“Bệ đỡ” cho nông dân phát triển kinh tế

07:10, 30/10/2014

Sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo là một trong những phong trào thi đua lớn của các cấp hội làm vườn tỉnh Vĩnh Long, góp phần đáng kể trong việc nâng cao giá trị sản xuất hàng hóa nông sản của tỉnh. Trong đó, hưởng ứng phong trào cải tạo vườn tạp, kém hiệu quả thời gian qua đã giúp không ít hội viên nông dân thoát nghèo.

Sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo là một trong những phong trào thi đua lớn của các cấp hội làm vườn tỉnh Vĩnh Long, góp phần đáng kể trong việc nâng cao giá trị sản xuất hàng hóa nông sản của tỉnh. Trong đó, hưởng ứng phong trào cải tạo vườn tạp, kém hiệu quả thời gian qua đã giúp không ít hội viên nông dân thoát nghèo.


Chuyển đổi cơ cấu cây trồng góp phần tăng năng suất, cải thiện thu nhập.

Nỗ lực hỗ trợ nông dân

Khi về Vĩnh Long thì ở bất kỳ thời điểm nào cũng có thể tìm và thưởng thức trái cây “đặc sản quê hương”. Trong đó, nhiều nhất phải kể là xoài, sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, bòn bon đã mang lại nguồn lợi lớn cho bà con nông dân.

Đáng nói hơn, tỉnh cũng đã xây dựng được nhiều vùng chuyên canh cây ăn trái quy mô lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao như: vùng chuyên canh nhãn, chôm chôm ở huyện Long Hồ, thu nhập bình quân 70- 100 triệu đồng/ha/năm; vùng chuyên canh cam sành ở Tam Bình, Trà Ôn, thu nhập bình quân 100- 200 triệu đồng/ha/năm. Với thành công này, không thể phủ nhận vai trò của hội làm vườn trong việc tuyên truyền, hỗ trợ vốn cho hội viên phát triển kinh tế.

Thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có hơn 300ha vườn cây kém hiệu quả được trồng mới. Riêng trong quý III, đã có trên 66ha vườn được cải tạo.

Ông Nguyễn Hoài Sơn (ấp Mỹ An, xã Mỹ Hòa- TX Bình Minh) phấn khởi: "Sau khi được hỗ trợ vốn của hội, tôi đã bắt tay cải tạo vườn kém hiệu quả.

Đến nay vườn bưởi chuyên canh đã đạt năng suất cao, chất lượng tăng rõ rệt. Thực hiện theo mô hình VAC với diện tích 2.000m2, tôi dùng 1.400m2 trồng bưởi Năm Roi, 500m2 nuôi cá điêu hồng và rô phi, 100m2 để nuôi heo nái và heo thịt.

Với mô hình chăn nuôi heo theo hướng an toàn bền vững, tôi đã đầu tư con giống, cải tạo chuồng trại, xử lý nước thải qua hầm biogas để bảo vệ môi trường, tận dụng nguồn thải sau xử lý để bón cho cây trồng, giảm lượng phân bón và được nguồn khí đốt phục vụ cho gia đình. Nhờ đó, cuộc sống gia đình khấm khá hơn".

Để trang bị kiến thức thêm cho nông dân, hội đã tích cực kết hợp với các ngành chức năng tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm tạo ra sản phẩm an toàn, sạch bệnh.

Ông Nguyễn Văn Khoa (xã Mỹ Thuận- Bình Tân) chia sẻ: "Nhờ tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, tôi và mọi người trong ấp biết cách sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu đúng cách, đúng thời gian và cho trái nghịch mùa.

Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tôi đã chuyển đổi 5.000m2 trồng quýt đường kém hiệu quả sang trồng vú sữa Lò Rèn, 1.000m2 ao nuôi cá, 500m2 nuôi ốc bươu, 500m2 làm chuồng nuôi dê và thỏ. Trong năm 2014, gia đình tôi thu nhập gần 400 triệu đồng".

Từ nhiều nguồn vốn như: vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội, vốn xoay vòng của các hội viên, quỹ hỗ trợ nông dân,… hội còn giúp hàng ngàn hội viên có điều kiện làm ăn, vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Thời gian tới, từ nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân, hội sẽ bố trí xây dựng các mô hình mở rộng quy mô sản xuất đa dạng; phối hợp chuyển giao khoa học- kỹ thuật, đào tạo nghề, giải quyết việc làm lao động nông thôn và đẩy mạnh xây dựng các hình thức giúp nhau trong sản xuất và đời sống.

Chú trọng kinh tế vườn

Nhận định phát triển kinh tế vườn là một trong những giải pháp nâng cao đời sống nông dân và thay đổi bộ mặt nông thôn, vì vậy, cùng với ngành nông nghiệp, hội làm vườn các cấp tiếp tục vận động nông dân đa dạng hóa các loại cây trồng, góp phần đảm bảo hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập.

Ông Lưu Thoại Ngọc Đông- Phó Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh cho biết, khó khăn nhất của nông dân hiện nay là dịch bệnh trên một số cây trồng có chiều hướng tăng nên khó phát triển.

Vì vậy, mục tiêu chính sau khi khuyến khích nông dân tham gia chuyển đổi cây trồng là sẽ hướng dẫn thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, để nâng chất lượng sản phẩm, góp phần giúp đầu ra ổn định.

Đồng thời, vận động người dân làm vườn theo hướng lâu dài chứ không thể theo kiểu “mì ăn liền” được. Về lâu dài, cần phải có doanh nghiệp đứng ra đầu tư, liên kết với nông dân để gỡ rối đầu ra nông sản.

Theo dự án phát triển kinh tế vườn đã được UBND tỉnh Vĩnh Long phê duyệt giai đoạn 2012- 2015 với kinh phí trên 5,2 tỷ đồng, sẽ xây dựng vùng chuyên canh trồng thanh long, bưởi Năm Roi, cam sành đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả, phát triển ổn định và bền vững.

Vì vậy, theo ông Lưu Thoại Ngọc Đông, thời gian tới sẽ chú trọng chọn cây ăn trái thích nghi với từng vùng sinh thái, cây giống sạch bệnh, hợp thị hiếu, thị trường dễ tiêu thụ, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất.

Trong quý III, toàn tỉnh có thêm 50 mô hình VAC mới ở TX Bình Minh, Bình Tân, Mang Thít, nâng tổng số mô hình thực hiện qua 9 tháng là 435, đạt 72,5% kế hoạch năm.

Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long cũng đã đề ra kế hoạch góp phần cùng ngành nông nghiệp thực hiện đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long theo hướng nâng cao giá trị hiệu quả và phát triển bền vững"; đến năm 2020, phấn đấu giá trị sản xuất đạt 290 triệu đồng/ha/năm; bảo đảm người sản xuất lời trên 30%; thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn gấp 2 lần so với năm 2010; có 50% xã đạt tiêu chí nông thôn mới.

Bài, ảnh: CHI ĐOÀN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh