
Các hoạt động tác chiến khống chế đường không, bao vây trên không, cắt đứt cầu hàng không, chặn đường tiếp vận của địch cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là sự hiệp đồng tác chiến chặt chẽ, nhịp nhàng của nhiều lực lượng, thực hiện đánh địch cả ở dưới mặt đất lẫn trên không... nhằm đánh thẳng vào “dạ dày” của địch, cô lập địch, từ đó nhanh chóng tiêu diệt tập đoàn cứ điểm
Pháo binh ta sẵn sàng nổ súng để tiêu diệt địch ở cứ điểm Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu TTXVN
Các hoạt động tác chiến khống chế đường không, bao vây trên không, cắt đứt cầu hàng không, chặn đường tiếp vận của địch cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là sự hiệp đồng tác chiến chặt chẽ, nhịp nhàng của nhiều lực lượng, thực hiện đánh địch cả ở dưới mặt đất lẫn trên không... nhằm đánh thẳng vào “dạ dày” của địch, cô lập địch, từ đó nhanh chóng tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, giành thắng lợi hoàn toàn.
Trung tướng, Tiến sĩ Phương Minh Hòa- Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân chủng Phòng không- Không quân đã phân tích sâu sắc vấn đề này trong bài viết: “Khống chế đường không, chặn đường tiếp vận của địch cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ”. Tòa soạn xin trân trọng giới thiệu bài viết.
Chiến dịch Điện Biên Phủ là chiến dịch hiệp đồng binh chủng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt
Trong chiến dịch này, có sự đóng góp quan trọng của Trung đoàn pháo cao xạ 367- Trung đoàn phòng không đầu tiên của quân đội ta và cũng là đơn vị đầu tiên của Quân chủng Phòng không- Không quân.
Lực lượng phòng không của ta tham gia chiến dịch gồm một trung đoàn pháo cao xạ 37mm, 5 tiểu đoàn và một số đại đội súng máy phòng không 12,7mm được biên chế trong các đại đoàn bộ binh.
Trong khi đó, quân Pháp huy động tới 80% trong tổng số gần 400 máy bay ở Đông Dương bao gồm các loại trinh sát, ném bom, cường kích… và được Mỹ viện trợ một số lượng lớn máy bay vận tải hiện đại để thiết lập cầu hàng không từ Hà Nội, Hải Phòng chi viện cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Như vậy, xét về thế trận đất đối không, với ưu thế về vũ khí, trang bị kỹ thuật và phương tiện chiến tranh, không quân Pháp- Mỹ hoàn toàn có thể làm chủ bầu trời Điện Biên Phủ.
Tuy nhiên, thực tế diễn biến trên chiến trường Điện Biên Phủ không phản ánh một cách đơn thuần tương quan lực lượng so sánh bằng những con số thống kê.
Trước đòn tiến công mạnh mẽ và thế trận bao vây chặt chẽ từ bốn phía của quân ta, quân Pháp ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã rơi vào thế bị động, bị cô lập, phải đối mặt với tình trạng khốn quẫn: lực lượng, vũ khí, trang bị, đạn dược bị tiêu hao không được bù đắp; lương thực, thực phẩm không được cung cấp, thương binh không được cứu chữa kịp thời...
Con đường tiếp tế duy nhất còn lại cho Điện Biên Phủ là đường hàng không, nếu bị ta cắt đứt thì quân địch bị cô lập hoàn toàn.
Nắm được điểm yếu cốt tử đó của địch, để nhanh chóng tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã chỉ đạo các lực lượng, nòng cốt là lực lượng phòng không, hiệp đồng tác chiến với quân và dân trên các mặt trận, kiên quyết tiến công, khống chế đường không, cắt đứt cầu hàng không, chặn đường tiếp viện của địch bằng các biện pháp chính sau:
Lực lượng đặc công tập kích các điểm đầu cầu hàng không
Để thiết lập được một cầu hàng không, bao giờ cũng phải có 2 yếu tố cơ bản là căn cứ xuất phát và căn cứ hạ cánh, hay còn gọi là điểm đầu và điểm cuối. Do đó, muốn cắt cầu hàng không của địch, chúng ta cần phải tổ chức đánh địch cả ở 2 điểm cầu và trên đường bay.
Đánh địch tại căn cứ xuất phát thường đạt hiệu quả cao vì mục tiêu đánh phá cố định ở trên mặt đất, nên dễ đánh trúng và đạt hiệu quả cao. Nhưng các sân bay của địch lại nằm ở vùng địch hậu và được canh gác rất cẩn mật, khó tổ chức đánh phá.
Trong khi chưa có các phương tiện tiến công đường không để thực hiện tập kích từ trên không vào các sân bay, ta đã sử dụng lực lượng đặc công đột nhập vào đánh phá các sân bay.
Với ý chí quyết tâm cùng sát cánh chia lửa với các chiến sĩ ngoài mặt trận Điện Biên Phủ, bằng bản lĩnh dũng cảm ngoan cường và sự mưu trí sáng tạo, các chiến sĩ đặc công ở Hà Nội, Hải Phòng, đã dày công nghiên cứu để tìm ra quy luật bố trí canh phòng sân bay của địch và phương pháp đột nhập phù hợp vào đánh phá sân bay địch.
Vào những ngày công tác chuẩn bị chiến đấu ở Điện Biên Phủ đang trong thời kỳ nước rút thì tin chiến thắng từ các chiến trường phối hợp dồn dập bay về, động viên kịp thời các lực lượng chiến đấu của ta ở chiến trường trọng điểm.
Các trận tập kích của lực lượng đặc công vào các sân bay Gia Lâm, Cát Bi và Đồ Sơn đã gây tổn thất lớn cho địch (hơn 80 máy bay bị phá hủy, nhiều kho xăng dầu và kho bom bị bốc cháy), làm giảm sút nghiêm trọng khả năng hoạt động chi viện ở các đầu cầu hàng không, gây cho tướng tá và binh lính địch có tâm lý hoang mang, lo sợ.
Pháo binh pháo kích khống chế các sân bay
Khi chiến dịch mở màn (13/3/1954), cùng với việc bắn chế áp các trận địa pháo binh, các lô cốt và hỏa điểm của địch, lực lượng pháo binh chiến dịch đã bắn cấp tập vào các sân bay Mường Thanh và Hồng Cúm, phá hủy những máy bay đang đậu trên sân bay, bắn cháy các kho xăng dầu.
Các đợt tiếp theo, pháo binh ta tiếp tục bắn khống chế sân bay làm cho phi công địch không dám mạo hiểm hạ cánh xuống sân bay mà phải chuyển sang phương pháp thả dù tiếp viện.
Thả dù tiếp viện nên địch chỉ có thể tăng viện bằng các đơn vị dù và những phương tiện vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm và thuốc men, chứ không thể tăng viện các đơn vị bộ binh đơn thuần trong khi lực lượng dù trong quân đội Pháp lại không có nhiều; hàng hóa được thả từ trên không dễ bị tản mát, rất khó thu lượm, thậm chí còn bị rơi sang trận địa của quân ta.
Mặt khác, máy bay không dám mạo hiểm hạ cánh xuống sân bay, nên không thể đưa các binh sĩ bị thương vong ra khỏi cứ điểm. Điều này gây tác động tâm lý rất lớn đến tinh thần chiến đấu của binh lính địch khi số bị thương vong ngày càng tăng.
Lực lượng pháo binh, pháo kích khống chế sân bay, không cho máy bay địch hạ cánh, buộc chúng phải thả dù tiếp viện từ trên không nên đã hạn chế đáng kể hiệu quả sử dụng cầu hàng không của địch.
Bộ binh, công binh thắt chặt hệ thống chiến hào, thu hẹp phạm vi hoạt động của địch
Với cách đánh “vây, lấn, tấn, chiếm”, lực lượng của ta đã từng bước loại bỏ và làm chủ được các cứ điểm vòng ngoài, buộc địch phải co cụm vào phân khu trung tâm. Vòng vây chiến hào của ta ngày càng thắt chặt lại, khu vực chiếm đóng của địch ngày càng bị thu hẹp.
Các đơn vị bộ binh, pháo binh đã tích cực đánh địch, chế áp địch, chi viện hỏa lực cho bộ đội cao xạ trong quá trình cơ động chiến đấu, triển khai trận địa để tạo vùng hỏa lực phòng không bao vây không phận của địch.
Khi không gian tác chiến của địch ngày càng bị thu hẹp, không gian tác chiến của ta ngày càng rộng thì địch càng gặp nhiều khó khăn hơn trong việc thả dù tiếp viện; phần lớn hàng tiếp tế của địch bị ta thu được.
Cuốn “Nhật ký chiến sự” của Jean Pouget ghi nhận: Ngày 1/4, hơn một nửa số hàng thả rơi ngoài vị trí. Ngày 6/4, hơn 10 khẩu pháo không giật 75mm thả xuống Điện Biên, lính Pháp chỉ thu được 2 khẩu, số còn lại coi như làm quà cho Việt Minh.
Ngày 9/4, trong tổng số 195 tấn hàng tiếp tế đã thả chỉ thu được 6 tấn. Cứ như vậy, chiến hào của ta càng vào sát địch bao nhiêu thì hiệu quả thả dù tiếp tế của địch càng thấp.
Lực lượng phòng không khống chế, bao vây trên không
Cùng với lực lượng bộ binh, công binh từng bước bao vây, thắt chặt vòng vây ở dưới mặt đất, các đơn vị phòng không đã nhanh chóng cơ động bám sát bộ binh và triển khai trận địa ngay trên cánh đồng Mường Thanh, thiết lập được vùng hỏa lực phòng không bao trùm, khống chế toàn bộ không phận của đối phương.
Song song với việc đánh máy bay ném bom và máy bay cường kích của địch để bảo vệ đội hình binh chủng hợp thành chiến đấu, các đơn vị phòng không đã tập trung hỏa lực đánh tiêu diệt các máy bay vận tải thả hàng tiếp viện.
Trước đó, mọi hoạt động trên không là ưu thế tuyệt đối của địch, thì nay khi gặp phải lưới lửa phòng không dày đặc đang từng bước khép chặt không phận buộc phi công địch phải nâng độ cao để thực hiện đánh phá và thả dù hàng, thậm chí còn không dám thả dù vào ban ngày mà phải chuyển sang thả dù vào ban đêm.
Do máy bay vừa phải cơ động tránh hỏa lực phòng không, vừa phải thả dù ở độ cao lớn, nên hàng tiếp viện bị tản mát nhiều, rơi sang trận địa của ta.
Không tin vào trình độ lái của phi công Pháp, Mỹ lập cầu hàng không gồm 29 máy bay vận tải hạng nặng C-119 do phi công của Mỹ lái và đích thân tướng Mỹ chỉ huy. Đây là sự giúp đỡ, nhưng cũng là thủ đoạn để Mỹ nhằm dần dần hất cẳng Pháp và từng bước can thiệp sâu hơn vào chiến tranh Đông Dương.
Khi lưới lửa phòng không của ta đã khép chặt vòng vây trên không, thì trình độ lái của phi công Mỹ cũng tỏ ra không hơn gì các phi công Pháp. Ngày 19/4/1954, chiếc máy bay vận tải C-119 được mệnh danh là “Cọp bay” do phi công Mỹ lái lên vùng trời Điện Biên Phủ để thả hàng tiếp tế cho quân Pháp đã bị hỏa lực phòng không của ta bắn rơi tại chỗ.
Đây là chiếc máy bay và tổ lái đầu tiên của Mỹ bị tiêu diệt trên chiến trường Đông Dương. Từ đó, các phi công Mỹ không dám thực hiện thả dù ở độ thấp.
Ngày 27/4, đàn “Cọp bay” do phi công Mỹ lái lên thực hiện thả dù hàng ở độ cao đã bị dạt sang trận địa của ta 65 tấn hàng, còn đoàn máy bay vận tải Đacôta do phi công Pháp lái thả dù dạt sang quân ta 20 tấn.
Vào những ngày cuối của chiến dịch, trước lưới lửa phòng không dày đặc của ta thì ý chí và bản lĩnh của phi công Pháp và phi công Mỹ cùng bị thui chột, không dám liều mạng để thực hiện nhiệm vụ.
Các máy bay vận tải do phi công của Pháp cũng như Mỹ lái đã không dám bay vào vùng trời Điện Biên Phủ để thả dù tiếp tế cho đồng bọn mà phải bay về căn cứ vì sợ lưới lửa hỏa lực phòng không của ta.
Không còn vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm tiếp viện, quân số bị thương vong ngày càng nhiều không được đưa đi cấp cứu kịp thời đã làm cho tinh thần của binh lính địch rối loạn, không còn đủ ý chí để kháng cự.
Như vậy, khống chế đường không, cắt đứt nguồn tiếp tế duy nhất bằng cầu hàng không cho quân đồn trú của địch ở Điện Biên Phủ là cách đánh hiểm, đánh thẳng vào “dạ dày” của địch.
Các hoạt động tác chiến khống chế đường không, bao vây trên không, cắt đứt cầu hàng không, chặn đường tiếp vận của địch cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là sự hiệp đồng tác chiến chặt chẽ, nhịp nhàng của nhiều lực lượng, thực hiện đánh địch cả ở dưới mặt đất lẫn trên không:
lực lượng đặc công tập kích sân bay đầu cầu hàng không; lực lượng bộ binh thực hiện vây, lấn, tấn, chiếm để thu hẹp phạm vi chiếm đóng; lực lượng pháo binh bắn phá hủy máy bay, chế áp sân bay; lực lượng phòng không thu hẹp không phận, tiến tới bao vây trên không, cắt cầu hàng không của địch.
Trong 56 ngày đêm chiến đấu, Trung đoàn pháo cao xạ 367 đã bắn rơi 52 trong tổng số 62 máy bay các loại của địch, hoàn thành tốt các nhiệm vụ: bảo vệ giao thông vận chuyển; bảo vệ đội hình bộ đội binh chủng hợp thành và hiệp đồng cùng các lực lượng khống chế đường không, cắt đứt cầu hàng không tiếp vận của địch cho quân đồn trú ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của Chiến dịch Điện Biên Phủ.
(Còn tiếp)
Mời xem tiếp trên Vĩnh Long thứ ba kỳ tới.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin