"Bảo vệ biên cương và tình hữu nghị Việt Nam-Campuchia"

08:01, 07/01/2014

Nhân kỷ niệm 35 năm ngày Chiến thắng chế độ diệt chủng ở Campuchia, TTXVN trân trọng giới thiệu bài viết: “Chúng tôi chiến đấu bảo vệ biên cương của Tổ quốc, bảo vệ tình hữu nghị Việt Nam-Campuchia" của Trung tướng Phùng Khắc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, nguyên Phó Chính ủy Trung đoàn 368 Sư đoàn 2, Quân khu 5:


Quân tình nguyện Việt Nam ở mặt trận Campuchia. (Nguồn: TTXVN)


Nhân kỷ niệm 35 năm ngày Chiến thắng chế độ diệt chủng ở Campuchia, TTXVN trân trọng giới thiệu bài viết: “Chúng tôi chiến đấu bảo vệ biên cương của Tổ quốc, bảo vệ tình hữu nghị Việt Nam-Campuchia" của Trung tướng Phùng Khắc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, nguyên Phó Chính ủy Trung đoàn 368 Sư đoàn 2, Quân khu 5:

“Cách đây 38 năm về trước, những người lính chúng tôi đang tràn ngập niềm vui về chiến thắng 30/4/1975. Đất nước đã hòa bình, chiến tranh đã chấm dứt, bao nhiêu ấp ủ được mọi người sẻ chia nào chuyện gia đình, chuyện tương lai và ký ức tồn lại sau chiến tranh, trong quân ngũ thời bây giờ từ sỹ quan đến binh sĩ chỉ mong sớm được trở về sum họp gia đình.

Lúc đó, Sư đoàn chúng tôi được điều động về đóng chân tại Tuần Dưỡng, các đơn vị lần lượt được bố trí trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng. Nhiệm vụ được giao là vừa xây dựng doanh trại, huấn luyện, vừa tham gia chiến đấu truy quét Fulrô, lực lượng phản cách mạng vẫn còn trụ bám ở rừng núi Tây Nguyên chống lại chính quyền non trẻ của ta. Mọi việc đang diễn ra bình thường, đột ngột chúng tôi được lệnh toàn đơn vị chuẩn bị sẵn sàng cơ động làm nhiệm vụ chiến đấu ở biên giới Tây Nam .

Về đến Tây Nguyên cấp trên mới chính thức thông báo cho chúng tôi biết.

Bộ máy lãnh đạo của Campuchia đứng đầu là Pol Pot, Ieng Sary, Ta Mok, Nuon Chea đã có hành động phản bội lại tình hữu nghị Việt Nam-Campuchia.

Ngay từ tháng 4 năm 1975 trong khi quân dân ta đang dồn sức cho công cuộc tổng tiến công nổi dậy toàn miền Nam giành thắng lợi cuối cùng, ngay từ ngày đầu tháng 5/1975, Pol Pot đã lợi dụng cơ hội đó đem quân tấn công hòng chiếm đảo Phú Quốc của ta. Bằng tinh thần cảnh giác cách mạng quân dân đảo Phú Quốc đã đánh bại quân địch giành lại đảo. Sau đó 7 ngày, bọn Pol Pot lại xua quân đánh chiếm đảo Thổ Chu, giết hại 500 dân thường trên đảo.

Cùng với các hành động tác chiến bọn Pol Pot, Ieng Sary đã dùng bộ máy tuyên truyền nói xấu Việt Nam, nói xấu những người đã từng chia lửa với họ trong công cuộc đấu tranh giành độc lập cho Campuchia.

Họ tung ra chiến dịch tuyên truyền rầm rộ rằng Việt Nam là kẻ thù của Campuchia. Họ kích động thù hận Việt Nam trong binh sỹ của họ với khẩu hiệu “Việt Nam là kẻ thù lâu dài nên phải giết sạch, phá sạch, đốt sạch và cướp sạch.”

Binh lính của họ được nhồi nhét tư tưởng cực đoan như đối với người Việt Nam ta muốn giết lúc nào cũng được, nhà Việt Nam ta muốn đốt lúc nào cũng được, cùng với tuyên truyền bọn phản động Pol Pot, Ieng Sary đã tăng cường quân số, xin viện trợ quân sự của nước ngoài để quyết tiêu diệt Việt Nam. Nhớ lại hồi tháng 8, tháng 9 năm 1977, bọn Pol Pot, Ieng Sary đã xua quân tấn công toàn diện trên 1.000km đường biên giới với Việt Nam.

Những cuộc thảm sát dân lành ở Bến Cầu, Châu Thành, Tân Biên, Tây Ninh diễn ra thường xuyên. Ngày 25/9/1977, quân Pl Pot đã tàn sát rất dã man người dân ở Tân Lập, Tân Biên với các hình thức như chặt đầu, moi gan, mổ bụng. Đặc biệt, cuộc thảm sát tháng 4/1978 ở Ba Chúc với hơn 3157 dân thường của chúng ta bị bọn chúng sát hại dã man.

Cuộc chiến tranh chống Mỹ vừa chấm dứt, Việt Nam lại phải buộc lòng bước vào cuộc chiến mới chống kẻ thù phản bội. Đau thương, uất hận dâng trào trong mỗi người lính trận khi thấy đồng bào mình bị tàn sát dã man. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, những người lính chúng tôi đã phân biệt rõ chính tà, phân biệt rất rõ nỗi thống khổ của người dân Campuchia và khát vọng hòa bình, sự trân trọng tình hòa hiếu với bọn phản động cầm đầu điên cuồng chống phá Việt Nam.

Sư đoàn chúng tôi được cấp trên giao nhiệm vụ trên hướng Tây Nguyên, rồi lại được tăng cường phối hợp với quân đoàn 4 ở hướng Tây Ninh.

Hành quân cơ động xa, trang bị còn thiếu thốn nhiều, nhưng với quyết tâm chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và cứu nhân dân Campuchia khỏi bọn diệt chủng, chúng tôi lại lên đường.

Nhớ lại những trận đánh với quân đội Campuchia do Pol Pot cầm đầu, lúc đầu là vô cùng khó khăn và quyết liệt, binh sỹ của họ được nhồi nhét tư tưởng hận thù bộ đội và nhân dân Việt Nam, họ phát huy sở trường đánh nhỏ, đánh du kích, lén lút trong dân, gây nhiều khó khăn và thiệt hại cho ta, song với phương châm dựa vào nhân dân, tin nhân dân và vận động nhân dân, đơn vị chúng tôi đã dần dần tìm ra cách đánh vây chặt nhiều vòng, diệt gọn từng đơn vị địch, không để chúng co cụm, bảo vệ an toàn cho dân.

Hồi đó, theo yêu cầu của Chính phủ cách mạng lâm thời Campuchia kêu gọi quân đội Việt Nam giúp đỡ giải phóng đất nước, chống lại tập đoàn Pol Pot, Ieng Sary. Đơn vị chúng tôi được điều động qua các tỉnh như Mondulkiri, Ratanakiri, Kratie, Svay Rieng làm nhiệm vụ.

Đến đâu, chúng tôi cũng được chứng kiến nỗi khổ ải của nhân dân Campuchia. Họ lo sợ, họ hoảng loạn vì tội ác giết người của Tập đoàn phản động Pol Pot. Người dân chỉ cho chúng tôi những cánh rừng gỗ tếch có hàng trăm hố chôn người, mỗi hố là một gia đình, chỉ cho chúng tôi những giếng nước ăn của dân mà chúng đã dùng làm mồ chôn tập thể hàng chục người dân.

Hồi ấy, chúng tôi cũng không thể tưởng tượng được tại sao họ lại thú tính, lại mù quáng dùng chính quyền quân đội, công an đàn áp giết hại dân thường của chính nước họ một cách man rợ đến vậy. Vì sao họ lật lọng và phản bội Việt Nam và căm thù Việt Nam đến vậy.

Nhận rõ bộ mặt thật của Tập đoàn Pol Pot, Ieng Sary, thấy rõ nỗi thống khổ của người dân Campuchia. Nhận rõ trách nhiệm bảo vệ đất đai, và nhân dân của mình. Tinh thần cán bộ, chiến sỹ trong sư đoàn và đơn vị tôi lúc bấy giờ lên rất cao, ai cũng muốn được ra trận, ai cũng muốn đóng góp sức lực xương máu của mình để bảo vệ Tổ quốc và cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi cảnh địa ngục trần gian.

Có những kỷ niệm không bao giờ quên khi phải chiến đấu xa quê hương, xa đất mẹ, nhất là vùng Đông Bắc Campuchia, đời sống của chúng tôi thiếu thốn vô cùng, có lúc gạo không, muối không, chỉ còn vài lát lương khô chia xẻ với nhau.

Người dân Campuchia rất khó khăn, thậm chí có nơi không còn gì để ăn, nhớ lời dạy của Bác Hồ, anh em đơn vị chúng tôi vẫn san sẻ khẩu phần ít ỏi của mình để giúp nhân dân qua cơn đói khát. Có những bà mẹ Campuchia quá xúc động trước tấm lòng của bộ đội Việt Nam đã thốt lên lời nói: “Bộ đội nhà Phật,” “Kông tóp Việt Nam tốt quá.”

38 năm đã qua, chiến tranh biên giới Tây Nam kết thúc, chính quyền đã về tay người dân Campuchia, gần đây tôi có dịp đến lại cửa khẩu Đức Cơ, được thả bộ bình yên trên vùng đất mà cách đây 38 năm là một bãi chiến trường. Tôi đã đi một quãng đường qua dòng suối Okrieng, nơi mà trước đây các đồng đội của tôi đã phải chiến đấu hy sinh để bảo vệ biên giới quốc gia.

Tôi đã đến Nghĩa trang Đức Cơ, nơi chôn cất các binh sỹ của quân đội nhân dân Việt Nam hy sinh trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam , cuộc chiến chống lại quân đội Tập đoàn Pol Pot, Ieng Sary. Nghĩa trang liệt sỹ Đức Cơ cũng như nhiều nghĩa trang liệt sỹ dọc biên giới Việt Nam-Campuchia sừng sững như một tượng đài bất tử của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và nghĩa vụ quốc tế cao cả về sự cứu giúp dân tộc Campuchia khỏi họa diệt chủng.

Ngày nay, hai nước Việt Nam và Campuchia đã có hòa bình, hai nhà nước, hai dân tộc đã có quan hệ chiến lược trên nhiều lĩnh vực, song đâu đó vẫn còn có những kẻ ngáng đường, họ tuyên truyền xuyên tạc về tình hữu nghị giữa hai nước, họ triệt để lợi dụng vấn đề dân tộc để kích động hận thù, tuyên truyền hòng làm sai sự thật về sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của Đảng, nhà nước, nhân dân và quân đội Việt Nam trong công cuộc đấu tranh loại bỏ Tập đoàn phản động, phản bội Pol Pot, Ieng Sary, cứu cả dân tộc Campuchia khỏi bị diệt chủng.

Chủ tịch Quốc hội Campuchia Heng Samrin đã nói trong lễ mít tinh kỷ niệm 35 năm chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng, ngày 5/1/2014 tại Thủ đô Hà Nội là: “Nếu không có sự giúp đỡ của Việt Nam thì dân tộc Campuchia không còn trên bản đồ thế giới.”

Chúng tôi những cựu chiến binh đã từng có mặt trong cuộc chiến cách đây 38 năm về trước vẫn tràn ngập tin tưởng về tình đoàn kết hữu nghị của hai quốc gia, hai dân tộc Việt Nam-Campuchia.

Lịch sử ngày càng sáng tỏ hơn sự thủy chung trong sáng của Việt Nam với đất nước Campuchia anh em./.

Theo TTXVN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh