
Ngày 4-10-2013, Nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế bàng hoàng khi biết tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp – người anh hùng dân tộc Việt Nam, một trong những học trò trung thành và xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một trong 10 vị tướng lừng danh nhất của lịch sử quân sự thế giới đã ra đi ở tuổi 103.
Ngày 4-10-2013, Nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế bàng hoàng khi biết tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp – người anh hùng dân tộc Việt Nam, một trong những học trò trung thành và xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một trong 10 vị tướng lừng danh nhất của lịch sử quân sự thế giới đã ra đi ở tuổi 103.
Thiên tài quân sự
Sau này, khi nói chuyện về chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho biết: “Tuy không tin vào thắng lợi của phương án “đánh nhanh, thắng nhanh”, nhưng tôi tự thấy mình vừa mới đến chiến trường, chưa có đủ cơ sở thực tế để bác bỏ ý kiến của đa số, nên đã đồng ý triệu tập hội nghị cán bộ phổ biến kế hoạch tác chiến theo phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh”.
Đồng thời, tôi chỉ thị cơ quan tham mưu theo dõi chặt chẽ tình hình địch từng ngày, từng giờ kịp thời báo cáo, nếu tình hình thay đổi, ta có thể thay đổi kế hoạch”.
Với sự dẫn dắt của Đại tướng Võ Nguyên Giáp – nhà chiến lược tài ba, chỉ huy quân sự lỗi lạc… Quân đội Việt Nam từ buổi đầu chỉ có 34 chiến sĩ với vũ khí thô sơ, trải qua hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Bác Hồ kính yêu… đã trở thành một Quân đội hùng cường, đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược. |
Suốt 11 ngày đêm quan sát, theo dõi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thấy địch ngày càng tăng cường lực lượng, ra sức củng cố trận địa, trong khi những khó khăn của ta chưa có cách khắc phục.
Bao đêm trăn trở, cân nhắc, cuối cùng Đại tướng kết luận: “Đánh nhanh, thắng nhanh” nhất định sẽ thất bại, phải chuyển sang phương châm “đánh chắc, tiến chắc”. Mặc dù mấy vạn quân ta đã dàn trận, đạn đã lên nòng, sẵn sàng nổ súng, nhưng chúng ta đã kiên quyết dừng lại, cho lui quân về vị trí tập kết, kéo pháo ra chuẩn bị đánh địch theo phương án mới.
Quyết định thay đổi cách đánh đã triển khai, báo cáo Trung ương bằng thư hỏa tốc, được Bác Hồ, Bộ Chính trị nhất trí và cho biết sẽ vận động hậu phương chi viện cho tiền phương đánh thắng. Thay đổi cách đánh trong tình thế toàn mặt trận từ trên xuống dưới đã quyết tâm chiến đấu theo phương án “đánh nhanh, thắng nhanh”, các đơn vị đã vào vị trí chiến đấu chỉ chờ giờ nổ súng, theo Đại tướng: “Đó là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của tôi”.
Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh bàn kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954.
Với quyết định kịp thời và sáng suốt này, ta đã giành thế chủ động tiến công, đẩy địch vào thế bị động, bế tắc, đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt không cách gì gỡ được. Khi chuyển sang “đánh chắc, tiến chắc” tức bao vây đánh dần từng bước, tiêu diệt từng bộ phận từ ngoại vi vào trung tâm, ta có điều kiện tập trung hỏa lực ưu thế tuyệt đối trong từng trận, tạo nên sức mạnh áp đảo đánh thắng địch.
Quá trình chiến đấu dài ngày, chúng ta đã lần lượt tiêu diệt từng cụm cứ điểm địch, siết chặt vòng vây, vận dụng chiến tranh đánh lấn, bắn tỉa, chia cắt sân bay, triệt đường tiếp tế… khiến tập đoàn cứ điểm ngày càng bị bóp nghẹt, cô lập, khó khăn càng chồng chất, tinh thần chiến đấu của địch càng sa sút.
Cuối cùng, ta mở cuộc tiến công quyết định đánh Sở Chỉ huy đầu não, bắt sống tướng Đờ-cát và Bộ Chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, buộc toàn bộ quân địch phải đầu hàng, giành toàn thắng.
Như vậy, Quân đội ta từ chỗ tiêu diệt được từng tiểu đoàn địch phòng ngự trong công sự vững chắc thường chỉ đánh trong đêm, đã tiến lên tiêu diệt 21 tiểu đoàn phòng ngự trong một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, với 8 trung tâm đề kháng, 49 cứ điểm và đánh liên tục 56 ngày đêm, tiêu diệt, bắt sống hơn 16.200 quân địch, đại bộ phận lính Âu Phi tinh nhuệ.
Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 toàn thắng đã đi vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam như Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa… trong thời đại mới.
Đại tướng của hòa bình
Chỉ khi chiến tranh đã lùi vào quá khứ, khi có dịp tiếp xúc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người Pháp, người Mỹ mới hiểu vì sao họ thua một vị tướng “chưa hề đọc một cuốn sách giáo khoa quân sự nào, dù đó là sách dành cho cấp tiểu đội trưởng”.
Trong cuốn sách của Giáo sư lịch sử quân sự Mỹ Cecil B Currey, với tựa đề “Chiến thắng bằng mọi giá - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thiên tài của Việt Nam” viết: “Trong suốt thời gian ở cương vị chỉ huy, ông (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) đã trở thành một huyền thoại và hơn nữa, một thiên tài quân sự vĩ đại nhất của thế kỷ XX và là một trong những vị tướng vĩ đại nhất của mọi thời đại. Không chỉ bởi sự tao nhã và sự tài ba về mặt chiến lược của ông. Không chỉ đã dẫn dắt và phát huy đến cao độ tinh thần dũng cảm của Quân đội trong một số trận chiến nổi tiếng. Không chỉ do khả năng thu phục nhân tâm của cá nhân ông, mà còn bởi những thành quả mà cá nhân ông đã đạt được… Những thách thức mà tướng Giáp phải vượt qua đã đưa ông trở thành một bậc thầy về chiến thuật, về hậu cần và về chiến lược. Ông đã sáng tạo ra một kiểu chiến thuật (cách đánh) mà cả người Pháp và người Mỹ đều không thể thắng được…”.
“Ông Giáp là vị tướng duy nhất trong lịch sử hiện đại đã tiến hành chiến đấu chống kẻ thù trong thế vô cùng yếu: Thiếu trang bị, thiếu nguồn tài chính, dù mới đầu không có quân, vậy mà liên tiếp đánh bại quân Nhật, quân đội Pháp, quân đội Mỹ… Ông Giáp là chuyên gia hiện hữu vĩ đại nhất về chiến tranh Nhân dân”…
Ngày 9-11-1995, tại Nhà khách Chính phủ (Hà Nội), trong buổi gặp mặt và nói chuyện với nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Mc Namara, một người trong đoàn phía Mỹ hỏi: “Thưa ông, ai là vị tướng giỏi của Việt Nam?”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời: “Vị tướng giỏi nhất Việt Nam là Nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Người Mỹ thua Việt Nam bởi vì chưa hiểu vị tướng ấy…”. Sau buổi gặp, tướng Chester Cooper (thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ) đã nói với Đại tướng về cảm nghĩ của mình: “Thưa ngài, tôi thán phục ngài từ 20 năm trước. Nay tôi vẫn thán phục. Chắc các bạn tôi ở đây cũng nghĩ vậy”. Còn Zbigniew Brezinski, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ dưới thời Tổng thống J.Carter có hỏi: “Chiến lược của ngài là gì?”, Đại tướng trả lời: “Chiến lược của tôi là hòa bình”.
Tướng Peter Mc Donald, nhà nghiên cứu khoa học lịch sử quân sự người Anh đánh giá: “Với 30 năm làm Tổng tư lệnh và gần 50 năm tham gia chính sự cấp cao, ông tỏ ra là người có phẩm chất phi thường trong mọi lĩnh vực. Khó có vị tướng nào so sánh được với ông trong việc kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy. Sự kết hợp đó xưa nay chưa từng có”.
Những ngày tháng năm lịch sử này, kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy địa cầu, mặc dù Đại tướng đã đi xa, nhưng Nhân dân Việt Nam mãi mãi tự hào có Đại tướng Võ Nguyên Giáp – người Anh hùng đã góp phần làm rạng danh lịch sử dân tộc.
Theo An Giang Online
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin