Khát khao "làm chút gì đó cho quê hương"

10:12, 20/12/2013

Ngày nay, trong khi nhiều thanh niên bỏ quê về chợ, thì vẫn có những người quyết tâm gắn bó ruộng vườn với khát khao “làm chút gì đó cho quê hương”.


Với nghị lực thoát nghèo, anh Nguyễn Quy Cường đã xây dựng được mô hình kinh tế thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

Ngày nay, trong khi nhiều thanh niên bỏ quê về chợ, thì vẫn có những người quyết tâm gắn bó ruộng vườn với khát khao “làm chút gì đó cho quê hương”.

Thanh niên phải sống có ích

Sau khi tốt nghiệp trung cấp ngành điện, anh Nguyễn Thành Vinh- Bí thư Chi đoàn ấp Long Hòa 1 (xã Long Mỹ- Mang Thít) quyết định về quê làm nông phụ gia đình. Với sự năng động của tuổi trẻ cùng với mong muốn “góp sức cho quê hương” nên anh vừa làm kinh tế vừa tham gia phong trào Đoàn ở
địa phương.

Là “thủ lĩnh thanh niên” hết lòng với phong trào nên lúc nào anh cũng tự đặt ra câu hỏi: làm như thế nào để hoạt động tuổi trẻ ngày càng sôi nổi, hiệu quả cao… Và anh đã tìm ra lời giải đáp thuyết phục nhất là “chính anh phải làm gương cho thanh niên”. “Chỉ có năng nổ và tự làm giàu trên đất quê mình thì mới thu hút được thanh niên tham gia hoạt động”- anh khẳng định.

Nói là làm, anh bắt đầu tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình kinh tế hiệu quả. Và rồi nhận thấy trồng khoai mỡ là mô hình thích hợp, chàng trai trẻ ấy tự thuê 6.000m2 đất trồng thử nghiệm. Theo anh, khoai này dễ trồng nhưng tốn nhiều công lao động, nếu chăm sóc đúng năng suất rất khả quan.

Tự tay xới đất, bắt giồng khoai là việc mà trước đây khi còn là sinh viên anh chưa hề nghĩ đến. Thế mà giờ đây anh rất quyết tâm cho dù có lúc phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.

Với công sức và tâm huyết bỏ ra, sau 6 tháng, anh thu hoạch vụ khoai đầu tiên, thu lợi nhuận trên 60 triệu đồng. Hiện tại, anh vẫn duy trì và lợi nhuận vụ sau cao hơn vụ trước. Nhớ về những ngày mới bắt tay vào trồng khoai, anh cho biết: “Lúc đầu cũng hơi lo nhưng nghĩ nếu mình không nản chí thì sẽ thành công”.

Không chỉ vươn lên từ chính sức lao động của mình, anh còn giúp đỡ nhiều thanh niên có thêm điều kiện phát triển kinh tế. Ngoài ra anh còn tự tổ chức trồng cây xanh, chăm lo cho trẻ em, tham gia các hoạt động xây dựng nông thôn mới...

Bởi theo anh “thanh niên phải sống sao cho có ích”. Vì thế mà “gần 10 năm nay, anh luôn là người “thắp lửa” các phong trào tuổi trẻ ở địa phương và được thanh niên tin tưởng, ủng hộ”- Bí thư Xã Đoàn- Hồ Chí Linh nhận xét.

Vươn lên từ khó khăn

Khởi nghiệp từ 1 công vườn cùng với vốn vay 10 triệu đồng, đến nay anh Nguyễn Quy Cường (xã Mỹ Hòa- TX Bình Minh) đã gầy dựng được mô hình kinh tế vững chắc cho thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm. Trước kia, do gia đình khó khăn nên anh phải nghỉ học sớm ở nhà phụ nuôi 3 đứa em ăn học. Thấy cha mẹ làm lụng vất vả nhưng vẫn không khá lên nên anh đã tự mình tìm cách thoát nghèo.

Và anh quyết định vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư nuôi 4 con dê sinh sản. “Lúc tôi vay tiền nuôi dê, mọi người khuyên tôi đừng nuôi dê vì không có lời. Thế nhưng tôi vẫn chọn nuôi dê để phát triển kinh tế”- Anh Cường cho biết.

Ban đầu, anh cũng gặp không ít khó khăn do chưa biết kỹ thuật nuôi để dê phát triển nhanh và sinh sản chất lượng. Tuy nhiên nhờ không ngại khó mà anh đã tìm được nguồn thức ăn và cách chăm sóc hiệu quả… Nhờ ham học hỏi cộng với nghị lực thoát nghèo hiện tại, anh đã xây dựng được chuồng trại nuôi dê với quy mô hơn 45 con, cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Ngoài ra, anh còn phát triển thêm mô hình trồng bưởi sạch, hàng năm thu lợi từ 60- 80 triệu đồng.

Sau sự nỗ lực vươn lên, anh đã dần khẳng định được mình và từng bước vươn lên trong cuộc sống. “Có được kết quả hôm nay tôi thấy mình đã quyết định đúng”- anh Cường chia sẻ.

Với kinh nghiệm có được, anh luôn sẵn sàng chỉ dẫn cho thanh niên trong xã cùng nhau phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Đến nay, anh xây dựng được mô hình nuôi dê tại địa phương với tổng đàn dê trên 250 con.

Chị Phan Tí Hon- Phó Bí thư Xã Đoàn Mỹ Hòa cho biết: “Điều đáng ghi nhận là không chỉ làm giàu cho bản thân mà anh Cường còn hỗ trợ con giống với giá rẻ cho đoàn viên thanh niên trong chi đoàn ấp phát triển kinh tế. Qua đó đã giúp nhiều thanh niên thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống”.

Bài, ảnh: CẨM HUỆ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh