
Trường Sa năm 1975 trơ trọi chỉ vài bóng cây và những lùm sâm đất. Chim hải âu, ó biển, mòng biển chen chúc đi trên cát, gặp người chẳng buồn bay. Trứng chim la liệt, phải vừa đi vừa tránh...
Trường Sa năm 1975 trơ trọi chỉ vài bóng cây và những lùm sâm đất. Chim hải âu, ó biển, mòng biển chen chúc đi trên cát, gặp người chẳng buồn bay. Trứng chim la liệt, phải vừa đi vừa tránh...
![]() |
Bộ đội luyện tập ở Trường Sa những ngày đầu sau giải phóng. Chim và ó biển lúc này nhiều vô kể. Ảnh: Khắc Xuể. |
Hà Nội, sáng 2/5/1975, số báo ra đỏ rực tin chiến thắng. Cả toà soạn báo Quân đội nhân dân sốt ruột dõi theo tin bài gửi về từ mặt trận. Cánh phóng viên không được đi, phải ở nhà “gác gôn” ngẩn ngơ vì không được ra trận. Khắc Xuể cũng thế.
Nhưng đến “phút 90”, chàng phóng viên trẻ bất ngờ được Tổng biên tập Nguyễn Đình Ước gọi lên, đưa cho tờ giấy giới thiệu: "Giấy có chữ ký của Trung tướng Lê Ngọc Hiền, Phó tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam. Ngày mai, cậu đi Sài Gòn ngay".
Trưa 3/5/1975, sân bay Tân Sơn Nhất hừng hực nắng. Khắc Xuể xuống máy bay, lò dò hỏi mãi mới về tới cơ quan đại diện Tổng cục Chính trị ở gần cầu Thị Nghè. Lúc này, cấp trên mới cho biết, anh sẽ cùng phóng viên Nguyễn Thắng tham gia đoàn công tác của Bộ Tổng tham mưu ra kiểm tra quần đảo Trường Sa. Ngày N, giờ G, phải có mặt ở Cam Ranh để nhận nhiệm vụ.
Từ Sài Gòn ra Cam Ranh dài hơn 500 cây số. Hai phóng viên trẻ chạy sang gặp Bộ chỉ huy tiền phương thì được trả lời là tự xoay xở bởi không có xe. Chợt nhớ, bên Quân chủng Không quân đã tiếp quản sân bay, Xuể chạy sang “xem có mượn được cái xe máy nào không?”.
Lục lọi, anh tìm thấy một chiếc Kawasaki 250 phân khối. Dù chưa từng đi xe máy, Xuể vẫn cắm chìa, nổ máy, rồi cùng Nguyễn Thắng lên đường. Trưa 5/5/1975, họ đến Quân cảng Cam Ranh.
![]() |
Giải phóng quần đảo Trường Sa (ảnh do Khắc Xuể chụp tại đảo Song Tử Tây tháng 5/1975, bên cột mốc chủ quyền do Việt Nam Cộng hoà lập). |
Đêm mùa hè biển lặng, 3 con tàu trong bộ dạng tàu cá rời quân cảng Cam Ranh. Ngoài Khắc Xuể và Nguyễn Thắng, một phóng viên Báo Hải quân cũng tham gia đoàn công tác.
Quá nửa đêm thì một cơn dông ập đến. Sóng, gió ngày càng dữ dội, ba con tàu mất liên lạc với nhau. Chiếc tàu Xuể đi chết máy, phải thả trôi trên biển. May mắn là có tàu của Liên Xô xuất hiện, lai dắt vào bờ.
Tất cả ngủ một đêm ngon giấc, tờ mờ sáng hôm sau lại tiếp tục lên đường. Lần này, ngoài 3 tàu cá còn có thêm tàu Trùng Khánh của đoàn 125 hải quân chỉ huy, dẫn đường. Điểm đảo đầu tiên đoàn dừng chân là Song Tử Tây, cũng là đảo đầu tiên được giải phóng rạng sáng 4/4. Sau Song Tử Tây, đoàn tiếp tục hành trình tới Nam Yết, An Bang, Trường Sa Lớn… và cuối cùng là Sơn Ca - hòn đảo được giải phóng sau cùng vào ngày 29/4.
Là phóng viên ảnh, Khắc Xuể miệt mài bắt tay vào công việc. Những bức ảnh chụp ở Song Tử Tây được cho là khá nhất, tốt nhất với nhiều hình ảnh sinh động như: Bộ đội thao tác bắn cối 60, phất cờ giải phóng…đã trở thành những hình ảnh biểu tượng của giải phóng Trường Sa.
![]() |
Lính đặc công trên đảo Trường Sa năm 1975. Ảnh: Khắc Xuể. |
Sau này, còn một số đợt phóng viên ra Trường Sa những năm đầu sau giải phóng nên xuất hiện thêm nhiều hình ảnh chụp bộ đội Trường Sa “thuở ban đầu”.
Nhưng theo ông Xuể, có thể phân biệt đâu là những ảnh do ông chụp vào tháng 5/1975 bởi có tới “ba lớp ảnh” bộ đội Trường Sa ngày đầu giải phóng. Lớp ảnh thứ nhất là hình ảnh anh em mặc quần áo bộ binh đội, đội mũ cối do Khắc Xuể chụp tháng 5/1975.
Lớp ảnh thứ hai do ông Bằng Lâm chụp có hình ảnh bộ đội mặc áo trắng hải quân. Lớp ảnh thứ ba ông Vũ Đạt, cũng là cựu phóng viên Báo Quân đội nhân dân ra Trường Sa vào khoảng những năm 1978-1980 chụp lại với dụng ý không quên chiến công của bộ đội đặc công nên có nhiều hình ảnh chiến sĩ đội mũ sắt.
Trường Sa ngày quân đội Sài Gòn đồn trú còn khá hoang sơ. Ông Xuể kể rằng, cây cối cũng ít. Ở Song Tử Tây chỉ có chừng mươi cây dừa, không có bàng vuông, phong ba như bây giờ. Cây sâm đất khá nhiều, mọc kín đảo Trường Sa Lớn. Ở Nam Yết có dừa, bàng vuông… An Bang, Sinh Tồn gần như không có cây cối. Các công trình trên đảo chủ yếu là hầm, công sự phủ cát, gác tôn…
![]() |
Khắc Xuể (giữa) - tại đảo Nam Yết tháng 5/1975. |
Cây cối thưa vắng nhưng bù lại đảo rất nhiều chim. Chim hải âu, ó biển, mòng biển nhiều vô kể. Chúng chen chúc đi trên cát, gặp người chẳng buồn bay. Trứng chim la liệt, phải vừa đi vừa tránh kẻo vỡ…
Hôm tới đảo An Bang, thấy chim ó biển đậu rất nhiều, nhìn dễ thương, ông Xuể đưa tay “chào”. Nào ngờ, chú ó biển mổ mạnh vào tay khiến máu tuôn xối xả. Vích trên đảo cũng rất nhiều, chúng lên đẻ trứng ngay trên các bãi cát.
Thực phẩm mang theo không nhiều nên nguồn thức ăn chính của lính vẫn là trứng chim, thịt vích. Nước uống cũng thiếu, lại hầu như không có rau. Nhưng rồi, mọi người đều động viên nhau vượt qua, vì đồng đội bám đảo đã và sẽ phải chịu đựng cuộc sống như thế lâu dài.
![]() |
Nhà báo Khắc Xuể ký tặng lên lá cờ Tổ quốc, gửi tới bộ đội Trường Sa. |
Chuyến công tác kéo dài hơn 10 ngày là dịp để đoàn khảo sát, hoạch định những vấn đề phòng thủ, giữ vững quần đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Ông Xuể và ông Thắng đã hoàn thành nhiệm vụ chụp ảnh, thu thập tư liệu. Tuy nhiên, có viết bài không, có đăng báo không? Câu trả lời là không làm gì cả, chờ lệnh của trên.
Gần ngày thành lập quân đội năm ấy, ông Xuể mới được phép viết một bài về trận đánh chiếm đảo Sơn Ca. Sang năm 1976, trong một loạt ký sự 5 kỳ mang tên “Sóng gió trên những đảo tiền tiêu” do hai phóng viên Nguyễn Thắng và Hà Đình Cẩn viết chung, câu chuyện Trường Sa mới được nhắc đến chi tiết hơn.
Với ông Xuể, dù là nhà báo đầu tiên ra chụp ảnh Trường Sa nhưng để có được những bức hình đó cho riêng mình, cũng không hề đơn giản. “Khi về đất liền, trong số 14 cuộn phim đã chụp, tôi bàn giao lại cho cấp trên 10 cuộn. Nghĩ mình là nhà báo mà “trắng tay”, tôi xin giữ lại 4 cuộn với lý do ảnh “không quan trọng”. Còn bài viết về Trường Sa, tôi chỉ viết một bài về trận đánh đảo Sơn Ca và một bài về chiếc xe máy Kawasaki”, ông Xuể tiếc nuối.
PV (theo VnE)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin