ ấn tượng về báo cáo của Việt Nam trong thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, Đại sứ cho biết, thời gian tới Ireland sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững; phối hợp chặt chẽ trên các diễn đàn quốc tế và ủng hộ Việt Nam ứng cử làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Cộng hòa Hồi giáo Iran tại Việt Nam Saleh Adibi đến trình quốc thư. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Cộng hòa Hồi giáo Iran tại Việt Nam Saleh Adibi đến trình quốc thư. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)


Tiếp Đại sứ Cộng hòa hồi giáo Iran Saleh Adibi, Chủ tịch nước vui mừng nhận thấy quan hệ hai nước phát triển tốt đẹp; tin tưởng trong nhiệm kỳ công tác của mình, Đại sứ và các cơ quan hữu quan của Việt Nam sẽ cùng phối hợp thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực: dầu khí, nông nghiệp, du lịch, thương mại, đầu tư.

Chủ tịch nước cho rằng, với việc Iran đạt được Thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân giữa Iran và Nhóm P5+1 sẽ có lợi cho hòa bình và ổn định ở khu vực.

Đại sứ Saleh Adibi cho rằng, hợp tác nghị viện là một trong những ưu tiên hàng đầu thời gian qua; tin tưởng với các chuyến thăm, việc trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, sẽ thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác hai nước trên nhiều lĩnh vực. 

Đại sứ bày tỏ, dự án khai thác dầu khí ở lô Danan của Iran do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam triển khai sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa. Bên cạnh các lĩnh vực hợp tác sẵn có, hai nước có thể mở rộng hợp tác an ninh, chống chủ nghĩa khủng bố, khoa học cơ bản, khoa học công nghệ... Iran sẵn sàng trao học bổng ở ba cấp: Cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ đối với Việt Nam, cũng như dạy tiếng Ba Tư tại Việt Nam. Đại sứ mong muốn nhận được sự ủng hộ của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy hợp tác với các nước ASEAN./.

Theo http://www.vietnamplus.vn/chu-tich-nuoc-truong-tan-sang-tiep-cac-dai-su-trinh-quoc-thu/350283.vnp

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh