Tại phiên họp UBTV Quốc hội sáng nay (21/2), Ban Công tác đại biểu đề nghị tiến hành một số công việc chuẩn bị để kỳ họp thứ 7 dự kiến khai mạc vào tháng 5 năm nay. Theo đó, Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết tạm dừng việc lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh được Quốc hội, HĐND bầu và phê chuẩn.
Tại phiên họp UBTV Quốc hội sáng nay (21/2), Ban Công tác đại biểu đề nghị tiến hành một số công việc chuẩn bị để kỳ họp thứ 7 dự kiến khai mạc vào tháng 5 năm nay. Theo đó, Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết tạm dừng việc lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh được Quốc hội, HĐND bầu và phê chuẩn.
Việc lấy phiếu tín nhiệm do Quốc hội, HĐND bầu và phê chuẩn lần đầu tiên được áp dụng tại kỳ họp thứ 4, năm 2013. Tuy còn một số vấn đề còn phải bổ sung, sửa đổi nhưng nhìn chung việc lấy phiếu tín nhiệm được dư luận, cử tri ủng hộ. Qua thực tiễn áp dụng cũng cho thấy, quy trình, đối tượng, cách thức và hiệu quả lấy phiếu còn những ý kiến khác nhau.
Tại phiên họp UBTV Quốc hội sáng nay, Trưởng ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Nương cho biết, việc Quốc hội và HĐND dừng lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội và HĐND bầu và phê chuẩn tại kỳ họp đầu năm 2014 để chờ hướng dẫn thực hiện thống nhất trong thời gian tới đã được thể hiện tại thông báo số 149 ngày 20/12/2013 của Bộ Chính trị.
Ban Công tác đại biểu đề nghị tiến hành một số công việc chuẩn bị để kỳ họp thứ 7 dự kiến khai mạc vào tháng 5 năm nay Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết tạm dừng việc lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh được Quốc hội, HĐND bầu và phê chuẩn. Đồng thời xin ý kiến để sửa đổi bổ sung nghị quyết 35 về lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội và HĐND.
Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm thực hiện theo Nghị quyết 35 của Quốc hội đã được tiến hành và đạt kết quả tích cực, nhân dân đồng tình. Việc tổng hợp phản ánh của đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu, HĐND các cấp cũng đã được tiến hành.
Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng cần nghiên cứu hoàn thiện thêm. “Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu để báo cáo Quốc hội để tiếp tục nghiên cứu chỉnh sửa Nghị quyết 35 và thấy rằng cần bổ sung sửa đổi một số điều cho phù hợp với thực tiễn trên cơ sở ý kiến góp ý của đại biểu, đoàn đại biểu, HĐND, cử tri; giao Ủy ban Công tác đại biểu chủ trì xây dựng dự án và đưa ra thảo luận vào phiên họp tháng 3/2014” - Chủ tịch đánh giá.
Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý báo cáo Quốc hội xin không tiến hành lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp giữa năm, trong quá trình nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35.
Năm 2014, việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ tạm dừng.
Về hiệu ứng của việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý tán thành nhiều nội dung Báo cáo của Ban Công tác đại biểu.
Ông nhấn mạnh, việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm là việc mới rất quan trọng trên cơ sở Nghị quyết 35 của Quốc hội, đã được tiến hành và nhân dân đánh giá rất cao. Theo ông, vì lần đầu nên có vấn đề cần tổng kết, rút kinh nghiệm cũng như đề xuất kiến nghị sửa đổi, hoàn thiện để phát huy mặt mạnh của công tác này.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm là bước tiến mới, được cử tri đánh giá rất cao về việc làm công khai dân chủ.
Tuy nhiên, một số điểm cũng cần nghiên cứu cho phù hợp như có nên tăng hay giảm đối tượng được lấy phiếu hay không. “Theo tôi nên bỏ bớt đối tượng thuộc khối dân cử mà tập trung vào khối hành pháp để thấy rõ sự phản ánh của nhân dân đối với ngành mình, cá nhân mình” - ông Ksor Phước nói.
Khẳng định việc tạm dừng là trái với nghị quyết của Quốc hội nhưng nhiều ý kiến UBTV Quốc hội khẳng định sẽ có văn bản xin các đại biểu Quốc hội chấp thuận việc dừng lấy phiếu tín nhiệm ở kỳ họp tới.
Đồng thời Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội sửa nghị quyết 35. Theo đó, việc lấy tín nhiệm ở các năm sau thế nào do Quốc hội quyết định khi sửa đổi nghị quyết này.
Nghị quyết 35/2012/QH13 của Quốc hội quy định: “Người có quá nửa tổng số đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp” có thể xin từ chức nếu xét thấy bản thân không đủ tín nhiệm hoặc không đủ khả năng đảm nhiệm chức vụ đó” và “Người có 02 năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm”.
Kết quả kiểm phiếu tại cuộc lấy phiếu năm 2013 cho thấy, tất cả các chức danh được lấy phiếu ở Quốc hội không có ai tổng số phiếu “tín nhiệm thấp” quá bán, do đó theo Nghị quyết 35/2012/QH13 của Quốc hội, 47 chức danh được lấy phiếu không phải thực hiện các bước tiếp theo. Tại HĐND các cấp, hầu hết đều đạt yêu cầu, chỉ một vài trường hợp ở cấp huyện, xã có tín nhiệm thấp quá bán nhưng theo quy trình thì cũng chưa miễn nhiệm ngay mà phải chờ kết quả năm tiếp theo...
Theo CAND Online
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin