
Như bao người con đất Việt, được gặp Bác Hồ là một niềm vinh dự lớn. Ở Gia Lai, theo điều tra của Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Gia Lai và Kon Tum, có hàng trăm người được gặp Bác Hồ trong những tháng năm được Ðảng, Nhà nước tạo điều kiện cho ra Bắc học tập, công tác.
Như bao người con đất Việt, được gặp Bác Hồ là một niềm vinh dự lớn. Ở Gia Lai, theo điều tra của Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Gia Lai và Kon Tum, có hàng trăm người được gặp Bác Hồ trong những tháng năm được Ðảng, Nhà nước tạo điều kiện cho ra Bắc học tập, công tác.
Trong số đó, nhiều người đã mất, có người tuổi đã lớn không còn công tác nhưng mỗi khi có dịp trò chuyện, trao đổi với họ về những lần được gặp Bác, được Bác trò chuyện, thăm hỏi thì ai cũng cho rằng, đó là những thời khắc, những kỷ niệm đẹp để lại những ấn tượng sâu đậm, khó quên nhất trong cuộc đời...
Dù tuổi đã cao, nhưng bà H'Ben vẫn miệt mài sưu tầm những bài dân ca Ba Na, truyền lại cho thế hệ sau. Trong ảnh: Bà H'Ben và chồng, nghệ sĩ Ðức Thịnh. Ảnh: ÐỨC THANH
Ông Nay Quách, dân tộc Gia Rai, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Gia Lai, người có vinh dự bốn lần được gặp Bác Hồ, kể: Lần đầu tôi được gặp Bác là vào năm 1954. Khi ấy, chúng tôi vừa từ Tây Nguyên ra học ở Trường cán bộ dân tộc T.Ư miền Nam đóng ở Hà Nội.
Vừa mới nhập trường, nơi ăn ở vẫn chưa ổn định thì đồng chí Y Ngông Niết Ðam, Hiệu trưởng, đến thông báo vài hôm nữa sẽ vào Phủ Chủ tịch biểu diễn cho Bác Hồ và các đại biểu xem.
Chúng tôi ai nấy đều phấn khởi nhưng cũng rất lo và ráo riết luyện tập tiết mục. Khoảng hai hôm sau, chúng tôi được các chú ở trường đưa vào Phủ Chủ tịch, đến nơi mới biết, không chỉ có chúng tôi mà còn có khá đông các bạn ở các tỉnh ở phía bắc nữa. Khi chúng tôi đang ở phía sau hóa trang chuẩn bị cho các tiết mục thì nghe thông báo Bác đến, thế là chúng tôi chạy ùa ra sân.
Không ai chịu nhường ai, chúng tôi cùng đưa tay về phía Bác với mong muốn là người đầu tiên được nắm tay Bác. Bác bảo: "Các cháu đây được Bác bắt tay nhiều rồi, bây giờ ưu tiên cho Tây Nguyên, các cháu Tây Nguyên đâu?", "Chúng cháu đây ạ!".
Chúng tôi đồng thanh thưa, rồi Bác lần lượt bắt tay từng người một, chúng tôi ai cũng sung sướng, tự hào... Lúc biểu diễn, tôi cùng các anh Siu Pơi, Nay Kha, Y Khưu... đóng khố, cởi trần múa khiên của dân tộc Gia Rai, Bác ngồi phía dưới chăm chú xem, nửa chừng, Bác bảo:
"Các cháu tạm nghỉ, xuống mặc áo ấm vào không thì sưng phổi đấy!". Ông Nay Quách còn kể lại những lần gặp Bác sau này nữa, cuối cùng ông nói: Sau đó đoàn chúng tôi vào nam phục vụ chiến trường, có lúc đội bom mà biểu diễn nhưng nhớ những lời Bác dạy, những tình cảm Bác dành cho, chúng tôi ai cũng ngầm hứa sẽ không ngừng học tập, sáng tạo.
Bà H'Ben, dân tộc Ba Na năm nay đã ngoài 70 tuổi, nhớ lại: Tôi nhiều lần vinh dự được biểu diễn cho Bác xem, nhưng ấn tượng nhất là hôm biểu diễn vào năm 1967, trước khi chúng tôi lên đường đi lưu diễn dài ngày ở các nước Liên Xô (trước đây), Cu-ba, Trung Quốc, Hung-ga-ri...
Kết thúc buổi biểu diễn, Bác gặp các diễn viên, ân cần động viên, phát kẹo và hỏi từng người: "Cháu xin bao nhiêu viên đây?". Ai cũng nhanh nhảu xin Bác nhiều kẹo đến lượt tôi, Bác hỏi: "Thế còn cháu, xin Bác bao nhiêu?".
Tôi thật thà: "Cháu xin một viên thôi ạ!", Bác xoa đầu: "Cháu này ngoan lắm!", nhưng rồi trên gương mặt bác bỗng thoáng buồn, Bác nói nhỏ nhưng ai cũng nghe thấy: "Còn hàng triệu cháu như các cháu, giờ này chưa có được một viên kẹo nào đâu...". Nghệ sĩ Nhân dân Ðinh Thị Xuân La, dân tộc H'Re, theo cha mẹ tập kết ra bắc năm 1954, được tạo điều kiện học ở Trường Dân tộc T.Ư sau đó nhờ có năng khiếu múa, được tuyển vào Ðoàn Nghệ thuật nhân dân Tây Nguyên.
Trong thời gian học ở miền bắc và công tác ở Ðoàn Nghệ thuật nhân dân Tây Nguyên, Xuân La chỉ một lần được gặp Bác, nhưng như chị nói, đã ghi đậm trong chị suốt cả quãng đời làm nghệ thuật và tham gia cách mạng. Chị kể:
Khi ấy, tôi khoảng 5, 6 tuổi đang chơi trò bập bênh với một cậu bạn ở sân, bỗng nhiên có tiếng reo: Bác Hồ đến! Bác Hồ đến! Cậu bạn tôi bất ngờ nhảy xuống làm tôi mất thăng bằng rơi xuống đất, đau quá tôi khóc thét lên. Bỗng Bác đến bế tôi hỏi vì sao khóc, cho kẹo rồi vỗ về...
Lúc ấy, tôi cũng chưa biết nhiều về Bác Hồ, chỉ thấy một ông già râu tóc bạc phơ, hiền hòa bế mình, cảm giác yên tâm vì gần gũi nên không còn khóc nữa. Tuy vậy, tôi còn nhớ rất rõ là khi Bác đến, đi thăm nhà ăn, nơi ở của chúng tôi trước rồi mới vào hội trường.
Cả hội trường như bừng lên bởi những tràng pháo tay không ngớt. Bác giơ tay ra hiệu, rồi ôn tồn hỏi: "Các cháu có nhớ nhà không? Có đoàn kết không? Học tập có chăm không?", cứ sau mỗi lần Bác hỏi, hội trường lại vang lên tiếng trả lời "Thưa Bác, có ạ!".
Hôm ấy Bác nói chuyện nhiều lắm, tôi còn nhỏ không nhớ nhiều được nhưng hiểu đại ý lời Bác nói rằng, miền nam đang thắng lớn, các cháu là "Hạt giống đỏ" của miền nam, phải học thật tốt, chăm ngoan, đoàn kết...
Quả thật, khi ấy tôi chưa hiểu lắm "Hạt giống đỏ" là gì, mặc dù được thầy Y Ngông giải thích nhiều lần, mãi cho đến khi thực sự dấn thân vào con đường nghệ thuật, được đi theo các đoàn quân vào biểu diễn ở các chiến trường dưới mưa bom, bão đạn tôi mới thấm thía lời khuyên dạy của Bác trong việc mong các cháu học sinh miền nam học tập thật tốt để về miền nam phục vụ.
Nghe những câu chuyện kể đầy cảm động của ông Nay Quách, bà H'Ben, lời tâm sự của chị Xuân La, rồi nhìn vào những gì họ đã đóng góp cho cách mạng, mới thấy rằng, họ đã không ngừng phấn đấu vươn lên, khắc phục mọi khó khăn, thực hiện đúng những lời Bác Hồ dạy.
Bà H'Ben, dù đã tuổi cao, nhưng các buôn làng Tây Nguyên hầu như vẫn in dấu chân bà, vẫn miệt mài sưu tầm những bài dân ca Ba Na giàu cảm xúc để lưu truyền lại cho thế hệ sau. Riêng với chị Xuân La, nhiều niềm vui đã đến với chị: Năm 1997, chị được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, từng là Phó Ðoàn nghệ thuật Ðam San, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Gia Lai và bây giờ, dù đã về hưu nhưng chị vẫn thường xuyên tham gia truyền dạy những kỹ năng nghề múa cho thế hệ sau.
Theo NDĐT
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin