Quốc hội tập trung cho hoạt động lập pháp

07:05, 26/05/2014

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII đã kết thúc tuần làm việc đầu tiên với nhiều nội dung quan trọng, trong đó có vấn đề được cử tri đặc biệt quan tâm là thảo luận (tại đoàn) báo cáo của Chính phủ về tình hình Biển Đông, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; chủ trương và giải pháp của Việt Nam.

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII đã kết thúc tuần làm việc đầu tiên với nhiều nội dung quan trọng, trong đó có vấn đề được cử tri đặc biệt quan tâm là thảo luận (tại đoàn) báo cáo của Chính phủ về tình hình Biển Đông, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; chủ trương và giải pháp của Việt Nam.

Toàn cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII . Ảnh: TTXVN.

Thông cáo của Quốc hội về vấn đề này nêu rõ: Quốc hội khẳng định, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam; vi phạm luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); trái với thỏa thuận cấp cao giữa hai Đảng, Nhà nước Việt Nam - Trung Quốc.

Tình hình Biển Đông căng thẳng. Hòa bình và an ninh đang bị đe dọa. Quốc hội cùng với toàn thể đồng bào, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài bày tỏ sự lo ngại và kiên quyết phản đối những vi phạm, sai trái của phía Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Quốc hội cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với các tổ chức, cá nhân, dư luận quốc tế đã đồng tình, ủng hộ Việt Nam .

Quốc hội tin tưởng và nhất trí cao với chủ trương của Đảng, Nhà nước đã lãnh đạo quân dân ta có nhiều biện pháp kiên quyết trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Đồng thời, kiên trì đấu tranh, gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; kiên trì bảo vệ, giữ vững quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc. Diễn biến tình hình trên Biển Đông còn phức tạp và khó lường.

Quốc hội đề nghị Chính phủ, các ngành, các cấp cùng đồng bào cả nước đoàn kết, thống nhất và đặc biệt quan tâm giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại của đất nước.

Trong tuần này (từ 26 đến 30-5), Quốc hội tập trung cho hoạt động lập pháp. Sáng 26-5, Quốc hội sẽ nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi).
 
Thời gian còn lại của buổi sáng nay, các đại biểu sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi).

Chiều 26-5, Quốc hội sẽ nghe Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Tiếp đó, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 của Quốc hội.

Ngày 27-5, Quốc hội sẽ xem xét 4 dự án luật là: Nhà ở (sửa đổi); Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề; Hôn nhân và gia đình (sửa đổi).

Từ ngày thứ tư (28-5) đến ngày thứ sáu (30-5), các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ 4 dự án luật là: Doanh nghiệp (sửa đổi); Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề. Quốc hội cũng sẽ xem xét 4 dự án luật: Công chứng (sửa đổi); Tổ chức Quốc hội (sửa đổi); Hải quan (sửa đổi); Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Dự kiến chiều 30-5, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 của Quốc hội.

Theo QĐND Online

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh