
Bước vào chiến dịch Thu Đông 1953-1954, tôi đang là Chính trị hiệp lý viên Cục 2 - Bộ Tổng tham mưu thì được điều về làm Chính viên phó tiểu đoàn trinh sát (Tiểu đoàn 426).
Bước vào chiến dịch Thu Đông 1953-1954, tôi đang là Chính trị hiệp lý viên Cục 2 - Bộ Tổng tham mưu thì được điều về làm Chính viên phó tiểu đoàn trinh sát (Tiểu đoàn 426).
Để chuẩn bị cho chiến dịch Thu Đông năm 1953 - 1954, đơn vị đề ra phương châm "Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt", phải luôn sẵn sàng lên đường bất cứ lúc nào, đi bất cứ đâu, nhận bất cứ nhiệm vụ gì.
Tiểu đoàn 426 đã nhiều lần đi phục vụ các chiến dịch ở Hoà Bình, chiến dịch Tây Bắc. Riêng Nà Sản, khi địch nhảy dù xuống chiếm đóng thì Đại đội 62 của tiểu đoàn dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Việt đã bí mật luồn sâu, bám sát nắm địch dài ngày ở Nà Sản. Tiểu đoàn 426 xuất hiện ở địa bàn nào thì ở đấy sẽ là nơi mở chiến dịch lớn.
Bước vào mùa Thu Đông năm 1953-1954, tiểu đoàn đã được thay đổi phiên hiệu là Tiểu đoàn 122 nhằm đánh lạc hướng kẻ địch. Với phương châm "Cơ động, linh hoạt" theo lệnh của Bộ, tiểu đoàn chuẩn bị một Đại đội (đại đội 62, đã bám nắm địch ở Nà Sản) tiến lên Tây Bắc.
|
Đồng chí Trần Phận và tấm bản đồ Điện Biên Phủ ta thu được của Pháp (ảnh Hồng Xuân).
|
Tháng 11 rét ngọt, Mường Phăng nước đóng băng, vượt qua dốc đá tai mèo của đỉnh Pu Hồng Mèo, đôi chân của lính trinh sát nứt nẻ đau buốt đến tận ruột gan.
Nhưng khi thấy "mùi kẻ địch" thì hình như mọi rét mướt, mệt nhọc đều tiêu tan hết, chỉ muốn nhanh chóng tiếp cận để xem thằng địch nó thế nào. Chỉ khi nào "tai nghe, mắt thấy, tay sờ" mới yên tâm.
Lúc này, trên tấm bản đồ 1/100.000 khu vực ĐBP duy nhất chỉ có hình ảnh ngoằn nghèo dòng sông Nậm Rốm. Khi rẽ vào đường 41 bám địch, cấp trên đã chỉ vào tấm bản đồ 1/100.000 trắng toát này mà bảo:
"Riêng chiến trường ĐBP giờ này còn trắng, các đồng chí vào cố gắng làm binh yếu địa chí ngay, đánh dấu các vị trí của địch".
Đây là vấn đề gay nhất cho trinh sát chúng tôi, làm sao làm binh yếu địa chí cho cả một vùng; chỉ riêng phía Đông Mường Thanh đã phải tốn nhiều người và thời gian.
Đài quan sát đặt trên sườn đồi A1, dưới chân là bản Hồng Líu. Lúc đầu chúng tôi đánh số các vị trí cao điểm của địch theo "an -pha -bê" từ đồi A đến B, nhưng thực ra chỉ có A, còn B là cái yên ngựa của A mà thôi.
Vì vậy, lúc đầu có cả A và B, nhưng sau chỉ có A mà không có B nữa. Sau này sơ đồ vị trí của địch chỉ có A rồi đến C mà không có đồi B.
Cũng như lúc đầu chỉ C nhưng sau đó mở rộng lại có cả C1, C2 cũng như D có D1, D2. Riêng về E, lúc đầu trên đài quan sát thấy nó liền cùng dãy với D nhưng khi tiềm nhập và kiểm tra thì không phải, mà nó nằm ở bên kia đường 41, không phải liền dãy với D.
Để làm được binh yếu địa chí vẽ trên bản đồ, cảnh đồ, chấm cho chính xác vị trí của địch không phải ngày một ngày hai có thể làm được.
Còn một vấn đề nữa, trên hỏi "Địch ở lại hay rút?". Hàng ngày từ trên đài quan sát, chúng tôi theo dõi số lượt máy bay lên xuống vận chuyển hàng, vận chuyển người.
Vận chuyển người chúng tôi đếm được chính xác đến từng tên, khi chúng hành quân lên đồi chiếm đóng, chúng tôi cũng đếm được từng tên. Lúc đầu, chúng kéo lên đồi căng bạt để ở, nhưng dần dần thấy chúng dỡ đi mất không thấy còn lều bạt như trước nữa.
Vậy địch đi đâu? Còn ở đấy hay không? Địch đi lúc nào? Hay đi vào ban đêm ta không quan sát được? Hàng ngày quan sát máy bay, không thấy địch đi lên mà chỉ có đi xuống. Kẻ địch ở hay đi rồi, thật là căng thẳng đối với trinh sát.
Nhiều đêm tiềm nhập vào kiểm tra thì thấy địch vẫn đang ở, không những thế mà còn gặp địch ở nhiều chỗ nữa. Thì ra, lúc đầu mới xuống còn phải căng lều bạt để ở, nhưng sau đó chúng chui dần xuống đất, đào công sự đến đâu dỡ dần lều bạt đến đó, hoặc hạ thấp.
Lúc đầu cỏ trên đồi còn nhiều đám xanh, dần dần đỏ quạch, lở loét. Địch đã ra sức đào công sự củng cố chui ngầm vào đất. Như vậy là đã rõ: Kẻ địch ở lại.
Lại trở về tấm bản đồ 1/100.000, cả một vùng ĐBP trước đây Pháp chưa kịp làm đã phải cuốn gói. Nay đến lượt trinh sát phải làm binh yếu địa chí phủ lên vùng trắng toát ấy. Phải chấm cho thật chính xác vị trí địch trên các cao điểm bởi trong tác chiến hợp đồng đòi hỏi sự chính xác rất cao.
Thấm thoắt đã gần một tháng, chúng tôi cố gắng hết sức mình để đi tiềm nhập nghiên cứu thực địa, vẽ sơ đồ, cảnh đồ, nhưng cũng chỉ mới được phần nào.
Đến trung tuần tháng 12, theo lệnh của Mặt trận, đơn vị phải cử ngay số cán bộ binh địa, một số anh em đã tiềm nhập nghiên cứu do đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo dẫn đầu, với số vốn nắm được lên Mặt trận đắp sa bàn chuẩn bị cho cuộc họp Đảng uỷ Mặt trận.
Từ đài quan sát nhìn sang phía Tây Mường Thanh, chúng tôi nhiều lần thấy máy bay địch thả dù; hàng ngày lại thấy xe zeep chạy từ Mường Thanh xuống Hồng Cúm, bên đó có nhiều lạch suối um tùm có thể ém quân để tiềm nhập vào Mường Thanh và sân bay.
Phía bên đó, địch còn chủ quan, ít có đơn vị hoạt động. Còn phía Đông, khi ta tiềm nhập xuống đã đụng ngay các cao điểm án ngữ. Các trinh sát lần mò ra được đến sông Nậm Rốm thì đã hết một đêm và phải quay về.
Vì vậy, chúng tôi đi đến quyết định cử một toán luồn sâu sang phía Tây ém quân khoảng một tuần với nhiệm vụ: Nghiên cứu tìm đường tiềm nhập sâu vào khu trung tâm Mường Thanh và khu sân bay. Nghiên cứu cứ điểm Căng Na, án ngữ ngay cửa ngõ vào trung tâm sân bay. Đánh bắt tù binh, nhằm vào chiếc xe zeep vẫn chạy thường ngày đi từ trung tâm Mường Thanh xuống Hồng Cúm.
Đồng chí Trần Phận là phân đội phó được cử dẫn một đoàn gồm 6 đồng chí mang theo lương thực. Đêm thứ nhất vượt núi xuống đường 41, ra đến gần sông Nậm Rốm thì bị phục kích phải quay về. Cách một đêm, đến đêm thứ ba, toán tiềm nhập lại lên đường.
Lần này trót lọt vượt sang phía Tây, anh em đã lên một mỏm đồi gần bản Hồng Lếch để quan sát theo dõi, sau đó chuyển xuống lạch suối chảy qua Nà Noong. Nơi đây, hai bên um tùm rậm rạp, tiện cho việc ém quân, tiềm nhập vào Mường Thanh và sân bay. Cứ ban ngày quan sát theo dõi địch thả dù, đêm lại tiềm nhập.
Hôm ấy, thấy địch thả dù rất nhiều, trong số đó có một dù mầu đỏ không phải dù hoa như các dù khác. Anh em nghĩ dù này có gì đặc biệt đây. Đến đêm tiềm nhập vào sân bay tìm các dù đỏ, anh em lùng sục thấy rất nhiều hàng mà chúng chưa kịp dỡ, tìm mãi mới thấy được cái dù đỏ, hàng còn nguyên gồm hai hòm sắt và một hòm gỗ nặng.
Anh em thu hai hòm sắt và hòm gỗ về vị trí ém quân, lấy bạt che kín rồi lấy dao găm cạy hòm gỗ thấy gạo và thùng nước mắm; cạy đến hai hòm sắt thì thấy trong đó đựng từng cuộn bản đồ, giấy ảnh đã rửa. Anh em bàn bạc chưa biết thế nào, nhưng đây là những cuộn bản đồ thì nhất định là quan trọng và quyết định đêm sau sẽ rút về để báo cáo. Sáng hôm sau, địch đi tuần nhưng không phát hiện ra.
Xem lại ngày thả dù hôm đó là 24-12-1953, chúng tôi lấy những cuộn bản đồ ở hòm ra, đây là những cuộn bản đồ 1/25.000 gồm 25 bản đồ vùng chảo Điện Biên hãy còn thơm mùi mực và 32 tấm không ảnh của vùng này, có cả phiếu biên nhận gửi kèm.
Chúng tôi reo lên mừng rỡ. Trong khi đó đồng chí Ngọc Bảo và một số anh em ở trên mặt trận đang loay hoay đắp sa bàn, được tin này các đồng chí đó sẽ mừng lắm, cất được gánh nặng đang đè trĩu trên vai.
Chúng tôi lập tức báo cáo lên trên và cho người mang lên đồng chí Cao Pha - Phó phòng Quân báo chiến dịch kèm theo cả phiếu biên nhận.
Đồng chí Thủ trưởng Phòng Quân báo đã báo cáo ngay với đồng chí Hoàng Văn Thái - Phó Tổng tham mưu trưởng, Tham mưu trưởng mặt trận.
Anh Thái rất mừng vì lần này là lần đầu ta tác chiến hiệp đồng tương đối lớn, có đầy đủ pháo binh, cao xạ, đòi hỏi bản đồ địa hình phải thật chính xác.
Tấm bản đồ 1/25.000 đáp ứng yêu cầu của Phòng Tác chiến mặt trận. Lập tức, một đồng chí được cử dùng xe Jeep chạy hoả tốc suốt ngày đêm về hậu phương in ra hàng nghìn bản đưa lên mặt trận phát cho các đơn vị đồng thời chỉ thị khen thưởng đơn vị và cá nhân lập được thành tích ngay "tại trận", cũng từ chỉ thị này, có chính sách khen thưởng ngay tại mặt trận trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Tin Quân báo lấy được tấm bản đồ của địch nhanh chóng lan truyền. Cả mặt trận xôn xao vui mừng phấn khởi. Trong khi các đơn vị còn đang mò mẫm trinh sát thực địa đo đạc, nhất là các cấp chỉ huy pháo binh, cao xạ, tấm bản đồ đó đã kịp thời đến tay các cấp chỉ huy các đơn vị... Chúng tôi cũng được phát, không phải chỉ một bản mà là 4 bản, cho mỗi phân đội một bản.
Kể từ ngày nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, quân Pháp dùng máy bay chụp ảnh công phu mới vẽ xong tấm bản đồ Điện Biên Phủ để gửi lên phòng Tham mưu của Đờ-cát-tơ-ri. Nhưng không! Chúng đã "gửi" thẳng cho Phòng Quân báo, Bộ tham mưu chiến dịch của ta, mà lúc đó quân ta cũng đang yêu cầu cấp thiết.
Với thành tích này, đơn vị và đồng chí Trần Phận được tặng thưởng Huân chương Chiến công tại mặt trận.
Theo QĐND
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin