Vừa kết thúc kỳ họp thứ 6, Quốc hội (QH) khóa XIII, Đoàn đại biểu (ĐB) QH đơn vị tỉnh Vĩnh Long đã dành trọn 10 buổi để thông tin đến bà con cử tri kết quả kỳ họp để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, cùng những ý kiến phản ánh liên quan đến vấn đề bức xúc dân sinh và những ý kiến xây dựng đất nước.
Vừa kết thúc kỳ họp thứ 6, Quốc hội (QH) khóa XIII, Đoàn đại biểu (ĐB) QH đơn vị tỉnh Vĩnh Long đã dành trọn 10 buổi để thông tin đến bà con cử tri kết quả kỳ họp để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, cùng những ý kiến phản ánh liên quan đến vấn đề bức xúc dân sinh và những ý kiến xây dựng đất nước.
Cử tri phấn khởi vì bản Hiến pháp sửa đổi và Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua với tỷ lệ tán thành cao.
Phát huy quyền làm chủ của nhân dân
Đợt tiếp xúc lần này, Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Vĩnh Long đã trực tiếp gặp gỡ hơn 2.000 cử tri và nghe cử tri bày tỏ phấn khởi trước những kết quả đạt được trên các lĩnh vực.
Theo ông Nguyễn Thành Song (xã Trung Ngãi- Vũng Liêm): “Cử tri chúng tôi dành tình cảm rất lớn với kỳ họp lần này vì QH đã bàn những vấn đề rất quan trọng. Đặc biệt là, đã thông qua bản Hiến pháp sửa đổi- được chuẩn bị rất công phu và lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân cả nước. Điều đó thể hiện tính dân chủ”.
Tuy nhiên, ông cũng như nhiều cử tri còn nhiều trăn trở và kiến nghị: “QH cần tăng cường kiểm soát ngân sách. Về nội dung và lời hứa của các bộ trưởng sau trả lời chất vấn đã thực hiện như thế nào và làm đến đâu?”
“Cử tri chúng tôi rất bức xúc về tình hình tội phạm gia tăng, quá tải bệnh viện, y đức giảm sút...”- ông Song bày tỏ. Theo ông, kỳ họp QH vừa rồi cũng đã nói về vấn đề tham nhũng nhưng chưa mang lại hiệu quả tích cực. Ông kiến nghị, “cần phải kiểm tra tham nhũng ở đâu? Phát sinh ở cấp nào?”
Đánh giá cao việc Chính phủ đã cụ thể hóa các nghị quyết của QH thành chính sách đưa vào cuộc sống và đã đạt được những kết quả quan trọng- đặc biệt là, việc chống lạm phát, ổn định nền kinh tế vĩ mô giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế trong điều kiện khó khăn chung của thế giới, ông Song đánh giá: “Tôi cho đây là “bản lĩnh” của Chính phủ và bản thân Thủ tướng”.
Qua theo dõi phiên chất vấn đã thể hiện tính dân chủ, tiến bộ tại nghị trường, các ĐB đã đặt câu hỏi ngắn gọn hơn, đi thẳng vào vấn đề, nói “trúng” ngay những bức xúc của cử tri và nhân dân cả nước như vấn đề lãng phí trong các dự án, ô nhiễm môi trường, sự xuống cấp về đạo đức trong ngành y, xử lý oan sai,...
Tuy nhiên, có vấn đề mà các kỳ họp QH chưa giải quyết được, còn chung chung, đó là trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra sai phạm. “Theo tôi, không chỉ dừng lại ở chất vấn, mà phải tăng cường giám sát chặt chẽ để các cơ quan hành pháp có thái độ cầu thị, thực thi nghiêm pháp luật hơn”- ông Song kiến nghị.
Nông nghiệp vẫn là vấn đề quan tâm
Cử tri Nguyễn Văn Phận (xã Trung Nghĩa- Vũng Liêm) cho rằng: Với 80% dân số cả nước làm nông nghiệp, nhưng nông dân (ND) còn gặp nhiều khó khăn do rủi ro, thiên tai, dịch bệnh, hàng gian, hàng giả... Do đó, cần có chính sách chế tài răn đe với những đối tượng phá hoại nền nông nghiệp.
Theo ông, với 5 công ruộng thì thu nhập chưa tới 200.000 đ/tháng, tức là mới đạt “chuẩn” hộ nghèo. QH cần quan tâm nhiều hơn vì họ làm ra cái gì cũng lỗ, bị tư thương ép giá. Thức ăn gia súc, gia cầm thì bị đánh thuế cao, đã gián tiếp ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống ND; trong khi hỗ trợ còn rất ít.
Theo cử tri Ôn Thanh Ngân- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Trà Ôn: Thực hiện Nghị định số 42/2012/NĐ-CP ngày 11/5/2012 về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.
Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 500.000 đ/ha/năm cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trồng lúa nước đã góp phần khuyến khích bảo vệ và phát triển diện tích đất trồng lúa. Tuy nhiên, diện tích bình quân ở ĐBSCL chỉ khoảng 1.400 m2/hộ thì chỉ nhận hỗ trợ 70.000 đ/năm hoặc nhiều nhất là theo mức hạn điền cũng không quá 3ha, nghĩa là chỉ nhận tối đa 1,5 triệu đồng/năm, nên cũng chẳng làm được gì.
Trong khi khoản ngân sách này không hề nhỏ; huyện Trà Ôn có khoảng 11.000ha đất trồng lúa, phải hỗ trợ 5,5 tỷ đồng/năm; tỉnh Vĩnh Long có khoảng 60.000ha đất trồng lúa thì cần hỗ trợ 30 tỷ đồng/năm.
Vì vậy, ông đề nghị: Chính phủ sử dụng khoản ngân sách này hỗ trợ cho mô hình cánh đồng mẫu lớn, đầu tư trình diễn, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hỗ trợ cơ giới hóa, đầu tư các công trình thủy lợi... để góp phần cho sản xuất lúa phát triển.
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐB Quốc hội Đặng Thị Ngọc Thịnh (trái) trao đổi với cử tri.
Thực hiện chủ trương hỗ trợ thu mua tạm trữ lúa, thực tế người dân không được hưởng lợi mà chủ yếu là doanh nghiệp, đồng thời, chủ trương ban hành sau thời điểm thu hoạch và ND đã bán lúa hết.
Ông đề nghị QH cho chủ trương để Chính phủ hỗ trợ cho doanh nghiệp nào có hợp đồng bao tiêu sản phẩm lúa của ND với giá đảm bảo cho ND lợi nhuận 30% hoặc có những giải pháp hỗ trợ trực tiếp cho ND như mở sàn giao dịch lúa gạo, thông qua đầu tư, xây dựng kho tạm trữ lúa cho ND bảo quản, tạm trữ, chờ thời điểm giá lúa lên sẽ bán ra.
Ghi nhận những ý kiến đóng góp, tâm huyết, trách nhiệm và nguyện vọng chính đáng của cử tri; đoàn cũng dành thời gian khái quát, chia sẻ nhiều thông tin quan trọng, bổ ích liên quan đến đất nước và tỉnh nhà. Qua đó, trực tiếp làm rõ một số vấn đề mà cử tri quan tâm; đồng thời, sẽ tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri để trình lên kỳ họp QH tới những vấn đề thuộc tầm quốc gia.
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin