Giai đoạn hợp tác mới giữa Việt Nam - Cam-pu-chia

07:12, 26/12/2013

Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Vương quốc Cam-pu-chia Hun Xen (Hun Sen) và Phu nhân theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhằm khẳng định sự coi trọng quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam - Cam-pu-chia. Chuyến thăm được kỳ vọng vừa tiếp tục củng cố, làm sâu sắc thêm mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, vừa mở ra trang mới cho quan hệ hai nước.

Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Vương quốc Cam-pu-chia Hun Xen (Hun Sen) và Phu nhân theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhằm khẳng định sự coi trọng quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam - Cam-pu-chia. Chuyến thăm được kỳ vọng vừa tiếp tục củng cố, làm sâu sắc thêm mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, vừa mở ra trang mới cho quan hệ hai nước.

Việt Nam và Cam-pu-chia là hai quốc gia láng giềng gần gũi, có quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời, là anh em gắn bó, chia ngọt, sẻ bùi. Quan hệ hai nước được nhiều thế hệ lãnh đạo coi trọng và quyết tâm xây dựng thành mối quan hệ thân thiết đặc biệt.

Ngược dòng lịch sử, 46 năm trước, ngày 24-6-1967, Việt Nam và Cam-pu-chia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, khi nhân dân Việt Nam còn đang trong giai đoạn đấu tranh khốc liệt chống giặc ngoại xâm. Sự kiện này đánh dấu một trang sử mới trong quan hệ hai nước láng giềng anh em.

Năm 2012, hai nước đã tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Cam-pu-chia. Đó là dịp hai nước nhìn lại quá trình lịch sử đã gắn bó nhân dân hai nước.

Hiện nay, hai nước đang tích cực triển khai các hoạt động hướng tới kỷ niệm 35 năm Ngày chiến thắng chế độ diệt chủng ở Cam-pu-chia (7-1-1979/7-1-2014). Đó là ngày mà nhân dân hai nước cùng nhau lật đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt tàn bạo, cứu đất nước và nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi thảm họa diệt vong, mang lại sự hồi sinh cho đất nước và nhân dân Cam-pu-chia.
 
Công lao và sự hy sinh của hai dân tộc trong cuộc đấu tranh cao cả đó, đặc biệt là của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, các cựu cán bộ chuyên gia, cựu Quân tình nguyện Việt Nam đã đóng góp cho tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống giữa hai dân tộc và nhân dân hai nước anh em Việt Nam - Cam-pu-chia.

Một góc thủ đô Phnôm Pênh của Cam-pu-chia về đêm. Ảnh: lh4.googleusercontent.com

Nhìn lại chặng đường lịch sử gắn bó, phát triển, nhất là giai đoạn 46 năm qua, chúng ta vui mừng về những thành tựu mà nhân dân hai nước đã đạt được, về mối quan hệ mật thiết gắn bó tương trợ lẫn nhau giữa hai nước ngày càng được củng cố và phát triển.

Đến nay quan hệ hai nước đã được mở rộng ra nhiều lĩnh vực, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển chung của hai nước. Các chuyến thăm của lãnh đạo cao cấp hai nước thường xuyên được tiến hành. Tháng 3-2005, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thăm chính thức Cam-pu-chia.

Hai bên ra Tuyên bố chung, nâng quan hệ hai nước theo phương châm “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”.

Những năm gần đây, quan hệ thương mại hai nước luôn không ngừng được cải thiện và tăng cao, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2012 đạt 3,3 tỷ USD; 10 tháng năm 2013 đạt 2,94 tỷ USD (tăng 8% so với cùng kỳ 2012). Tính đến tháng 6-2013, Việt Nam đã đầu tư vào Cam-pu-chia 126 dự án với tổng vốn 3 tỷ USD. Hiện tại nhiều nhà đầu tư của Việt Nam đã thành công tại Cam-pu-chia, trở thành nhà đầu tư lớn của Cam-pu-chia, góp phần đưa kim ngạch thương mại tăng cao.

Hợp tác hai nước ở các lĩnh vực khoa học, giáo dục, y tế, du lịch... cũng phát triển mạnh mẽ. Việt Nam dành nhiều suất học bổng cho học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh Cam-pu-chia. Mặc dù còn nhiều khó khăn, song Việt Nam cũng đã cử nhiều đoàn y, bác sĩ sang khám bệnh cho nhân dân Cam-pu-chia sinh sống ở các vùng biên giới hai nước.

Hợp tác an ninh, quốc phòng được hai nước Việt Nam - Cam-pu-chia tăng cường, phối hợp chặt chẽ, trao đổi thông tin giải quyết tốt các vụ việc phát sinh trên biên giới, tăng cường hợp tác đào tạo, duy trì tuần tra trên biển, hợp tác chặt chẽ trong công tác tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt liệt sĩ Quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh tại Cam-pu-chia.

Đặc biệt, hai nước có đường biên giới dài. Dựa trên tình hữu nghị đặc biệt, chỉ đạo của lãnh đạo hai nước, các lực lượng chức năng hai nước đã phối hợp thành công việc cắm cột mốc biên giới. Đến nay, hai nước đã xác định được 239/314 vị trí mốc (đạt khoảng 76,1% khối lượng công việc), xây dựng xong 279/372 cột mốc (đạt 75%), phân giới được 850/1.137km đường biên giới. Hai bên khẳng định tiếp tục hợp tác để sớm hoàn thành công tác này, góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển.

Không chỉ trong khuôn khổ song phương, hai nước cũng ngày càng hợp tác, gắn bó và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực.

Đây không phải là lần đầu Thủ tướng Hun Xen thăm Việt Nam mà đã nhiều lần sang thăm quốc gia anh em láng giềng. Dù vậy, Việt Nam là nước đầu tiên Thủ tướng Hun Xen đi thăm sau khi được tái bổ nhiệm làm Thủ tướng Chính phủ.

Có thể nói, chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Vương quốc Cam-pu-chia Hun Xen lần này nhằm khẳng định sự coi trọng quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam - Cam-pu-chia đồng thời thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực, trong đó có kinh tế, thương mại, đầu tư; trao đổi về các vấn đề hai bên cùng quan tâm.

Chúng ta tin tưởng rằng, chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Hun Xen sẽ thành công tốt đẹp, giúp quan hệ hữu nghị truyền thống, gắn bó và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam - Cam-pu-chia có những bước phát triển mới, vì lợi ích của nhân dân hai nước Việt Nam và Cam-pu-chia.

Theo QĐND Online

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh