Đề cao quyền con người

07:01, 09/01/2014

Ngày 28/11/2013, tại kỳ họp lần 6 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với tuyệt đại đa số đại biểu Quốc hội tán thành.


Hiến pháp sửa đổi là sự chắt lọc tinh hoa trí tuệ từ ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân.

Ngày 28/11/2013, tại kỳ họp lần 6 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với tuyệt đại đa số đại biểu Quốc hội tán thành.

Từ ngày 1/1/2014, Hiến pháp có hiệu lực thi hành, đã mở ra một thời kỳ mới của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở nước ta. Theo ông Lưu Thành Công- đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh Vĩnh Long, Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, một số điểm mới quan trọng trong lần sửa đổi này là Hiến pháp đề cao quyền con người, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, đề cao vai trò của MTTQ và tổ chức Công đoàn…

Hiến pháp đề cao quyền con người

Có lẽ trong lịch sử lập hiến của nước ta hiếm có một cuộc sinh hoạt chính trị pháp lý nào được nhân dân trong và ngoài nước tham gia đóng góp một cách đông đảo, dân chủ, sâu rộng và thực chất như lần này.
 
Với tinh thần lắng nghe, tiếp thu, chắt lọc tinh hoa trí tuệ từ ý kiến đóng góp của nhân dân, các cơ quan có trách nhiệm và các vị ĐBQH để cuối cùng có được một bản Hiến pháp được thông qua với sự đồng thuận rất cao.

Trước hết, Hiến pháp đã thể chế hóa đầy đủ hơn, sâu sắc hơn quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về đề cao chủ quyền nhân dân, phát huy dân chủ xã hội và đảm bảo tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.

Đây là quan điểm nền tảng xuyên suốt nội dung của Hiến pháp, chỉ rõ nguồn gốc, bản chất, mục đích, sức mạnh của quyền lực nhà nước ta là ở nhân dân, thuộc về nhân dân, nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước.

ĐBQH Lưu Thành Công cho biết, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được đề cao, đưa lên vị trí trang trọng hàng đầu trong Hiến pháp (chương II).

Sự thay đổi về tên gọi và bố cục nhằm khẳng định giá trị, vai trò quan trọng của quyền con người, quyền cơ bản của công dân trong Hiến pháp, thể hiện nhất quán đường lối của Đảng, Nhà nước ta trong việc công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Theo đó, Hiến pháp đã khẳng định nguyên tắc Nhà nước công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng.

Đây là những nguyên tắc căn bản nhằm đề cao trách nhiệm của Nhà nước trong mối quan hệ với quyền con người, quyền công dân. Đồng thời cũng là cơ sở pháp lý cao nhất để mọi người và công dân bảo vệ và thực hiện quyền con người và quyền công dân của mình.

Trên cơ sở của các nguyên tắc căn bản này, Hiến pháp đã quy định các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, trong đó có bổ sung một số quyền mới một cách chặt chẽ, chính xác, khả thi, phù hợp với các công ước quốc tế về nhân quyền mà Nhà nước ta là thành viên.

Hiến pháp gồm 11 chương 120 điều (giảm 1 chương và 27 điều so với Hiến pháp năm 1992) với kỹ thuật lập hiến khoa học và có nhiều đổi mới, vừa kế thừa những nhân tố hợp lý của kỹ thuật lập hiến nước ta, nhất là của Hiến pháp năm 1946, vừa kế thừa kỹ thuật lập hiến của nhân loại.


Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng

Cũng theo ĐBQH Lưu Thành Công, Hiến pháp tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam . Đồng thời Hiến pháp có sự bổ sung và phát triển quan trọng vì đã khẳng định và làm rõ hơn, đầy đủ hơn bản chất, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam .
 
Theo đó, Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ là “đội tiên phong của giai cấp công nhân” mà đồng thời là “đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam”. Hiến pháp đã bổ sung vào Điều 4 quy định về trách nhiệm của Đảng “phải gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình”.

Sự bổ sung này thể hiện bản chất tiên phong, cách mạng, quy định rõ trách nhiệm chính trị, pháp lý của Đảng đối với Nhân dân, chính vì vậy, nhân dân ta mới giao trọng trách cho Đảng là lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

Hiến pháp tiếp tục khẳng định và thể hiện rõ hơn tư tưởng phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, coi đại đoàn kết dân tộc là động lực, nguồn sức mạnh to lớn để xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước trong phần Lời nói đầu, trong quy định về MTTQ Việt Nam, Công đoàn (Điều 9, Điều 10).

Hiến pháp mới bổ sung vai trò của mặt trận “trong tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, giám sát, phản biện xã hội”.

Đồng thời, khẳng định trách nhiệm của mặt trận tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (Điều 9).


Quá trình xây dựng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã thu được nhiều ý kiến tâm huyết, có giá trị, có trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

Tiếp tục kế thừa Hiến pháp năm 1992 về Công đoàn, Hiến pháp đã bổ sung vai trò, trách nhiệm của Công đoàn phù hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước (Điều 10).

Bên cạnh đó, Hiến pháp có sự bổ sung, phát triển quan trọng trong việc ghi nhận vị trí, vai trò của Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam là các tổ chức chính trị- xã hội nòng cốt trong việc đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của thành viên, hội viên tổ chức mình, cùng các tổ chức thành viên khác của mặt trận phối hợp và thống nhất hành động trong MTTQ Việt Nam (khoản 2, Điều 10).

Ngày 1/1/2014, Hiến pháp bắt đầu có hiệu lực, Quốc hội đã có nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp, trong đó đã quy định Quốc hội, Chính phủ, các cấp các ngành, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị có trách nhiệm tổ chức thi hành Hiến pháp kịp thời triển khai các biện pháp cần thiết nhằm đảm bảo Hiến pháp nhanh chóng đi vào cuộc sống.
 
Ban Bí thư có chỉ thị yêu cầu các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương, MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên của mặt trận và các cơ quan tổ chức hữu quan khác có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong nhân dân nội dung của Hiến pháp, nâng cao tình cảm và lòng tin về Hiến pháp để hình thành ý thức tự giác tôn trọng và chấp hành Hiến pháp, bảo đảm cho Hiến pháp được tuân thủ và nghiêm chỉnh chấp hành trong mọi tầng lớp nhân dân và trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

 

Trong hội nghị triển khai Hiến pháp ngày 8/1, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu các cấp, các ngành phải quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc các quy định của Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tất cả các quy định của Hiến pháp phải được thực hiện. Những quy định đang được cơ quan nhà nước thực hiện, nay Hiến pháp mới quy định giao cho đơn vị khác thì phải chuyển giao ngay. Các luật, pháp lệnh có hiệu lực phải được rà soát, sửa đổi cho phù hợp với các quy định của Hiến pháp từ ngày 1/1/2014.

Bài, ảnh: BÙI THANH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh