
Tại cuộc Hội thảo quốc tế “Hoàng Sa-Trường Sa: Sự thật lịch sử”, diễn ra từ ngày 19 đến 21-6 ở Đà Nẵng, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có dịp tiếp xúc, phỏng vấn nhiều học giả tham dự hội thảo. Các học giả đã nhìn nhận vụ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam dưới nhiều góc độ khác nhau…
Tại cuộc Hội thảo quốc tế “Hoàng Sa-Trường Sa: Sự thật lịch sử”, diễn ra từ ngày 19 đến 21-6 ở Đà Nẵng, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có dịp tiếp xúc, phỏng vấn nhiều học giả tham dự hội thảo. Các học giả đã nhìn nhận vụ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam dưới nhiều góc độ khác nhau…
Sau đây là cuộc phỏng vấn Tướng về hưu Đa-ni-en Sáp-phơ (Daniel Schaeffer), chuyên gia thuộc Bộ Quốc phòng Pháp, chuyên nghiên cứu về Biển Đông.
|
Tướng Đa-ni-en Sáp-phơ.
|
Phóng viên (PV): Trong tham luận của mình tại hội thảo, ông đặc biệt chú ý đến tính chất pháp lý của yêu sách “đường 9 đoạn” mà phía Trung Quốc đưa ra. Vậy theo ông, thực chất của vấn đề này là gì?
Tướng Đa-ni-en Sáp-phơ: Đây là câu hỏi thuộc về một chủ đề rất rộng, liên quan đến an ninh trong khu vực.
“Đường 9 đoạn” của Trung Quốc là một khái niệm mà chỉ có người Trung Quốc mới thật sự biết nó là gì. Chúng ta không thể cứ ngồi rồi băn khoăn tự hỏi xem “đường 9 đoạn” là gì, mà chỉ có người Trung Quốc mới có thể giải thích được với thế giới thôi.
Khi Trung Quốc lần đầu tiên đưa ra bản đồ vẽ “đường 9 đoạn” vào năm 1947, tình hình khi ấy khác hẳn bây giờ. Với Trung Quốc, có vẻ như ở thời điểm hiện tại, “đường 9 đoạn” có một vai trò quan trọng hơn rất nhiều so với thời đó. Câu hỏi đặt ra ở vụ việc này không phải là khai thác dầu lửa, khí đốt hay quyền đánh bắt cá, mà cái Trung Quốc muốn là đòi hỏi về chủ quyền đối với hầu hết khu vực Biển Đông.
Như trong rừng luôn có cái cây nhô lên cao, trong một rừng những lập luận về “đường 9 đoạn” của phía Trung Quốc, có lý do căn bản là đòi hỏi này nằm trong lợi ích chiến lược của Trung Quốc.
Tôi không cho rằng Trung Quốc muốn “tuyên chiến” với Mỹ nhưng cái họ cần là triển khai các lực lượng Hải quân trong khu vực này. Nói cách khác, Trung Quốc muốn làm chủ toàn bộ khu vực Biển Đông để có thể thoải mái đưa các tàu ngầm của họ ra khỏi căn cứ ở Tam Á trong vịnh Sanya, đi qua vùng này để triển khai xa hơn tại các vùng nước sâu ở Thái Bình Dương.
PV: Vậy với việc Trung Quốc cứ khăng khăng đưa ra đòi hỏi về “đường 9 đoạn”, theo ông, cộng đồng quốc tế cần phải làm gì?
Tướng Đa-ni-en Sáp-phơ: Tôi cho rằng phải cảnh báo cho thế giới biết về những điều đang xảy ra ở Biển Đông, đặc biệt là về đòi hỏi “đường 9 đoạn” của Trung Quốc. Nói một cách hình ảnh là phải “đánh trống” để mọi người nghe thấy, rằng Trung Quốc phải tôn trọng cách diễn giải Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển theo đúng luật pháp quốc tế.
Theo tôi, cách tốt nhất để giải quyết những bất đồng giữa Trung Quốc với các nước trong khu vực là đưa vấn đề ra phân xử tại một tòa án dựa trên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển.
PV: Theo ông thì việc hình thành Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) có giúp giải quyết được vấn đề hay không?
Tướng Đa-ni-en Sáp-phơ: Do các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam, Phi-líp-pin, Ma-lai-xi-a, Bru-nây, In-đô-nê-xi-a đều có các hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, mà các vùng đặc quyền kinh tế này đều nằm trong khu vực “đường 9 đoạn” do Trung Quốc vạch ra nên theo quan điểm của phía Trung Quốc, các quốc gia này đã vi phạm Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) chứ không phải Trung Quốc vi phạm!
Điều này có nghĩa là ngay cả khi các bên ở khu vực đạt được một thỏa thuận về COC thì tình hình cũng sẽ không có gì thay đổi nếu như vẫn còn tồn tại đòi hỏi về “đường 9 đoạn” của Trung Quốc.
Tôi có lẽ là người mơ mộng khi nghĩ rằng, COC sẽ chỉ có tác dụng nếu như “đường 9 đoạn” biến mất, đòi hỏi về “đường 9 đoạn” của Trung Quốc bị triệt tiêu. Hiển nhiên là điều này rất khó bởi vì Trung Quốc sẽ không từ bỏ yêu sách của họ, vì họ muốn độc chiếm toàn bộ Biển Đông, không chỉ vì những lợi ích kinh tế mà còn vì những lợi ích chiến lược của họ như tôi đã nói ở trên.
PV: Xin cảm ơn ông!
Theo QĐND Online
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin