
Tham gia đội văn công phục vụ bộ đội từ những ngày đầu của chiến dịch, nhạc sĩ Thanh Phúc, nguyên văn công Đại đoàn Chiến thắng 312 vẫn nhớ như in từng lời ca, tiếng hát và những kỷ niệm khó quên của một thời mưa bom lửa đạn. Trong chiến dịch, các ca sĩ, nhạc sĩ, diễn viên của các đoàn văn công là một trong những nhân tố quan trọng góp phần làm nên chiến thắng “lừng lẫy
Tham gia đội văn công phục vụ bộ đội từ những ngày đầu của chiến dịch, nhạc sĩ Thanh Phúc, nguyên văn công Đại đoàn Chiến thắng 312 vẫn nhớ như in từng lời ca, tiếng hát và những kỷ niệm khó quên của một thời mưa bom lửa đạn. Trong chiến dịch, các ca sĩ, nhạc sĩ, diễn viên của các đoàn văn công là một trong những nhân tố quan trọng góp phần làm nên chiến thắng “lừng lẫy Điênh Biên, chấn động địa cầu”.
Bước sang cái tuổi “xưa nay hiếm”, với chất giọng khỏe khoắn, hào sảng, nhạc sĩ Thanh Phúc đã tái hiện khí thế hào hùng của quân và dân ta những ngày kéo pháo vào chiến dịch:
“Hò dô ta nào kéo pháo ta vượt qua đèo.
Hò dô ta nào kéo pháo ta vượt qua núi.
Dốc núi cao cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi.
Vực sâu thăm thẳm vực nào sâu bằng chí căm thù…”
Nếu như vũ khí của những người trực tiếp tham gia chiến đấu là súng, đạn, xe, pháo… thì vũ khí của người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng như nhạc sĩ Thanh Phúc chính là giọng hát, lời ca, là cây đàn, chiếc sáo… Vào chiến dịch, mặc cho bom rền, đạn réo, ông cùng đồng đội vẫn cất cao tiếng hát.
Ông đã cùng đồng đội thể hiện nhiều ca khúc về tình yêu quê hương, đất nước; về tinh thần quật khởi của quân và dân ta khi đối mặt với quân thù, góp phần cổ vũ, động viên bộ đội, thương bệnh binh vượt qua khó khăn, gian khổ, tiếp thêm nghị lực, niềm tin để họ làm nên chiến thắng. “Hò kéo pháo” là ca khúc để lại trong ông nhiều cảm xúc.
![]() |
Ảnh minh họa: vtc.vn |
Ông cho biết: Lấy cảm hứng từ những ngày chứng kiến bộ đội ta gò lưng kéo pháo vào chiến dịch, nhạc sĩ Hoàng Vân đã cho ra đời “Hò Kéo pháo”. Viết xong bài hát, nhạc sĩ lấy que ghim lên vách hầm như một bài báo tường. Với tiết tấu mạnh mẽ, gấp gáp, hừng hực khí thế, “Hò kéo pháo” đã chinh phục ông ngay từ lần đầu tiên đọc lời và giai điệu. Sau nhiều lần tập cùng chiếc đàn accordéon, ông là người đầu tiên vừa đàn, vừa “Hò kéo pháo” phục vụ bộ đội.
Thể hiện thành công ca khúc, ông nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt của bộ đội, dân công hỏa tuyến. Nhiều chiến sĩ ôm chầm lấy ông khóc nức nở vì xúc động. “Hò kéo pháo” ngay sau đó được lan truyền khắp chiến dịch, trở thành vũ khí đắc lực cổ vũ, động viên và củng cố niềm tin cho những người chiến sĩ “chân đồng vai sắt” tiếp tục vượt qua dốc cao, vực sâu, lập nhiều kỳ tích làm nên chiến thắng.
Là nghệ sĩ đàn accordéon, ông được đơn vị giao cho phụ trách chiếc đàn accordéon màu đen to kềnh với 120 bass. Dáng người nhỏ bé, lại chủ yếu hành quân vào ban đêm qua những núi cao, vực sâu, ông đã khá vất vả khi vừa ôm đàn, vừa hát phục vụ bộ đội.
Chiều 13-3-1954, sau hơn 3 tháng hành quân, đơn vị của ông đã có mặt tại đồi Him Lam chuẩn bị tham gia trận mở màn chiến dịch. Thời điểm đó, trời mưa tầm tã. Lòng chiến hào ngập bùn. Những người lính cứ lặng lẽ nối nhau bước.
Để động viên, khích lệ tinh thần anh em bộ đội trước khi phát hoả, ngay trong chiến hào, ông đã ôm đàn accordéon 120 bass vừa hát vừa đệm bài Quốc tế ca "Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian, vùng lên hỡi ai cực khổ bần hàn. Sục sôi nhiệt huyết trong tâm đầy chứa rồi.
Quyết phen này sống chết mà thôi. Chế độ xưa ta mau phá sạch tan tành. Toàn nô lệ vùng đứng lên đi. Nay mai cuộc đời của toàn dân khác xưa, bao nhiêu lợi quyền tất qua tay mình...".
Ở chiến hào khác, mặc dù quần áo ướt sũng vì mưa, môi tím tái vì lạnh, đồng đội của ông trong đoàn văn công vẫn cất cao lời bài hát “Quốc ca” và “Chiến sĩ Việt Nam”… Tiếng hát vang lên giữa chiến trường ác liệt đã tạo hiệu ứng mạnh mẽ, khích lệ, động viên tinh thần yêu nước sục sôi của quân và dân ta. Đó chính là vũ khí sắc bén để chiến sĩ ta tự tin đối mặt với quân thù.
Trận Him Lam chiến thắng. Ta thu nhiều chiến lợi phẩm, trong đó có chiếc đàn accordéon hãng Honne của Đức với 80 basse. Do chiếc đàn accordéon đang sử dụng đã quá cũ và to kềnh, Bộ Tư lệnh đã quyết định giao cho ông phụ trách chiếc đàn mới để tiếp tục phục vụ các chiến sĩ tham gia chiến dịch. Chiếc đàn được ông khắc lên hàng chữ vàng "Chiến thắng Him Lam".
Trong Ngày lễ mừng chiến thắng Điện Biên Phủ tại Mường Phăng, ông đã dùng cây đàn này kéo bài "Quốc ca" khi Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp trao cờ "Quyết chiến, quyết thắng" của Bác Hồ cho Sư đoàn 312. Hiện chiếc đàn này được trưng bày và lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quân đội.
Chiến dịch kết thúc, ông trở về hậu phương tham gia nhiệm vụ mới. Những kỷ niệm về Điện Biên năm xưa vẫn còn vẹn nguyên trong trái tim người nghệ sĩ. Ông đã viết ca khúc "Hồi ức Điện Biên". Bài hát đã được Đài Tiếng nói Việt Nam thu thanh qua giọng hát của ca sĩ Ngọc Quy. Lời ca giản dị, mộc mạc gửi gắm tình cảm ông dành trọn cho mảnh đất Điện Biên lịch sử, nơi ông đã gắn bó cả thời trai trẻ.
Theo TTXVN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin