Đột phá từ phát triển và nâng cao nguồn nhân lực

11:09, 25/09/2015

Để thực hiện tốt Nghị quyết nhiệm kỳ 2010- 2015, Tỉnh ủy đã xây dựng 6 chương trình hành động. 

Để thực hiện tốt Nghị quyết nhiệm kỳ 2010- 2015, Tỉnh ủy đã xây dựng 6 chương trình hành động. Trong đó có Chương trình số 09 về phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2011- 2015 và định hướng đến năm 2020 được Tỉnh ủy chọn là một trong 2 khâu đột phá của cả nhiệm kỳ.

Chương trình đã góp phần chuẩn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị của tỉnh. Trong ảnh: Nguồn cán bộ trẻ.
Chương trình đã góp phần chuẩn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị của tỉnh. Trong ảnh: Nguồn cán bộ trẻ.

Đột phá từ con người

Qua gần 5 năm thực hiện Chương trình hành động số 09, đã tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của cán bộ, đảng viên- nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp. Kết quả là tỉnh đã đào tạo được một đội ngũ nhân lực dồi dào và đã góp phần hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX đề ra.

Một trong những điểm nhấn của chương trình đó là việc đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của hệ thống chính trị. Theo ông Nguyễn Hiếu Nghĩa- Giám đốc Sở Nội vụ: Khi thực hiện chương trình này, có một quyết tâm chính trị rất cao của hệ thống chính trị, từ đó các cấp, các ngành đã triển khai đến tất cả cán bộ, công chức, viên chức. Tỉnh cũng tập trung mọi nguồn lực và kinh phí để công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ này tốt hơn.

Kết quả, về lý luận chính trị, đã đào tạo được 4.286 đồng chí, nếu so nhiệm kỳ trước tăng gấp 3 lần. Về chuyên môn nghiệp vụ, đã đào tạo cao đẳng, đại học cho 2.383 người, so nhiệm kỳ trước tăng gấp 7 lần. Đặc biệt là đào tạo sau đại học trên 1.000 người, tăng rất cao so nhiệm kỳ trước, hay như bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho trên 33.000 lượt công chức, viên chức, tăng gấp 10 lần so nhiệm kỳ trước. Riêng Đề án Vĩnh Long 100, Tỉnh ủy cho kéo dài đến năm 2020, hiện đã có 41 người về nước và đang phát huy trong công việc.

Cũng theo ông Nguyễn Hiếu Nghĩa, việc đào tạo đã góp phần chuẩn hóa và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị của tỉnh, bước đầu phát huy được tác dụng trong từng lĩnh vực, đáp ứng được những đòi hỏi trong công tác lãnh đạo, quản lý của các sở ngành cũng như địa phương. Hơn thế nữa, đã khắc phục được những hạn chế yếu kém về công tác cán bộ và mở ra triển vọng mới trong chiến lược cán bộ của tỉnh. Một điều quan trọng là ý thức cán bộ nâng lên rõ rệt, thể hiện ở tinh thần, thái độ, trách nhiệm phục vụ tổ chức và nhân dân tốt hơn, tạo ra năng suất, hiệu quả trong công việc và có sự đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh nhà.

Có thể khẳng định rằng, từ khi có Chương trình hành động số 09, phong trào học tập để nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ được phát triển rộng khắp không chỉ có ở cấp tỉnh, các sở ban ngành mà có ở cấp huyện, xã. Theo Ban Tổ chức Huyện ủy Mang Thít, nếu như trước năm 2010, tổng số cán bộ công chức cấp xã, cấp huyện có trình độ chuyên môn và chính trị phần lớn là trung cấp, thì hiện nay tỷ lệ công chức cấp xã có chuyên môn về cao đẳng trở lên đạt trên 91%; trung cấp và cao cấp chính trị đạt gần 89%. Riêng đối với cán bộ, công chức cấp huyện đều có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên, đặc biệt có 14 thạc sĩ. Có được kết quả này là nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là sự phấn đấu vươn lên của bản thân cán bộ, công chức,
viên chức.

Ưu tiên cho những ngành trọng yếu

Ngoài việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị, Tỉnh ủy ưu tiên chọn một số ngành nghề trọng yếu đào tạo chiến lược sau này để phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.

GD-ĐT, y tế, đào tạo nghề là những khâu trọng yếu được tỉnh tập trung đào tạo. Đối với ngành giáo dục, nếu như trước đây, phần lớn cán bộ, giáo viên chưa đạt chuẩn thì hiện nay ngành đã cơ bản chuẩn hóa.

Các ngành trọng yếu cũng được tỉnh quan tâm đào tạo để đáp ứng cho sự phát triển.
Các ngành trọng yếu cũng được tỉnh quan tâm đào tạo để đáp ứng cho sự phát triển.

Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, hiện nay chuẩn hóa sư phạm toàn ngành trên 99%, trong đó đối với bậc mầm non gần 50% trên chuẩn, tiểu học gần 70% và THCS trên 50%. Rõ ràng đây là sự nỗ lực, cố gắng phấn đấu rất lớn của ngành cũng như sự nỗ lực của nhà giáo và cán bộ quản lý. Đây là một trong những nguồn lực quan trọng góp phần trong việc thực hiện thành công chương trình sách giáo khoa mới theo định hướng đổi mới căn bản toàn diện thời gian tới. Theo bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, để đáp ứng được yêu cầu này thì trong thời gian tới sở cũng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác bồi dưỡng và đào tạo làm sao giáo viên cũng như cán bộ quản lý phát huy từ năng lực quản lý cho đến phương pháp quản lý sao cho khoa học, hợp lý và toàn diện để đáp ứng yêu cầu mới trong thời gian sắp tới.

Kinh phí thực hiện chương trình phát triển nguồn nhân lực của tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2011- 2015 là 360,74 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí nguồn nhân lực của hệ thống chính trị 24,95 tỷ đồng; phát triển nâng cao chất lượng giáo dục đại học 229,03 tỷ đồng; phát triển nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho y tế 5,31 tỷ đồng; phát triển nâng cao chất lượng đào tạo nghề 70,06 tỷ đồng; phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng năng khiếu nhân tài đội ngũ nguồn nhân lực ngành văn hóa- thể thao và du lịch 30,52 tỷ đồng; phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân và quản lý doanh nghiệp là 862,3 triệu đồng.

Đối với ngành y tế, Chương trình hành động 09 của Tỉnh ủy đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngành y tế xây dựng được kế hoạch phát triển nguồn nhân lực tiến tới góp phần chăm sóc tốt sức khỏe nhân dân. Ông Mai Thanh Hùng- Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, thực hiện chương trình này, ngành y tế tham mưu với UBND tỉnh hợp tác với Trường Đại học Cần Thơ để hỗ trợ đào tạo đại học và sau đại học cho đội ngũ cán bộ y tế. Ngoài ra, tỉnh còn kết hợp với BCĐ Tây Nam Bộ, TP Hồ Chí Minh, các trường gửi sinh viên đào tạo, hàng năm có khoảng 100 sinh viên ngành y được đào tạo từ các chương trình này.

Qua gần 5 năm thực hiện, nếu như năm 2011 toàn tỉnh có 532 bác sĩ thì đến nay có 632 bác sĩ, trong đó trình độ chuyên khoa I là 57 người, chuyên khoa 2 là 32 người. Theo ông Mai Thanh Hùng, chương trình hành động của Tỉnh ủy đã góp phần đảm bảo tốt công tác chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn tỉnh, đổi mới được công tác phục vụ, cũng như đảm bảo tốt vấn đề an sinh xã hội thời gian qua.

Thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy về chương trình phát triển nguồn nhân lực, ông Lê Quang Đạo- Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội cho biết, riêng về lĩnh vực dạy nghề trong 5 năm qua về cơ sở vật chất, tỉnh đã nâng cấp 2 trường trung cấp nghề lên cao đẳng nghề, ngoài ra có 2 trường đại học và một số trường cao đẳng cũng tham gia dạy nghề; đối với cấp huyện, thì 8 huyện- thị- thành đều có trung tâm dạy nghề. Riêng về đào tạo, trong 5 năm, có gần 200.000 người tham gia đào tạo nghề, qua đó góp phần nâng tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật của tỉnh đến cuối năm 2015 đạt 55%, trong đó qua đào tạo là 35%.

Ông Nguyễn Văn Thanh- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đánh giá, trước đây yếu tố quan trọng đầu tiên là nhân lực phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội và xây dựng phát triển địa phương gần như là điểm nghẽn rất quan trọng. Trong nhiệm kỳ 2010- 2015, Tỉnh ủy đã xác định đây là khâu then chốt đột phá số một, cần phải tập trung thực hiện. Theo đó, tỉnh đã ban hành những cơ chế chính sách đòn bẩy để thu hút xây dựng xã hội học tập và bản thân mỗi cán bộ phải cố gắng để học tập, tự khẳng định mình đủ trình độ, tri thức, rèn luyện kỹ năng và thực tế. Điển hình như việc đào tạo nâng cao nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị, các ngành trọng yếu như giáo dục, y tế, đào tạo nghề, Đề án Vĩnh Long 100… Đến nay, cơ bản về trình độ chuyên môn cũng như lý luận chính trị của đội ngũ cán bộ tỉnh cơ bản đáp ứng yêu cầu.

Định hướng cho nhiệm kỳ 2015- 2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long vẫn xác định việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là khâu quan trọng để tập trung đầu tư. Ngoài việc chuẩn hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị, tỉnh sẽ dồn sức đào tạo nguồn nhân lực ở các lĩnh vực chủ yếu: giáo dục, y tế, khoa học- công nghệ, thể dục- thể thao. Tỉnh phấn đấu đến năm 2020 có 60% cán bộ lãnh đạo, quản lý, trưởng, phó ngành tỉnh và huyện- thành có trình độ thạc sĩ trở lên; có 50% giảng viên trường cao đẳng và 70% giảng viên trường đại học có trình độ từ thạc sĩ trở lên.

 

Bài, ảnh: THANH TÂM

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh