“Biến đổi khí hậu gây ra tác hại lớn, tốc độ nhanh quá. Sự xâm thực của nước biển đang làm mất đi nhiều diện tích đất đai, làm đảo lộn cuộc sống người dân ven biển”.
“Biến đổi khí hậu gây ra tác hại lớn, tốc độ nhanh quá. Sự xâm thực của nước biển đang làm mất đi nhiều diện tích đất đai, làm đảo lộn cuộc sống người dân ven biển”.
Đó là lời cảnh báo của Chủ tịch Trương Tấn Sang trong chuyến đi khảo sát thực tế tuyến đê biển từ Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu đến tận Cà Mau.
Không chỉ trực tiếp quan sát, Chủ tịch còn hỏi chuyện nhiều người dân, lắng nghe ý kiến của cán bộ, chính quyền các địa phương và những người trực tiếp chỉ đạo phòng chống biến đổi khí hậu, xây dựng đê điều trên những vùng đất này.
Thiên nhiên thách đố con người
Đồng bằng sông Cửu Long được hình thành từ những trầm tích phù sa và bồi dần từ những kỷ nguyên thay đổi nước biển. Qua từng giai đoạn kéo theo sự hình thành những dòng cát dọc theo bờ biển. Nhưng sự vận động đó đang bị biến dạng.
Nước biển ngập mặn đang tràn sâu vào đất liền. Hàng nghìn hécta rừng ngập mặn bị cuốn trôi. Theo công bố của Bộ Tài nguyên và Môi trường, khoảng 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long có thể ngập trong nước do biến đổi khí hậu.
Giữa cái nắng chói chang, đứng trên tuyến đê kè, bờ biển ở các xã Hiệp Thạch, Trường Long Hòa, huyện Duyên Hải (Trà Vinh), Chủ tịch Trương Tấn Sang đã chứng kiến từng đợt sóng biển dồn dập đánh vào thân đê mới được xây dựng, chiều dài chưa đến 1,5km. Người dân ở đây cho biết, chưa đến 20 năm nước biển đã lấn sâu vào đất liền hơn 2,5km. Hơn 6.000ha đất Trà Vinh bị nước biển xâm thực.
Đi xa hơn một chút, đến ấp Cầu Trứng, xã Trường Long Hòa, nơi ngã ba Xương Cá là điểm sạt lở dữ nhất. Giữa vùng đất hoang tàn, sát mép nước biển còn trơ lại những móng nhà đổ bằng xi măng. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hỏi ông Phạm Minh Cứng đứng bên cạnh, năm nay gần tuổi 70:
- Trước đây mép biển ở đâu?
Ông Cứng trả lời từ tốn:
- Thưa, trước đây biển xa lắm! Những động cát lớn không còn nữa, sóng biển đã đánh tan. Người dân không chịu nổi. Mấy chục hộ dân ngay nơi đây đã phải lùi sâu vào đất liền sinh sống. Con cá, nghêu sò cũng khan hiếm dần nên đời sống bà con vất vả lắm.
Từ Trà Vinh về Cù lao Dung (Sóc Trăng), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến khảo sát tuyến đê biển tại các xã An Thạnh 3, An Thạnh Nam và rừng phòng hộ tại xã này. Tiếp đó đến khu vực Hồ Bể và đê biển xã Vĩnh Tân. Dấu vết do ảnh hưởng của triều cường và các cơn bão số 12, 13, 14, 15 năm 2013 vẫn còn hằn sâu trên dải đê biển này. Toàn tỉnh có 87 đoạn đê, bờ bao bị sạt lở và phá vỡ trong đó có 940m đê biển.
Dọc biển Tây Cà Mau, Chủ tịch Trương Tấn Sang đi bằng thuyền máy từ Khánh Hội ngược lên phía biển Kiên Giang đã chứng kiến tình hình sạt lở diễn ra phức tạp cả ven biển và ven sông lạch ở huyện U Minh.
Trước đây ven biển Tây Cà Mau chỉ có bồi tụ, không sạt lở. Vậy mà nay khoảng 80% chiều dài của 154km biển Tây đang bị sạt lở, bình quân 20m một năm, có đoạn sạt lở diễn ra nghiêm trọng lên tới 50m một năm. Những cánh rừng cây mắm xanh tươi đang bị nước chảy xiết đánh mất gốc rễ, cuốn trôi ra biển.
“Biến đổi khí hậu làm cho nước biển dâng và ngập mặn nhanh hơn chúng ta dự báo. Sự xâm thực của biển đang hết sức nghiêm trọng, tác hại lớn”. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nhiều lần nhắc lại lời cảnh báo đó khi trao đổi với các đồng chí trong đoàn công tác và lãnh đạo các địa phương.
Đúng là thiên nhiên đang thách đố con người.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khảo sát tuyến đê biển và thăm hỏi nhân dân đang làm ăn, sinh sống ven biển tỉnh Trà Vinh và tỉnh Sóc Trăng.
Khẩn trương xây dựng đê kè với tính toán khoa học, hiệu quả cao
Đó là ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với lãnh đạo các tỉnh Tây Nam Bộ trong việc chống biến đổi khí hậu. Đê biển là chuyện lâu dài nhưng hiện nay mức độ nước biển xâm thực cao hơn, cường độ lớn hơn.
Do vậy, nếu chần chừ thì nước biển ngập mặn tràn sâu vào đất liền, đất đai sản xuất ngày càng thu hẹp, đời sống sinh hoạt của người dân càng thêm khó khăn. Không thể để tình trạng có tỉnh một năm mất hàng trăm hécta đất đai. Xây dựng tuyến đê biển là nhiệm vụ quan trọng trong phòng chống biến đổi khí hậu.
Dứt khoát phải bảo vệ các khu vực xung yếu đông dân cư. Phải làm khẩn trương với tinh thần quyết liệt, không thụ động nhưng làm sao các công trình đạt hiệu quả cao, chi phí hợp lý trong điều kiện nguồn lực đất nước còn hạn chế là bài toán cụ thể đối với các địa phương.
Dường như đó cũng là mục đích chuyến khảo sát nhiều tuyến đê biển, cùng trực tiếp trao đổi với những người trong cuộc ở các địa phương và để các đồng chí lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng nắm bắt để hành động.
Kinh nghiệm xây dựng đê biển của các nước có nhiều nhưng phải vận dụng vào thực tiễn nước ta sao cho phù hợp ở từng con đê, từng cửa biển.
Bài học của các thế hệ cha ông để lại là đê biển phải tạo nên sự bồi đắp của phù sa, những dòng cát để có các thảm thực vật, trồng cây ngập mặn bảo vệ thân đê. Thực tế nhiều đoạn đê có rừng chắn thì đất bồi thêm. Không thể để mất mát thêm những rừng cây chắn sóng, gió bão.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, phải tìm ra nhiều mô hình, tìm cách xử lý có hiệu quả nhất là đối với những vùng biển có sóng lớn, đổi chiều liên tục.
Công nghệ kỹ thuật đòi hỏi cao. Tại cuộc gặp với cán bộ chủ chốt, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhắc lại kinh nghiệm làm đê mềm ở Nhà Mát (Bạc Liêu), thiết kế được con đê có khả năng bảo vệ, độ bền vững cao như ở Khánh Tiến, huyện U Minh (Cà Mau). Đường ven biển cần kết hợp với đê biển…
Nhớ lại, giữa chiều ráng đỏ tại cống ngăn mặn triều cường Lang Dinh, ấp 1, xã Khánh Tiến, Giám đốc Sở Nông nghiệp Cà Mau, Lê Văn Sử báo cáo và trả lời rành rọt từng câu hỏi của Chủ tịch nước về tuyến đê đang được xây dựng ở đây. Lê Văn Sử nắm chắc tình hình, giọng nói đầy tự tin:
- Đê, kè bờ biển Tây đang tỏ ra hiệu quả. Cần đổ trụ bê tông với khoảng cách hợp lý, cách chân đê khoảng 200m để tạo vùng đất bồi, từ đó cây mắm sẽ tái sinh ở vùng đất mặn, làm giảm cường độ sóng biển bảo vệ thân đê.
Để chứáng minh điều mình nói, anh Sử đưa những tấm hình chụp những thảm cây tái sinh đã mọc bên ngoài thân đê đang lên xanh. Chủ tịch nước tỏ ra hài lòng. Mặc dù đã chiều muộn nhưng Chủ tịch nước vẫn đề nghị chạy xuồng máy tới nơi đang thi công để mục sở thị điều Giám đốc Sử vừa nói.
Chính từ đây, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đưa ra kết luận, phải đi từ thực tiễn để tìm ra cung cách xây dựng đê kè phù hợp với từng địa hình. Vật liệu chắn sóng thích ứng với môi trường, không để lãng phí. Tạo được vốn nhưng phải có giải pháp kỹ thuật.
Tiền của bỏ ra làm 1km đê tốn hàng chục tỉ đồng nên phải thật sự hiệu quả, bảo đảm độ an toàn, bền vững. Đối với vùng ven biển bị sạt lở nghiêm trọng phải có biện pháp tức thời để ngăn chặn. Quy luật tự nhiên trước sự biến đổi khí hậu đang thay đổi, bão lụt gây sóng biển cường độ cao, tần suất ngày càng lớn, dồn con người chúng ta phải chống chọi quyết liệt, sáng tạo.
Tại các nơi đến làm việc, Chủ tịch nước đều nhắc đến truyền thống chống chọi với thiên nhiên của cha ông ta như trị thủy sông Hồng hàng nghìn năm. Cấp ủy, lãnh đạo các địa phương phải thấy rõ trách nhiệm trước cuộc sống nhân dân, bảo vệ, làm bồi đắp thêm từng vùng đất.
Nhân đây xin nhắc lại câu chuyện của ông Cao Trung Kiên, năm nay gần tuổi 70, nguyên Bí thư thị xã Bạc Liêu trước đây cho biết:
Ở đường An Trạch, phường 5, TP Bạc Liêu hiện vẫn còn Đền thờ Nguyễn Công Trứ, người có công lấn biển, mở rộng đất đai từ Bắc chí Nam. Thế mới biết sự nghiệp chống chọi với thiên nhiên hôm nay rất đỗi thiêng liêng như Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhắc nhở, động viên.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang duyệt đội danh dự Quân khu 9. Ảnh: TTXVN.
Chăm lo cuộc sống người dân
Ba ngày làm việc không ngơi nghỉ, khảo sát đê biển ở các tỉnh ven biển Tây Nam Bộ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dành thời gian thăm và làm việc với Bộ Tư lệnh Quân khu 9, gặp gỡ cán bộ chiến sĩ các Đồn Biên phòng, thăm và tặng quà một số gia đình chính sách nghèo.
Vẫn còn khó khăn nhưng những đổi thay trên dải đất ven biển miền Tây Nam bộ thì rất rõ nét. Diện mạo từng địa phương đến tận thôn, ấp đã thay đổi, đường sá, trường học, cơ sở y tế được xây dựng đều khắp, khang trang hơn.
Điện lưới quốc gia về các thôn, ấp, tận cù lao xa. Các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau đều giữ mức tăng trưởng kinh tế. Tuy vậy, Chủ tịch nước nhắc nhở, số hộ nghèo của các khu vực ven biển còn cao. Không ít người dân mất nơi sinh hoạt, nhà cửa bị cuốn trôi, thiếu đất sản xuất do nước biển xâm nhập, tàn phá. Con đường phát triển kinh tế phải gắn liền với an sinh xã hội.
Cần trú trọng công nghiệp chế biến, xuất khẩu, tìm kiếm thị trường và bảo vệ người sản xuất, tạo ra nhiều việc làm cho người dân. Đời sống bà con khá lên sẽ góp phần nâng cao ý thức cộng đồng trong bảo vệ đê kè, rừng chắn sóng.
Ghé thăm Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm Phương Nam, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nhắc nhở công tác quản lý lãnh đạo ở đây không được tái phạm sai lầm trong đầu tư ngoài ngành, phải chấp hành nghiêm túc hướng dẫn của các cơ quan chức năng để phát tiển đúng hướng trong sản xuất, kinh doanh.
Vấn đề quan trọng trong tái cơ cấu là phải tiếp tục củng cố được vị thế trên thị trường, thu hút được nhiều lao động, chăm lo đời sống công dân.
Làm việc với Bộ Tư lệnh Quân khu 9, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chăm chú lắng nghe Trung tướng Nguyễn Phương Nam, Tư lệnh Quân khu báo cáo những kết quả đạt được trong nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng đơn vị và công tác Đảng, công tác chính trị.
Nói chuyện với cán bộ chủ chốt quân khu, Chủ tịch nước nêu rõ, là đội quân chiến đấu và công tác, các lực lượng vũ trang quân khu cần phát huy truyền thống gắn bó với nhân dân, giúp đỡ các địa phương trong xây dựng nông thôn mới.
Đó cũng chính là bản sắc và phẩm chất cách mạng riêng có của quân đội ta. Từ đó phát huy sức mạnh của “thế trận lòng dân” trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Không ngừng củng cố quốc phòng, an ninh vững chắc...
Đi theo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về với vùng đất Chín Rồng càng hiểu hơn nhịp đập khẩn trương của công cuộc bảo vệ, bồi đắp dải đất ven biển miền Tây Nam Bộ, giảm thiểu tác hại to lớn của biến đổi khí hậu. Đó là một sự nghiệp lâu dài, việc đại sự, đầy cam go, quyết liệt nhưng quyết không để mất đất vẫn đang vẫy gọi hành động hôm nay trên những đoạn đê xung yếu, cấp thiết
Theo CAND Online
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin