Người chỉ huy gan dạ

09:05, 01/05/2014

Đồng chí Nguyễn Văn Bá sinh ra và lớn lên tại xã Trung Ngãi (Vũng Liêm). Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, đi chăn trâu, giữ vịt mướn và đồng chí sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng. Từ năm 1959, đồng chí tham gia vào du kích xã Trung Ngãi. Và đã đóng góp công sức rất lớn vào công cuộc giải phóng quê hương, thống nhất đất nước- đặc biệt trong những ngày tháng 4 lịch

Đồng chí Nguyễn Văn Bá sinh ra và lớn lên tại xã Trung Ngãi (Vũng Liêm). Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, đi chăn trâu, giữ vịt mướn và đồng chí sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng. Từ năm 1959, đồng chí tham gia vào du kích xã Trung Ngãi. Và đã đóng góp công sức rất lớn vào công cuộc giải phóng quê hương, thống nhất đất nước- đặc biệt trong những ngày tháng 4 lịch sử năm 1975.

Nhân dân đón tiếp quân giải phóng. Ảnh: TL

Từ Sáu Bá đến Sáu Quết

Tháng 12/1961, với vai trò xã đội phó đồng chí đã tham gia nhiều trận đánh và đã thể hiện sự mưu trí gan dạ của người chỉ huy. Đến 10/1963, đồng chí là Thường vụ Huyện ủy, Huyện đội trưởng huyện Vũng Liêm.

Đồng chí hết sức quan tâm đến việc huấn luyện quân sự, tập huấn chiến thuật đặc công và sử dụng vũ khí thô sơ do địa phương tự tạo, tham gia rất nhiều trận đánh ác liệt với địch trên địa bàn huyện Vũng Liêm, góp phần lớn lao trong giải phóng tỉnh nhà như trận đánh tiêu diệt đại đội ác ôn do tên Quận trưởng Trương Tài Ba và 2 tên cố vấn Mỹ; trận đánh chống càn do tên Đại úy Trần Văn Sáu (Ba Sáu) chỉ huy Đại đội bảo an huyện Vũng Liêm ác ôn khét tiếng tại vườn dừa Ba Ty (xã Trung Thành). Trong chỉ đạo trận đánh này, đồng chí Sáu Bá ra lệnh cho đồng đội quyết tâm “quết” nó, vì tên Ba Sáu này ác ôn lắm”.

Và, trong 1 ngày đêm đã tiêu diệt tên chỉ huy khét tiếng và 30 tên địch. Sau chiến thắng trận này, đồng đội phong cho đồng chí Sáu Bá biệt danh “Sáu Quết” .

Đến 4/1968, Quân khu 9 rút đồng chí lên làm Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 306- tiểu đoàn chủ lực của khu, trực tiếp chiến đấu tại địa bàn Vĩnh Long. Đồng chí cùng Ban chỉ huy tiểu đoàn chỉ đạo nhiều trận đánh quan trọng vào trung tâm nội ô thị xã, tiêu biểu như: trận đánh lúc 2 giờ 30 phút rạng sáng 30/1/1968 (mùng 1 Tết Mậu Thân) chia thành 3 mũi đánh vào nội ô thị xã.

Trận đánh đêm 1/2/1968, đồng chí cùng Tiểu đoàn 306 đánh chiếm trụ sở Tiểu đoàn bảo an, Ty Chiêu hồi. Đến ngày 2/2/1968 (mùng 4 tết), lúc 12 giờ trưa, địch tiếp tục ồ ạt từ hướng Nam và hướng Tây kéo vào nội ô thị xã để phản kích.

Tiểu đoàn 306 bám chắc công sự đánh địch quyết liệt. Địch phải tháo lui bỏ lại hàng trăm xác đồng bọn nằm ngổn ngang trên đường phố. Đến 3/2/1968, địch mở cuộc phản kích toàn diện, tập trung vào tòa nhà hành chánh, Khu truyền tin Hoa Lư. Đồng chí Sáu Bá lãnh đạo tiểu đoàn đánh trả quyết liệt. Địch chết và bị thương hàng chục tên.

Ngày 4/2/1968, địch tổ chức phản kích, nhưng rất dè dặt, chủ yếu dùng hỏa lực trên máy bay bắn phá. Đến 15 giờ, địch dùng trực thăng đổ lữ B (Sư đoàn 9 Mỹ) từ Mỹ Tho qua chiếm lĩnh đoạn lộ cầu Vòng từ ngã tư Ông Me đến khu phố mới; hình thành nhiều mũi tiến công vào thị xã.

Đồng chí cùng Tiểu đoàn 306 chuyển đội hình quay ra đánh quân Mỹ. Ta và địch giằng co đến tối, khi địch trụ lại ở khu cầu Cá Trê. 21 giờ đêm, tiểu đoàn dùng hỏa lực cối 82, ĐKZ 75 tập kích diệt nhiều tên địch.

Đêm 6 rạng 7/4/1972, với vai trò Trung đoàn phó Trung đoàn 3, đồng chí cùng ban chỉ huy Trung đoàn chỉ đạo tiến công diệt Yếu khu Thầy Phó (xã Hựu Thành- Trà Ôn). Ngày 7/4/1972, tiêu diệt 1 đại đội địch trên lộ Hàng Me (xã Hiếu Thành- Vũng Liêm).

Địch tập trung 4 tiểu đoàn bảo an và một tiểu đoàn chủ lực phản kích tái chiếm Yếu khu Thầy Phó, đồng chí cùng Ban chỉ huy lãnh đạo Trung đoàn và địa phương quân, du kích liên tục chặn đánh địch. Thừa thắng, ta bức đồn, giải phóng hoàn toàn ấp Hiếu Kinh A (xã Hiếu Thành).

Ngày 5/12/1974, khi nhận được mệnh lệnh của trên, đồng chí Sáu Bá trực tiếp chỉ huy Tiểu đoàn 312 (Trung đoàn 3) cơ động chiếm lĩnh địa bàn, khi đến ngã ba Thông Quan (xã Lộc Hòa- Long Hồ) gặp Tiểu đoàn 468 của địch đang tạm dừng trú quân, đồng chí chỉ huy Tiểu đoàn 312 nhanh chóng triển khai đội hình tập kích địch.

Bị tập kích bất ngờ, địch lợi dụng bờ mương, liếp cây chống trả quyết liệt. Sau hơn 30 phút chiến đấu, đồng chí Sáu Bá ra lệnh cho toàn tiểu đoàn xung phong đánh xáp lá cà với địch, cuối cùng địch bị đánh bật ra khỏi chân vườn và tháo chạy.

Kết quả, ta tiêu diệt trên 70 tên. Số sống sót còn lại tháo chạy ra Quốc lộ 4 (nay là Quốc lộ 1A), thu 1 khẩu col 45, 42 súng AR 15, 2 khẩu M 79, 6 khẩu cối 60 và 2 khẩu cối 80 cùng trên 500 viên đạn các loại. Riêng bản thân đồng chí tiêu diệt 8 tên (có 1 tên đại úy- Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 468), thu 1 khẩu M 79, 1 khẩu col 45 và 2 khẩu AR 15.

Sau khi tập kích Tiểu đoàn 468, đồng chí ra lệnh cho Tiểu đoàn 312 tiếp tục hành quân bao vây tiêu diệt đồn cầu chữ Y (Lộc Hòa), bức chạy đồn Cả Nguyên, Bầu Kiển, Bà Lang thuộc tuyến phòng thủ thứ 2 của TX Vĩnh Long mở rộng hành lang cho các lực lượng cơ động áp sát thị xã.

Trận chiến quyết tử

Với trách nhiệm Trung đoàn phó Trung đoàn 3 (Quân khu 9), vào lúc 16 giờ, ngày 30/4/1975, đồng chí Nguyễn Đệ (Ba Trung)- Tư lệnh Quân khu 9 chỉ đạo tiền phương chiến trường Vĩnh Trà đã trực tiếp phong đồng chí Sáu Bá từ đại úy lên thiếu tá và giao nhiệm vụ cho đồng chí ra địa điểm đã ấn định gặp tên Đại tá Lê Trung Thành là Tỉnh trưởng Vĩnh Long (tên này rất ác ôn và chống cộng triệt để).

Đi cùng là các đồng chí Lê Văn Bê, Bùi Minh Nhựt (phụ trách thông tin mang máy PRC 25), đồng chí Đinh Xuân Lai- chiến sĩ bảo vệ- làm nhiệm vụ liên lạc.

Liên lạc lần đầu lúc 23 giờ đêm 30/4/1975 không thành công đồng chí tiếp tục liên lạc và đến 24 giờ 30 phút mới bắt liên lạc được với tên Đại tá Tỉnh trưởng. Đồng chí yêu cầu: “Đến thời kỳ hai bên không còn bắn nhau nữa, ông phải bàn giao, kêu gọi đàn em ông phải đầu hàng, bàn giao cho cách mạng địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Nếu để xảy ra hậu quả thì ông hoàn toàn chịu trách nhiệm”.

Thế nhưng tên Đại tá Thành nhất quyết co cụm cố thủ, ngoan cố không chịu bàn giao, nói “còn một viên đạn sét vẫn chơi tới cùng với chúng bây”. Tên Đại tá Thành còn lên máy hăm dọa: “Nếu đêm nay, tụi mầy lên sớm thì các sĩ quan của tao sẽ bắn chết hết hai bên”.

Dù biết rằng có thể hy sinh, nhưng đồng chí mưu trí, tìm mọi cách thuyết phục tên Đại tá Thành hẹn thời gian và địa điểm đàm phán để ta đưa lực lượng vào chiếm lĩnh Tiểu khu Vĩnh Long và các mục tiêu khác của Sư đoàn 9 ngụy ở Vĩnh Long một cách trọn vẹn.

Sau nhiều giờ thuyết phục, đến khoảng 4 giờ sáng 1/5/1975, tại cầu Vòng, Đại tá Thành cúi đầu chịu quy hàng và gọi lính truyền tin mang máy PRC 25 đến cho hắn nói chuyện với cấp dưới: “Tôi ra lệnh cho các đơn vị trong tỉnh bỏ súng đầu hàng bàn giao cho chính quyền cách mạng”.

Sau khi tên Đại tá Thành ra lệnh cho cấp dưới buông súng đầu hàng, đồng chí Sáu Bá yêu cầu Đại tá Thành trở về dinh Tỉnh trưởng và tập trung hết sĩ quan trong dinh để đồng chí ổn định tinh thần anh em binh sĩ trước khi bàn giao.

Đại tá Thành gật đầu đồng ý và mỗi bên lên 1 chiếc xe Jep cùng đi về dinh Tỉnh trưởng. Đến trước cổng dinh, tên Đại tá Thành yêu cầu chỉ một mình đồng chí Sáu Bá vào bên trong và không mang theo vũ khí.

Tuy biết rằng thời khắc lịch sử của quê hương đất nước đã đến gần nhưng có thể khi vào bên trong bọn chúng sẽ trở mặt bắt hoặc thủ tiêu mình, song với lòng dũng cảm và quyết tâm không để quê hương phải thêm đổ máu, sau một lúc suy nghĩ, đồng chí Sáu Bá đồng ý.

Khi vào đến phòng họp của chúng, thấy chưa có sĩ quan nào ở đó, đồng chí liền hỏi: “Ông Đại tá tỉnh trưởng! Tại sao ông nói mà không giữ lời?”

Tên Đại tá Thành trả lời: “Tôi đã ra lệnh cho cấp dưới rồi, nhưng thời điểm này chúng không chịu chấp hành mệnh lệnh của tôi”. Đồng chí Sáu Bá: “Đến thời điểm này mà ông và thuộc hạ của ông vẫn còn ngoan cố! Nếu trong vòng 1 tiếng đồng hồ nữa mà tình hình cứ như thế này thì lực lượng cách mạng sẽ nổ súng tiến công tiêu diệt toàn bộ các ông. Khi đó thì hậu quả xảy ra như thế nào chắc ông đã rõ”.

Đến lúc này tên Đại tá Thành mới bảo cận vệ của hắn đi gọi hết sĩ quan trong dinh tập hợp về phòng họp. Sau khi sĩ quan trong dinh có mặt đầy đủ, đồng chí Sáu Bá đã nói về chính sách khoan hồng của cách mạng dành cho những con người lầm đường lạc lối sau khi quê hương được giải phóng và giải đáp những thắc mắc của các sĩ quan.

Nói xong, đồng chí hỏi “anh em có ý kiến gì thêm không?” Tên Đại tá Thành nói “không có ý kiến gì đâu, Thiếu tá Bá” và lệnh đầu hàng.

Đồng chí Nguyễn Văn Bá là cán bộ quân sự có tư chất, trưởng thành từ đơn vị địa phương đến cán bộ chỉ huy cấp tiểu đoàn, trung đoàn. Ở bất cứ trên cương vị nào, đồng chí cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ được cấp trên giao.

Tham gia rất nhiều trận đánh quan trọng, đối đầu với những tên chỉ huy ác ôn, khét tiếng, nhưng đồng chí luôn gan dạ, mưu trí, dũng cảm với kẻ thù, đoàn kết, thương yêu đồng đội, kính trên nhường dưới, thắm tình đồng chí, dân quân.

Với vai trò Trung đoàn phó, Tham mưu trưởng Trung đoàn 3, khi nhận được mệnh lệnh cấp trên giao, dù biết rằng có thể hy sinh bất cứ lúc nào, nhưng với lòng dũng cảm và quyết tâm của một người chiến sĩ cách mạng đã được tôi luyện trong chiến đấu, đồng chí đã mưu trí duy trì thời gian nhiều giờ liền đàm phán để buộc Đại tá Thành chấp nhận đầu hàng và ta đưa lực lượng vào tiếp quản Tiểu khu Vĩnh Long cùng các mục tiêu khác của Sư đoàn 9 ngụy ở Vĩnh Long một cách trọn vẹn.

Với quá trình đóng góp trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng chí Nguyễn Văn Bá xứng đáng để được Đảng và Nhà nước xem xét đề nghị tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

(Viết theo lời kể của đồng chí Nguyễn Văn Bá và tư liệu từ “Lịch sử 21 năm đánh Mỹ của huyện Vũng Liêm”; “Lực lượng vũ trang tỉnh Vĩnh Long 30 năm kháng chiến”)

Quá trình tham gia cách mạng, từ 1959- 1996, đồng chí Nguyễn Văn Bá có rất nhiều công lao đóng góp trong sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng như xây dựng đất nước. Đặc biệt là trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng chí được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều Huân chương cao quý:

1 Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất

1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất

3 Huân chương Chiến sĩ hạng I-II-III

3 Huân chương Niên hạng I-II-III

1 Huân chương Độc lập hạng nhì

1 Huân chương Lao động hạng III


ThS. ĐOÀN VĂN CANG (Vũng Liêm)

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh