
Ngày 22/10/2014, trong phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi), các đại biểu tập trung đóng góp một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật. Bên lề kỳ họp, chúng tôi ghi nhận một số ý kiến các đại biểu đóng góp cho dự thảo luật này.
Ngày 22/10/2014, trong phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi), các đại biểu tập trung đóng góp một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật. Bên lề kỳ họp, chúng tôi ghi nhận một số ý kiến các đại biểu đóng góp cho dự thảo luật này.
1. Đại biểu Lưu Thành Công (đơn vị tỉnh Vĩnh Long):
Về dự thảo luật này, tôi đề nghị cần bổ sung thêm quyền hạn của đại biểu, đó là đại biểu được quyền trực tiếp kiến nghị với các cơ quan chức năng để xử lý các trường hợp cán bộ cũng như là những người thực hiện công tác quản lý nhà nước vi phạm pháp luật, vi phạm nguyên tắc quản lý nhà nước.
Có như thế, sẽ làm tăng được vai trò trách nhiệm cũng như là tăng được quyền lực của cơ quan chức năng cao nhất của Nhà nước ta hiện nay.
Về tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội (ĐBQH), tôi thấy quy định như trong luật thì còn chung chung (về đạo đức, tác phong, về trình độ năng lực…), tôi đề nghị cần phải quy định cụ thể thêm để các địa phương có thể triển khai thực hiện luật cho dễ dàng, đặc biệt là trong quá trình hiệp thương để lựa chọn những người ứng cử vào trong cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước.
2. Đại biểu Võ Thị Hồng Thoại (đơn vị tỉnh Bạc Liêu):
Trong dự thảo luật lần này, tôi quan tâm nhất là địa vị pháp lý của Đoàn ĐBQH, bởi vì hiện nay Đoàn ĐBQH chưa xác định được địa vị pháp lý của mình. Tôi đề nghị cần quy định cụ thể trong luật là Đoàn ĐBQH sinh hoạt tại địa phương phải có mối quan hệ mang tính bắt buộc vừa chủ động lẫn phục tùng lẫn nhau chứ không để như thời gian qua.
Ngoài ra, Văn phòng Đoàn ĐBQH cũng cần xác định đây là một tổ chức phục vụ cho Đoàn ĐBQH và hoạt động độc lập, có tính chuyên nghiệp cao. Như vậy Văn phòng Đoàn ĐBQH chịu sự lãnh đạo quản lý, hướng dẫn của Văn phòng Quốc hội hay là địa phương thì cũng phải được làm rõ.
3. Đại biểu Trương Văn Vở (đơn vị tỉnh Đồng Nai):
Trong lần sửa đổi này, tôi đề nghị luật cần quy định rõ trách nhiệm của đại biểu là phải có trách nhiệm tham gia đầy đủ các hoạt động của Quốc hội.
Đối với đại biểu không chuyên trách thì có quy định là phải dành 1/3 thời gian tham gia hoạt động của Quốc hội. Tuy nhiên, theo tôi cần quy định là phải tham gia đầy đủ các hoạt động của Quốc hội, đồng thời quy định rõ cơ chế giám sát của cử tri đối với ĐBQH.
Đối với hoạt động đại biểu chuyên trách, theo tôi ngoài quy định tiêu chuẩn chung trong Điều 22 của dự thảo luật (có năng lực, trình độ, đạo đức) thì đề nghị cần quy định thêm tiêu chuẩn là phải có kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, bởi vì đây chính là điều kiện cần và đủ để đại biểu hoạt động chuyên trách có đủ điều kiện, có đủ thời gian để thực hiện quyền, trách nhiệm của mình và đảm bảo nâng cao chất lượng hoạt động của ĐBQH.
Mặt khác, nếu luật không quy định rõ thì đại biểu sẽ không đảm bảo yếu tố hoạt động liên tục, thường xuyên, ổn định và dễ dẫn đến tình trạng hành chính hóa trong hoạt động của ĐBQH chuyên trách.
Đối với hoạt động của Đoàn ĐBQH, tôi đề nghị nên có quy định cụ thể cơ chế phối hợp với Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, các ủy ban của Quốc hội và hệ thống chính trị của địa phương (cấp ủy Đảng, HĐND, UBND, UBMTTQ cấp tỉnh…) trong hoạt động của mình.
Thời gian vừa qua, do thiếu cơ chế này nên hoạt động của Đoàn ĐBQH bị hạn chế, lúng túng, mỗi tỉnh lại có những kiểu làm khác nhau, nhất là trong hoạt động giám sát và nhiều hoạt động khác.
THANH TÂM (ghi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin