Không thay đổi được bằng chứng chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa

06:07, 04/07/2014

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao diễn ra vào chiều 3-7, vấn đề Biển Đông tiếp tục thu hút được sự quan tâm của đông đảo phóng viên trong và ngoài nước.

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao diễn ra vào chiều 3-7, vấn đề Biển Đông tiếp tục thu hút được sự quan tâm của đông đảo phóng viên trong và ngoài nước.

Cuộc họp diễn ra khi Bộ trưởng Ngoại giao Phi-líp-pin An-bớt F. Đen Rô-gia-ri-ô (Albert F.del Rosario) vừa có chuyến thăm làm việc tại Việt Nam và có thông tin Trung Quốc gộp toàn bộ Biển Đông vào việc cảnh báo bão.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: TTXVN

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình, chuyến thăm của Ngoại trưởng An-bớt F. Đen Rô-gia-ri-ô nhằm thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao của hai nước sau chuyến thăm Phi-líp-pin của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước đó.
 
Hai bên đã thảo luận các biện pháp thức đẩy hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực, hướng tới đối tác chiến lược.

Hai bên cũng trao đổi hợp tác ASEAN, xây dựng Cộng đồng ASEAN, thể hiện tiếng nói thống nhất và trách nhiệm trong khu vực, trong đó có vấn đề về Biển Đông vì sự phát triển của khu vực.

Hai bên cũng cùng nhau yêu cầu chấm dứt các hành động vi phạm luật pháp quốc tế, bảo đảm thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC); song song với đẩy mạnh quá trình thảo luận, thống nhất để sớm đạt được Bộ quy tắc về ứng xử trên Biển Đông (COC).

“Việt Nam đang thực hiện mạnh mẽ tiến trình hội nhập quốc tế. Hiện nay, Việt Nam đang tích cực tham gia vào các diễn đàn, cơ chế quốc tế ở khu vực cũng như trên toàn thế giới.

Vì vậy, việc ký hiệp định nước chủ nhà với Tòa Trọng tài Thường trực là một trong những bước đi thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam về hội nhập quốc tế”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết thêm.

Trả lời câu hỏi của phóng viên quan tâm đến việc Trung Quốc điều thêm tàu ra khu vực giàn khoan Hải Dương 981 và tình hình mới trên hiện trường, ông Lê Hải Bình nêu rõ:

Lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam tại khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam vẫn kiên trì, thực hiện biện pháp tuyên truyền, yêu cầu giàn khoan cũng như các lực lượng tàu hộ tống, máy bay hộ tống của Trung Quốc rời khỏi vùng biển Việt Nam.

Về việc Trung Quốc đã mở rộng về phía Nam phạm vi khu vực cảnh báo bão 24 giờ, bao trùm toàn bộ vùng biển Biển Đông, người phát ngôn Lê Hải Bình khẳng định, động thái này cũng không bao giờ thay đổi được bằng chứng chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông.

Liên quan đến câu hỏi của phóng viên về việc Trung Quốc vừa công bố bản đồ phi pháp "đường 10 đoạn" và tiếp tục đơn phương tuyên bố ngăn chặn ngư dân Việt Nam vào vùng biển cấm do Trung Quốc tự đặt ra, người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định, mọi hoạt động, động thái của các bên liên quan cần tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước.
 
Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm tạo điều kiện cho ngư dân hoạt động tại ngư trường truyền thống của mình. “Việt Nam nhiều lần khẳng định sử dụng mọi biện pháp hòa bình bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông. Việt Nam không loại trừ việc sử dụng biện pháp pháp lý”, ông Bình nhấn mạnh.

Vậy khi nào là thời điểm thích hợp để khởi kiện Trung Quốc? Theo ông Lê Hải Bình, “đó là thời điểm mang lại cho Việt Nam lợi ích cao nhất để đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình”.      

    

Trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam đối với tình hình bạo lực gia tăng tại I-rắc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết:

“Việt Nam hết sức quan ngại trước tình trạng bạo lực gia tăng hiện nay tại I-rắc. Chúng tôi ủng hộ các nỗ lực của cộng đồng quốc tế và của Chính quyền I-rắc nhằm sớm khôi phục ổn định, bảo đảm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của I-rắc vì hòa bình và ổn định ở khu vực.”

Theo QĐND Online

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh