Đối với dân tộc ta, việc đánh giá chuẩn mực đạo đức của một cá nhân, hay giá trị của một luận thuyết trước hết và luôn luôn phải xuất phát từ lợi ích của đất nước, nguyện vọng của Nhân dân: Học thuyết nào cứu được nước, giúp được dân thì sẽ được ưa thích, lựa chọn.
Đối với dân tộc ta, việc đánh giá chuẩn mực đạo đức của một cá nhân, hay giá trị của một luận thuyết trước hết và luôn luôn phải xuất phát từ lợi ích của đất nước, nguyện vọng của Nhân dân: Học thuyết nào cứu được nước, giúp được dân thì sẽ được ưa thích, lựa chọn.
Theo ý nghĩa đó, sự khẳng định: "Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại... là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của Nhân dân ta giành thắng lợi" là một khái quát khoa học, xuất phát từ cơ sở lý luận và thực tiễn của sự hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh.
Đồng thời, đó còn là sự khẳng định giá trị lý luận và thực tiễn của tư tưởng Hồ Chí Minh đã được lịch sử cách mạng Việt Nam kiểm nghiệm, minh chứng là hoàn toàn đúng đắn.
Tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó nội dung cốt lõi là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, đã trở thành tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt cả tiến trình cách mạng Việt Nam. Giương cao ngọn cờ tư tưởng Hồ Chí Minh, dân tộc Việt Nam đoàn kết một lòng, giành lại độc lập chủ quyền; giữ gìn sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ bằng những thắng lợi vô cùng to lớn!
Nói về giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh và những cống hiến của Người đối với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập của Việt Nam và phong trào cách mạng giải phóng dân tộc trên thế giới, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) khẳng định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”.
Ai đã nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội và con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội một cách thấu đáo, chắc hẳn đều nhận thấy rằng, đó là những quan điểm xuất phát từ đặc điểm, điều kiện lịch sử Việt Nam và giàu tính hiện thực.
Trước hết, Hồ Chí Minh khẳng định tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, với mục tiêu cao cả là xóa bỏ chế độ người bóc lột người; giải phóng con người khỏi mọi sự áp bức, bất công, hướng tới xây dựng một chế độ xã hội: “Không có người bóc lột người, mọi người sung sướng, vẻ vang, tự do, bình đẳng, xứng đáng là thế giới của loài người”.
Tuy nhiên, Hồ Chí Minh không hề “ảo tưởng,” mà bằng cái nhìn lịch sử cụ thể, Người nhận thấy con đường đi lên chủ nghĩa xã hội hoàn toàn không bằng phẳng, có vô vàn khó khăn, phức tạp. Người nhận định: “Xây dựng chủ nghĩa xã hội là một cuộc đấu tranh cách mạng phức tạp, gian khổ và lâu dài”; “thắng đế quốc, phong kiến là không dễ; thắng bần cùng, lạc hậu còn khó khăn hơn nhiều”.
Tính độc đáo của Hồ Chí Minh còn thể hiện ở chỗ luôn đề cao tinh thần sáng tạo, chống giáo điều dập khuôn kinh nghiệm nước ngoài, Người nói: “Ta không thể giống Liên Xô, vì Liên Xô có phong tục tập quán khác, có lịch sử địa lý khác... Ta có thể đi con đường khác để tiến lên chủ nghĩa xã hội”.
Ngày nay, nhìn nhận lại những quan niệm của Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội và con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam một cách nghiêm túc, đánh giá một cách khách quan khoa học, chắc hẳn tất cả mọi người đều thấy rằng, những quan niệm và chỉ dẫn của Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc.
Tất nhiên, không có cái gì là tuyệt đối. Hồ Chí Minh là một vĩ nhân, chứ không phải là một thánh nhân, cho nên cũng có thể có những hạn chế lịch sử. Song, nếu những ai đó, cố tình quy kết tất cả sai lầm trong quá khứ để bôi nhọ, xuyên tạc hình ảnh Hồ Chí Minh là một sai lầm không thể chấp nhận được.
Về vấn đề này, học giả người Mỹ, Wiliam J. Duiker-người đã có 20 năm chuyên nghiên cứu về Hồ Chí Minh- đã khẳng định: “Bất kể cuối cùng người đời phán xét về di sản của ông Hồ để lại cho dân tộc mình ra sao, ông Hồ đã chiếm được một chỗ trong ngôi đền thờ những anh hùng cách mạng từng đấu tranh mạnh mẽ để những người cùng khổ trên thế giới có được tiếng nói đích thực của họ”.
Thế giới đã và sẽ còn đổi thay, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn sống mãi trong kho tàng văn hóa nhân loại.
Theo An Giang Online
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin