Chuyên mục sẽ đăng tải những bài viết mang tính chuyên luận phân tích, lý giải làm rõ ý nghĩa, tầm vóc lịch sử vĩ đại của Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, Bác Hồ, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh;
Nhân kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, bắt đầu từ hôm nay, Báo Quân đội nhân dân mở chuyên mục “Điện Biên Phủ - Tầm vóc lịch sử” đăng trên trang nhất vào các ngày thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu hằng tuần.
Chuyên mục sẽ đăng tải những bài viết mang tính chuyên luận phân tích, lý giải làm rõ ý nghĩa, tầm vóc lịch sử vĩ đại của Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, Bác Hồ, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh; tinh thần đại đoàn kết dân tộc và sức mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam; sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; sự ủng hộ của bạn bè quốc tế… là những nhân tố quan trọng, có tính quyết định làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Ban Biên tập Báo Quân đội nhân dân trân trọng kính mời các chuyên gia, nhà khoa học, các tướng lĩnh, cán bộ quân đội và bạn đọc viết bài cộng tác.
Quyết tâm sắt đá của Bác Hồ và Bộ Chính trị
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, quân đội ta. Người đã lãnh đạo Đảng, nhân dân, các lực lượng vũ trang nhân dân ta lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp và giành thắng lợi trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cũng như trong xây dựng Nhà nước.
Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954-2014), chúng ta thành kính tưởng nhớ công ơn trời biển của Người. Ôn lại những điều Người đã dạy đối với chiến dịch lịch sử này chúng ta dễ dàng nhận thấy, chính tư tưởng, quyết tâm của Người đã soi sáng con đường thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Năm 1953, cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược đã trải qua 8 năm và đã thu được nhiều thắng lợi rất quan trọng. Thế và lực của nước ta ngày càng mạnh. Đặc biệt, Quân đội ta đã trưởng thành nhanh chóng về mọi mặt.
Về phía Pháp, nội các chính phủ phải thay đổi nhiều lần, lại bị nhân dân Pháp và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới phản đối chiến tranh, tài chính rất khó khăn, phải dựa vào Mỹ để tiếp tục nuôi chiến tranh ở Việt Nam. Lực lượng quân sự của Pháp bị tổn thất nặng nề, phải phân tán trên toàn chiến trường...
Trước tình hình đó, Chính phủ Pháp phải thay đổi tướng Tổng chỉ huy quân đội Pháp thứ 6 là Sa-lăng bằng viên tướng Tổng chỉ huy thứ 7 là Na-va. Tướng Na-va có nhiệm vụ gấp rút tổ chức lại lực lượng quân đội, tập trung một lực lượng chiến lược mạnh và cơ động để lấy lại quyền chủ động trên chiến trường và giành một chiến thắng quân sự có ý nghĩa quyết định, nhằm buộc ta phải kết thúc chiến tranh theo những điều kiện của họ.
|
Na-va dự kiến trong 2 năm 1953-1954 sẽ tổ chức 27 binh đoàn cơ động, trong đó có 1 sư đoàn quân dù. Đồng thời, Na-va xây dựng một kế hoạch chiến lược gồm 2 bước: Trước hết mở tấn công chiếm đóng các vùng tự do ở Liên khu 5 kết hợp bình định miền Nam; sau đó sẽ chuyển ra tấn công trên chiến trường miền Bắc, để giành thắng lợi quyết định về quân sự nhằm đạt mục tiêu chính trị nói trên trong vòng 18 tháng.
Khi nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo về kế hoạch Na-va thì Bác Hồ đã nói: “Na-va rất nhiều tham vọng, muốn giành chiến thắng lớn về quân sự. Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh… Không sợ! Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn”.
Đến tháng 10-1953, Bộ Chính trị triệu tập hội nghị bàn về kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954. Kết thúc hội nghị Bác Hồ nói: Tổng quân ủy phải có một kế hoạch lâu dài về mọi mặt để đối phó với kẻ địch trên chiến trường toàn quốc, sau đó phải có một kế hoạch đẩy mạnh những hoạt động du kích tại đồng bằng Bắc Bộ.
Về hướng hoạt động lấy Tây Bắc là hướng chính, các hướng khác là phối hợp. Hướng chính hiện nay không thay đổi, nhưng trong hoạt động có thể thay đổi. Phép dùng binh là phải “thiên biến vạn hóa”.
Ngày 19-11-1953 đến dự hội nghị cán bộ phổ biến kế hoạch Đông Xuân 1953-1954 do Tổng Quân ủy triệu tập, Bác Hồ nhấn mạnh phương châm chỉ đạo tác chiến của Trung ương trong mùa khô này là: “Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt” và động viên cán bộ, chiến sĩ vượt mọi khó khăn giành thắng lợi lớn nhất trong Đông Xuân 1953-1954.
Đầu tháng Giêng 1954, sau khi Bộ Chính trị quyết định chọn Điện Biên Phủ là điểm quyết chiến chiến lược Đông Xuân 1953-1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tới chào Bác trước khi lên đường ra Mặt trận, Người đã dặn dò: “Trận này rất quan trọng phải đánh cho thắng”.
Nhìn lại, phân tích, suy ngẫm cả quá trình từ khi bắt đầu nghiên cứu kế hoạch Na-va đến hội nghị Bộ Chính trị tháng 10-1953; Hội nghị phổ biến nhiệm vụ quân sự của Tổng Quân ủy tháng 11-1953; quyết định của Bộ Chính trị tháng 12-1953 cho đến lúc Bác Hồ dặn dò Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước khi lên đường ra Mặt trận, chúng ta thấy rõ tư tưởng của Bác “phải đánh cho thắng", thể hiện quyết tâm của Bác và của Bộ Chính trị giành thắng lợi quyết định ở Điên Biên Phủ là rất rõ ràng, có hệ thống và hết sức sâu sắc.
Cũng trong thời gian này, để động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân xây dựng quyết tâm chiến đấu và chiến thắng, Bác Hồ đã viết rất nhiều thư gửi các đơn vị. Trong thư Bác Hồ gửi cán bộ và chiến sĩ mặt trận Điện Biên Phủ có đoạn "...Thu - Đông năm nay, các chú lại có nhiệm vụ tiến quân vào Điện Biên Phủ để tiêu diệt thêm sinh lực địch, mở rộng thêm căn cứ kháng chiến, giải phóng thêm đồng bào còn bị giặc đè nén.
Năm ngoái, các chú đã anh dũng chiến đấu, tiêu diệt nhiều địch, đã thắng lợi to. Bác rất vui lòng. Năm nay, sau những cuộc chỉnh huấn chính trị và quân sự, các chú đã tiến bộ hơn. Các chú phải chiến đấu anh dũng hơn, chịu đựng gian khổ hơn, phải giữ vững quyết tâm trong mọi hoàn cảnh.
Quyết tâm tiêu diệt địch,
Quyết tâm giữ vững chính sách,
Quyết tâm giành nhiều thắng lợi.
Bác và Chính phủ chờ tin thắng lợi để khen thưởng các chú…”.
Đặc biệt, nhân kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt
Cũng nhân dịp này Bác gửi tặng mỗi đại đoàn và mỗi liên khu một lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” để làm giải thưởng luân lưu và động viên các đơn vị hãy cố gắng thi đua để giật giải thưởng vinh dự đặc biệt này.
Dịp Tết Nguyên đán năm Giáp Ngọ, trong thư gửi cho cán bộ, chiến sĩ quân đội Bác viết: “...Nhân dịp Tết năm Ngọ, Bác thân ái gửi lời chúc các chú: Năm mới, cố gắng mới, thắng lợi mới.
Các chú đã lập được nhiều chiến công. Hôm nay ngày Tết, các chú lại đang xung phong chiến đấu gian khổ, thi đua giết giặc. Bác luôn luôn nhớ các chú. Bác mong các chú nêu cao quyết tâm, chiến đấu bền bỉ, thu nhiều thắng lợi hơn nữa, làm cho mùa Xuân năm nay thành mùa Xuân đại thắng lợi…”.
Mặc dù bận rất nhiều công việc, Bác vẫn theo dõi chặt chẽ các bước hành quân của bộ đội. Khi các đơn vị sắp ra mặt trận Bác lại gửi thư động viên: “...
Các chú sắp ra mặt trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn khó khăn, nhưng rất vinh quang. Các chú vừa được chỉnh quân chính trị và chỉnh huấn quân sự và đã thu được nhiều thắng lợi về tư tưởng và chiến thuật, kỹ thuật. Nhiều đơn vị đã đánh thắng trên các mặt trận. Bác tin chắc rằng các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ để làm tròn nhiệm vụ... Chúc các chú thắng to…”.
Những lá thư trên đây đã có tác dụng to lớn và kịp thời vừa động viên tinh thần, vừa làm cho cán bộ, chiến sĩ của Mặt trận nhận rõ nhiệm vụ, xác định quyết tâm đánh thắng, làm tròn nhiệm vụ vẻ vang. Bên cạnh đó, những bức thư ấy cũng lại thấy rõ quyết tâm của Bác và Bộ Chính trị đối với Chiến dịch Điện Biên Phủ là rất sâu sắc.
Song song với động viên bộ đội, Bác Hồ cũng rất quan tâm động viên các tầng lớp nhân dân và các địa phương. Tháng 12-1953, trong thư gửi các cán bộ hậu cần, cung cấp, dân công và đồng bào dân tộc, Bác viết :
“...Thu - Đông năm nay, các cô các chú lại ra tiền tuyến để cùng bộ đội diệt giặc, để giải phóng đồng bào ta. Bác gởi lời thăm các cô, các chú và mong các cô các chú ra sức thi đua: Chịu đựng gian khổ - Vượt mọi khó khăn - Giúp sức cán bộ, tranh nhiều thắng lợi - Hoàn thành nhiệm vụ vượt mức. Đồng thời các cô, các chú phải giữ vững chính sách của Đảng và Chính phủ".
Cũng trong tháng 12-1953, Bác Hồ đã viết thư cho quân và dân Tây Bắc và Lai Châu. Trong thư gửi quân và dân Tây Bác, Bác viết
"... Nhân dịp phái đoàn Chính phủ lên Tây Bắc, tôi thân ái gửi lời thăm toàn thể đồng bào, bộ đội và cán bộ. Trước kia, đồng bào, bộ đội và cán bộ đã anh dũng tham gia đánh đuổi giặc Tây.
Ngày nay đã được giải phóng chúng ta cần phải ra sức củng cố và phát triển thắng lợi ấy… Kháng chiến của ta nhất định thắng lợi, nhưng phải trường kỳ gian khổ, tự lực cánh sinh. Đồng bào, bộ đội và cán bộ ta ở Tây Bắc phải hăng hái tham gia công cuộc kháng chiến để cùng đồng bào, bộ đội và cán bộ toàn quốc đánh đuổi giặc Tây, giặc Mỹ và tranh lại độc lập cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân…”.
Trong thư gửi đồng bào và cán bộ Lai Châu, Bác viết: “… Đã hơn 80 năm nay, đồng bào tỉnh nhà bị thực dân Pháp và Việt gian phản động áp bức, bóc lột, lừa bịp; chưa hề được hưởng hạnh phúc, độc lâp, tự do như đồng bào các nơi khác. Tôi và Chính phủ luôn luôn thương xót đồng bào.
Ngày nay, đồng bào đã được bộ đội Chính phủ giải phóng khỏi ách thực dân và phản động, tôi thay mặt Chính phủ thân ái gửi lời hỏi thăm đồng bào và cán bộ.
Sau đây tôi có mấy lời dặn đồng bào và cán bộ ghi nhớ và làm cho đúng.
Đoàn kết thân ái giúp đỡ lẫn nhau;
Giúp đỡ bộ đội diệt phỉ, trừ gian, giữ gìn trật tự;
Ra sức tăng gia sản xuất để mọi người được ấm no;
Hết sức trung thành với Tổ quốc và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Còn đối với những người trước đây đã lầm đường theo giặc nếu trở về với Tổ quốc thì Chính phủ sẽ khoan hồng.
Cán bộ thì phải thật sự gần gũi giúp đỡ nhân dân, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết".
Ngoài ra, Bác còn gửi thư cho cán bộ, chiến sĩ và thanh niên nam nữ vùng địch tạm chiếm. Trong thư Bác viết:
“...Nhân dịp năm mới Giáp Ngọ, Bác thân ái chúc các cô, các chú năm mới, cố gắng mới, thắng lợi mới. Năm vừa qua các cô, các chú đã anh dũng đánh du kích và bảo vệ tính mạng tài sản của đồng bào. Sang năm mới, cuộc kháng chiến của ta sẽ gay go hơn, nhưng sẽ thu được nhiều thắng lợi hơn...
Bác kêu gọi: Cán bộ và chiến sĩ phải thi đua thực hiện những nghị quyết của Hội nghị Du kích toàn quốc năm ngoái, tiêu diệt thật nhiều giặc để giữ nước, giữ làng. Thanh niên nam nữ thì cùng đồng bào ra sức đấu tranh chống giặc, quyết không đi lính cho giặc, hăng hái tham gia du kích và bộ đội của ta. Tất cả mọi người ra sức vận động ngụy binh quay về với Tổ quốc. Chính phủ và nhân dân ta sẽ khoan hồng đối với họ...”.
Thực tiễn cho thấy quyết tâm của Bác Hồ và Bộ Chính trị phải đánh thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là một quyết tâm rất cao, rất sâu sắc. Không những chỉ đạo nghiên cứu âm mưu của địch, định hướng tư tưởng cho phương châm tác chiến cũng như cho xây dựng các kế hoạch tác chiến, Bác Hồ còn rất chú trọng động viên cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân để nâng cao ý chí quyết tâm, xây dựng sự đồng lòng trên dưới, trong quân đội và ngoài nhân dân.
Chính tư tưởng, quyết tâm của Bác Hồ và Bộ Chính trị đã tạo ra sự thống nhất trong Đảng từ Trung ương tới các cấp ủy, tạo sự đồng tâm nhất trí trong quân và dân, động viên tinh thần hăng hái, khắc phục khó khăn gian khổ và sẵn sàng hy sinh cho thắng lợi, phát huy sự sáng tạo, trí thông minh của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong chiến dịch. Đây là một yếu tố quyết định thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Theo QĐND Online
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin