Nghiên cứu mô hình tổ chức Tòa án, Viện kiểm sát 4 cấp

06:04, 01/04/2014

Sáng 31/3, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chủ trì phiên họp thứ 15, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương.

Bốn cấp gồm: TAND tối cao-Viện KSND tối cao, TAND cấp cao-Viện KSND cấp cao, TAND cấp tỉnh-Viện KSND cấp tỉnh, Toà án sơ thẩm nhân dân khu vực-Viện Kiểm sát sơ thẩm nhân dân khu vực.

Sáng 31/3, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chủ trì phiên họp thứ 15, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương.
 
Tại phiên họp này, Ban Chỉ đạo đã thảo luận, cho ý kiến đối với đề án chi tiết về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân (TAND) 4 cấp và Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) 4 cấp; một số vấn đề quan trọng của dự án Luật Tổ chức TAND sửa đổi, dự án Luật Tổ chức Viện KSND sửa đổi và đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp trong quân đội.

Báo cáo của Ban cán sự Đảng TAND Tối cao và Viện KSND Tối cao cho biết, theo Chiến lược cải cách tư pháp từ nay đến 2020, về hệ thống tổ chức và hoạt động của TAND và Viện KSND các cấp thì trung tâm của 2 dự án Luật nói trên vẫn là việc xây dựng mô hình tổ chức hệ thống TAND thành 4 cấp, thay vì 3 cấp như hiện nay và không phụ thuộc vào đơn vị hành chính.
 
Trong đó bao gồm TAND tối cao-Viện KSND tối cao, TAND cấp cao-Viện KSND cấp cao, TAND cấp tỉnh-Viện KSND cấp tỉnh, Toà án sơ thẩm nhân dân khu vực-Viện Kiểm sát sơ thẩm nhân dân khu vực.


Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu chỉ đạo tại phiên họp.

Tại phiên họp đã nghe ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo về một số nội dung quan trọng của các đề án và dự thảo luật nêu trên, ý kiến của Ban cán sự Đảng TAND Tối cao, Ban cán sự Đảng Viện KSND Tối cao, Quân uỷ Trung ương và Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương. 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao sự chuẩn bị của các đơn vị liên quan trong việc xây dựng các đề án, dự thảo luật, bám sát các nghị quyết và văn kiện Đảng về cải cách tư pháp, các quy định của Hiến pháp năm 2013, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm nước ngoài, phù hợp với điều kiện Việt Nam và đường lối, chủ trương của Đảng.

Bộ phận chuyên trách thường trực Ban Chỉ đạo với tinh thần trách nhiệm cao, chuẩn bị văn bản và nhận xét kịp thời, có chất lượng, nêu được nhiều vấn đề quan trọng cần thảo luận trong phiên họp; các thành viên Ban Chỉ đạo đã phát biểu nhiều ý kiến đóng góp có giá trị cho các đề án và dự thảo luật.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị các cơ quan chuẩn bị các đề án, dự thảo luật tiếp thu đầy đủ ý kiến của thành viên Ban Chỉ đạo, bổ sung các lập luận có cơ sở khoa học và thực tiễn, nâng tầm của các dự thảo luật.

Liên quan mô hình tòa án 4 cấp, tại phiên họp UBTV Quốc hội mới đây, cơ quan thẩm tra dự án - Uỷ ban Tư pháp (UBTP) Quốc hội tán thành với quy định của dự thảo Luật mà TAND tối cao trình.
 
Theo đó, sẽ tổ chức Tòa án 4 cấp theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính như Nghị quyết số 49-NQ/TW, Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị đã nêu và cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013.

Cụ thể, tổ chức hệ thống TAND 4 cấp gồm có: TAND tối cao, TAND cấp cao, TAND cấp tỉnh và TAND sơ thẩm khu vực. Về thẩm quyền thành lập TAND sơ thẩm khu vực, TAND cấp tỉnh, TAND cấp cao và Tòa án quân sự, đa số ý kiến đề nghị giao thẩm quyền này cho Chánh án TAND tối cao - người đứng đầu cơ quan thực hiện quyền tư pháp xem xét, quyết định và báo cáo UBTVQH.
 
Bởi lẽ, một trong các nguyên tắc quan trọng nhất về tổ chức và hoạt động của Tòa án trong Nhà nước pháp quyền đó là độc lập tư pháp, đây là nguyên tắc đã được ghi nhận trong Hiến pháp của nước ta. Bên cạnh đó, việc tổ chức công tác xét xử là nhiệm vụ quan trọng mà Quốc hội giao cho Chánh án TAND tối cao thực hiện.

Tuy nhiên, UBTP cho rằng, cần cân nhắc vì đây là những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền của Quốc hội hoặc Quốc hội giao cho UBTVQH quyết định, trên cơ sở đề nghị của Chánh án TAND tối cao

Theo CAND Online

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh