Băn khoăn về quy định đoàn viên sinh hoạt nơi cư trú

07:08, 22/08/2014

Đoàn viên tham gia sinh hoạt Đoàn tại nơi cư trú là một trong những điểm mới trong Điều lệ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh khóa X. Đây là quy định có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao chất lượng công tác đoàn và phong trào thanh thiếu niên ở khu dân cư. Thế nhưng trong quá trình triển khai thực hiện, nhiều cơ sở Đoàn đã gặp không ít khó khăn…

Đoàn viên tham gia sinh hoạt Đoàn tại nơi cư trú là một trong những điểm mới trong Điều lệ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh khóa X.

Đây là quy định có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao chất lượng công tác đoàn và phong trào thanh thiếu niên ở khu dân cư.

Thế nhưng trong quá trình triển khai thực hiện, nhiều cơ sở Đoàn đã gặp không ít khó khăn…


Đoàn viên sinh hoạt nơi cư trú góp phần nâng cao chất lượng công tác Đoàn tại địa phương. Trong ảnh: Đoàn viên thực hiện công trình thanh niên vì cộng đồng.

Khó khăn khi thực hiện

Năm 2013, Tỉnh Đoàn đã có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc đoàn viên (ĐV) tham gia sinh hoạt Đoàn tại nơi cư trú.

Không thể phủ nhận ý nghĩa tích cực của quy định này là tạo điều kiện để ĐV gắn bó với địa phương, góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt đoàn ở khu dân cư. Thế nhưng, khi áp dụng vào thực tiễn vẫn còn rất nhiều bất cập.

Bí thư Xã Đoàn Phú Quới Trần Lê Nhã Khanh cho biết, hiện Xã Đoàn tiếp nhận hơn 1.000 sinh viên trên địa bàn về tham gia sinh hoạt nơi cư trú. Với số lượng nhiều như thế nên khiến cho Xã Đoàn bị “ngộp”, rất khó quản lý và cũng không thể tập hợp được hết lực lượng khi có phong trào.

Qua tìm hiểu ở một số địa phương thì việc thực hiện quy định này vẫn còn chậm. Một phần do cán bộ Đoàn, ĐV chưa hiểu rõ ý nghĩa, mục đích của việc tham gia sinh hoạt Đoàn nơi cư trú. Mặt khác, do một số đơn vị chưa sắp xếp được thời gian tổ chức hoạt động cho ĐV về tham gia.
 
Theo anh Dương Hoàng Nam- Phó Bí thư Xã Đoàn Thanh Bình (Vũng Liêm), đến nay, xã mới tiếp nhận 7 hồ sơ và lập sổ theo dõi ĐV về sinh hoạt tại địa phương. Đa số đều đi làm ở xa nên khó chủ động được thời gian để tham gia phong trào. Vì thế khi tổ chức hoạt động, Xã Đoàn cũng ít mời những ĐV này.

Chị Nguyễn Duy Khoa- cán bộ chuyên trách Đoàn khối Doanh nghiệp tỉnh cho hay: Đa phần ĐV các doanh nghiệp phải đảm việc chuyên môn nhiều và đã tham gia sinh hoạt ở cơ quan, đơn vị nên rất khó để tham gia các hoạt động khác.
 
“Nếu bắt buộc ĐV tham gia sinh hoạt Đoàn tại nơi cư trú để nâng cao chất lượng chi đoàn cơ sở sẽ không tránh khỏi hình thức là “xác nhận cho qua”. Ngoài ra, sẽ gặp sự chồng chéo trong đánh giá, xét thi đua của đoàn viên khi sinh hoạt giữa 2 nơi”- chị Khoa nói.

Không ít ĐV tỏ vẻ băn khoăn cho rằng khó mà thực hiện tốt quy định này. Bởi vì, mỗi cơ quan, đơn vị đều có tổ chức đoàn thể hoạt động rất thiết thực.

Để đảm bảo công tác chuyên môn, các hoạt động thường tổ chức vào những ngày cuối tuần. Giờ tham gia hoạt động nơi cư trú cũng ngày thứ bảy, chủ nhật thì làm sao ĐV “phân thân”?

“Ngoài việc học ở trường chúng tôi còn tham gia nhiều hoạt động, phong trào do Đoàn- Hội Sinh viên tổ chức. Quy định tham gia sinh hoạt Đoàn tại nơi cư trú là tốt, nhưng nơi tôi ở trọ chưa có cán bộ Đoàn đến vận động tham gia các phong trào”- bạn Lê Hiếu Nghĩa- sinh viên Trường Đại học Cửu Long chia sẻ.

Cần linh động hơn

Tập hợp ĐV tham gia sinh hoạt ở khu dân cư là một việc không dễ cho dù đã có văn bản hướng dẫn đầy đủ, rõ ràng. Để quy định này thực hiện có hiệu quả thì bản thân cơ sở Đoàn phải sáng tạo, đổi mới hoạt động phong trào thanh niên.

Theo Bí thư Xã Đoàn Tân Ngãi Nguyễn Thị Mộng Thùy: “Hoạt động có hấp dẫn và đáp ứng nhu cầu của ĐV thì sẽ thu hút được nhiều bạn trẻ tham gia”.
 
Bí thư Xã Đoàn Tân Ngãi cũng cho biết thêm, xã tiếp nhận khoảng 20 ĐV về sinh hoạt. Hầu hết, các bạn tham gia rất nhiệt tình vì “thời gian tổ chức phong trào linh động, phù hợp với thời gian rảnh của các ĐV và hơn hết là ý nghĩa thiết thực của các hoạt động đã thu hút được các bạn tham gia”.

Đa số cán bộ Đoàn cho rằng, việc ĐV tham gia sinh hoạt Đoàn tại nơi cư trú có hiệu quả sẽ giúp cho hoạt động Đoàn ở khu dân cư ngày càng khởi sắc hơn.

Bởi “ĐV là cán bộ, công chức, lao động kỹ thuật sẽ đóng góp những kinh nghiệm hay góp phần nâng cao chất lượng hoạt động Đoàn cũng như xây dựng địa phương ngày càng phát triển”- anh Nguyễn Văn Quý- quyền Bí thư Huyện Đoàn Tam Bình nói.

Thế nhưng, có một số ĐV chưa có ý thức tham gia vào các hoạt động đoàn. Đây đang là một trong những vấn đề cần quan tâm vì có tác động rất lớn tới chất lượng tổ chức Đoàn cơ sở.

Vì thế “mỗi ĐV cần phải có trách nhiệm và nhận thức rằng việc tham gia sinh hoạt Đoàn tại nơi cư trú nhằm góp sức giúp hoạt động Đoàn ở nơi mình đang sống ngày đi lên. Có như vậy, các bạn sẽ tham gia hoạt động tích cực hơn”- anh Quý nói.

Bí thư Tỉnh Đoàn Nguyễn Trung Kiên cho biết: Đối tượng tham gia sinh hoạt Đoàn tại nơi cư trú rất rộng từ học sinh, sinh viên, công nhân, công chức, viên chức và lực lượng đoàn viên khối lực lượng vũ trang nhân dân.

Mỗi đối tượng có những đặc thù riêng nên việc thực hiện quy định này bước đầu còn gặp nhiều khó khăn. Tỉnh Đoàn đang xin ý kiến của Trung ương Đoàn để có văn bản hướng dẫn thực hiện quy định này một cách cụ thể, phù hợp với từng đối tượng ĐV.

Bên cạnh, các Đoàn cơ sở cũng nên quản lý chặt chẽ và tạo điều kiện để ĐV tham gia sinh hoạt phát huy vai trò, trách nhiệm xây dựng tổ chức Đoàn vững mạnh.

Bài, ảnh: CẨM HUỆ

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh