
Văn hóa phi vật thể dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh phong phú, đa dạng và độc đáo, mang bản sắc riêng.
Lễ đón Bằng di sản văn hóa cấp quốc gia Chầm riêng Chà pây.
Văn hóa phi vật thể dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh phong phú, đa dạng và độc đáo, mang bản sắc riêng.
Theo thời gian, những người nắm giữ các di sản văn hóa này ngày một ít đi. Có những loại hình đã mất, nhiều loại hình có nguy cơ mai một. Vì vậy, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể là việc làm cấp bách.
Tỉnh Trà Vinh có hơn 300 nghìn người dân tộc Khmer, chiếm 31% dân số. Người Khmer sinh sống tại 599 ấp khóm trên địa bàn tám huyện, thành phố trong tỉnh. Họ sống chủ yếu ở vùng nông thôn, là vùng sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là lúa nước.
Bên cạnh đó, đồng bào còn kết hợp trồng cây lương thực, hoa màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm, đánh bắt thủy sản và một bộ phận nhỏ sản xuất tiểu thủ công nghiệp, buôn bán.
Bên cạnh đó, sự cộng cư hòa hợp cùng cộng đồng các dân tộc dẫn đến những tác động, giao lưu văn hóa. Người Khmer đã tự tiếp nhận vào nền văn hóa truyền thống của mình không ít những yếu tố văn hóa của người Kinh, người Hoa.
Từ kiểu nhà ở đến cách ăn mặc và một số tập quán khác như tục thờ cúng tổ tiên, tục thờ Quan Công, đến nghệ thuật hát Tiều, hát Quảng được đưa vào kịch hát Dù kê. Vì vậy, văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh không chỉ phong phú, đa dạng mà còn mang bản sắc riêng.
Do những tác động của sự giao lưu, tiếp biến văn hóa, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, nền kinh tế nhiều thành phần theo cơ chế thị trường, tốc độ đô thị hóa ngày một nhanh, văn hóa phi vật thể dân tộc Khmer đang bị ảnh hưởng và mai một.
Theo thời gian, có những loại hình đã mất, nhiều loại hình có sự giản lược bớt, một số loại hình nguy cơ sẽ mất trong thời gian không xa.
Năm 2007, Bảo tàng Tổng hợp Trà Vinh đã tổ chức cuộc điều tra thực trạng văn hóa phi vật thể dân tộc Khmer tại 559 ấp có đồng bào Khmer sinh sống.
Qua điều tra, tổng hợp đã xác định được 11 lễ hội cổ truyền, gồm: lễ vào năm mới (Pithi Chôl Chnam Thmây), lễ cúng ông bà (Pi thi Sen Đon ta), lễ cúng trăng hay Đút cốm dẹp (Ok om bok), lễ cúng Neak ta, lễ Dâng y- Dâng bông, lễ nhập hạ, lễ xuất hạ, lễ kết giới chính điện, lễ an vị tượng Phật, lễ đặt cơm vắt và lễ Phật đản; bảy loại hình nghệ thuật cổ truyền.
Nghệ thuật cổ truyền của người Khmer Trà Vinh mang bản sắc đặc trưng dân tộc, trong đó nghệ thuật biểu diễn chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống tinh thần, đáng kể nhất là nghệ thuật Rô băm, Dù kê, trò diễn trong đám cưới, múa trống Sa dam, múa hát A day, Chầm riêng Chà pây và dàn nhạc Khmer truyền thống.
Riêng dàn nhạc được chia ra dàn nhạc dân gian và dàn nhạc lễ. Ngoài ra, còn có một số nhạc cụ rời, sử dụng theo chức năng: độc tấu, đạo cụ múa, đệm cho ca kịch.
Phong tục, tập quán và lễ hội của đồng bào Khmer gắn liền với cuộc sống sản xuất, sinh hoạt gia đình, cộng đồng và xã hội; gắn liền với đạo đức, lối sống, ước nguyện của con người trong cuộc sống. Đồng bào Khmer ở Trà Vinh không phân biệt phong tục tập quán và lễ hội, mà chỉ có hai danh từ Bonya và Pithi để chỉ tất cả các lễ nghi, phong tục...
Cùng với việc bảo tồn, các cơ quan chức năng cũng đầu tư vào việc phát huy di sản, đưa di sản đến với công chúng. Bảo tàng tổng hợp Trà Vinh cũng đã tiến hành công tác sưu tầm để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa "Nghệ thuật mão, mặt nạ của đồng bào Khmer Trà Vinh.
Năm 2014, tổ chức lớp truyền dạy kỹ thuật chế tác mão, mặt nạ cho những thanh niên có đam mê với nghề. Mão, mặt nạ là hai dụng cụ không thể thiếu trong các nghệ thuật Rô băm hay nghệ thuật sân khấu Dù kê của đồng bào Khmer.
Đến nay, Trà Vinh đã làm hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Nghệ thuật Chầm riêng Chà pây và lễ hội Ok om Bok của đồng bào Khmer Trà Vinh là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Tỉnh Trà Vinh cũng đã phối hợp tốt với các tỉnh có đông đồng bào Khmer làm hồ sơ để UNESCO công nhận Nghệ thuật Dù kê của đồng bào Khmer Nam Bộ là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Hiện nay, một số điều tra cũng giúp cho cơ quan chuyên môn kiểm kê được số lượng di sản, đánh giá, phân loại từng loại hình, hình thái văn hóa phi vật thể, mức độ bảo lưu, bảo tồn tự nhiên tại từng địa phương và trên bình diện chung, đồng thời nhận biết thực trạng và sự phân bố di sản văn hóa phi vật thể trong phạm vi tỉnh Trà Vinh.
Theo NDĐT
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin