Hội nghị toàn quốc triển khai thi hành Hiến pháp

02:01, 08/01/2014

Sáng 8-1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Sáng 8-1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Các đồng chí: Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ; Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội chủ trì Hội nghị. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Tham dự Hội nghị tại đầu cầu Hà Nội có các đồng lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, Thành ủy, HĐND, UBND, các vị đại biểu Quốc hội và đại diện các cơ quan trên địa bàn.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhiệt liệt chào mừng và hoan nghênh sự có mặt đông đủ của các đồng chí đại biểu trung ương và các địa phương tại Hội nghị quan trọng này nhằm quán triệt, phổ biến những nội dung cơ bản của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6; đồng thời, quán triệt, triển khai Chỉ thị của Ban Bí thư, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc triển khai thi hành Hiến pháp.

Đồng chí Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Hiến pháp là văn kiện chính trị - pháp lý, là đạo luật cơ bản, luật gốc của Nhà nước. Hiến pháp phản ánh ý chí, nguyện vọng, lợi ích của toàn dân tộc. Thông qua Hiến pháp, tư tưởng quyền lực thuộc về Nhân dân được khẳng định, Nhân dân trao quyền cho các cơ quan nhà nước, bảo đảm tính hợp pháp của việc thực hiện quyền lực nhà nước.

Ở nước ta, ngay sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, Quốc hội đã ban hành Hiến pháp năm 1946. Trải qua các giai đoạn kháng chiến, kiến quốc, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992 lần lượt được Quốc hội các khóa ban hành. Các bản Hiến pháp này đã tạo nền tảng chính trị - pháp lý vững chắc cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Sau 20 năm thực hiện Hiến pháp năm 1992, Quốc hội khóa XIII đã quyết định sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để phù hợp với thời kỳ phát triển mới. Đây là sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, thu hút sự quan tâm sâu sắc và nhiệt tình hưởng ứng của đông đảo đồng bào, chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài và thực sự trở thành đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý sâu rộng trong cả hệ thống chính trị.

Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và các cơ quan, tổ chức hữu quan đã tổ chức chu đáo việc lấy ý kiến nhân dân, tập hợp, tổng hợp đầy đủ, tiếp thu, giải trình nghiêm túc, thuyết phục các góp ý để hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Trải qua quá trình làm việc công phu, nghiêm túc, khoa học và thật sự dân chủ, với tinh thần lắng nghe, thấu hiểu, chắt lọc tinh hoa trí tuệ từ các ý kiến đóng góp của Nhân dân, các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm và các vị đại biểu Quốc hội đã làm việc tận tụy, hết mình để xây dựng nên bản Hiến pháp trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Vào hồi 9 giờ 50 phút ngày 28 tháng 11 năm 2013 tại kỳ họp thứ 6, trong thời khắc thiêng liêng, trang trọng và đầy trọng trách, trước sự theo dõi, giám sát của đồng bào và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với tuyệt đại đa số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: Hiến pháp mới đã phản ảnh ý chí và nguyện vọng của Nhân dân ta, trong đó ý Đảng lòng Dân được hòa quyện sâu sắc.

Đó là bảo đảm chính trị - pháp lý vững chắc cho toàn thể dân tộc ta, Nhân dân ta và đất nước ta vượt qua những khó khăn, thách thức của thời kỳ mới, vững bước tiến vào giai đoạn đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước và chủ động hội nhập quốc tế.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc Hội nghị

Hiến pháp tạo cơ sở hiến định quan trọng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Những quy định của Hiến pháp thể hiện sâu sắc và toàn diện chủ trương đổi mới toàn diện, đồng bộ cả về kinh tế và chính trị; thể hiện rõ và đầy đủ hơn bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ ta trong giai đoạn quá độ lên chủ nghĩa xã hội; thể hiện bao quát, toàn diện hơn về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Hiến pháp quy định rõ ràng và đầy đủ về chế độ chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, bảo vệ Tổ quốc, tổ chức bộ máy nhà nước, hiệu lực và quy trình sửa đổi Hiến pháp.

Hiến pháp là đạo luật gốc, là văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất của nước ta. Vì vậy, sau khi Hiến pháp được Quốc hội thông qua thì nhiệm vụ quan trọng là tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp, bảo đảm cho từng nội dung của Hiến pháp thực sự đi vào đời sống, tạo sự chuyển biến sâu rộng và tích cực trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Đây là nhiệm vụ quan trọng, có liên quan trực tiếp và ảnh hưởng sâu rộng đến toàn hệ thống chính trị. Quá trình triển khai thi hành Hiến pháp đòi hỏi sự tham gia tích cực, nghiêm túc của Nhân dân, tất cả các cấp, các ngành, bảo đảm sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo tập trung, thống nhất của chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân.

Hiến pháp có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 1 năm 2014. Theo Nghị quyết của Quốc hội, chúng ta phải khẩn trương tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp đồng bộ, thống nhất và hiệu quả, kịp thời tuyên truyền, phổ biến sâu rộng tinh thần và nội dung Hiến pháp, giá trị khoa học và thực tiễn của Hiến pháp đến các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức về Hiến pháp, ý thức chấp hành và bảo vệ Hiến pháp, bảo đảm cho Hiến pháp được tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh trong đời sống xã hội.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phổ biến Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về triển khai thi hành Hiến pháp và định hướng công tác tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp; đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội trình bày báo cáo về “Những nội dung cơ bản của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; đồng chí Phan Trung Lý, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trình bày Kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp.

Tại đầu cầu ở các địa phương, các đại biểu cũng đã đề xuất nhiều biện pháp cụ thể cho việc triển khai thi hành Hiến pháp.

Theo QĐND Online

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh