Sáng 26-12, tại Thủ đô Hà Nội, Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh và Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế đã tổ chức Hội thảo khoa học “Đồng chí Nguyễn Chí Thanh với cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên-Huế”. Hội thảo đã thu hút 65 tham luận, trong đó có 12 tham luận được trình bày tại Hội thảo…
Sáng 26-12, tại Thủ đô Hà Nội, Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh và Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế đã tổ chức Hội thảo khoa học “Đồng chí Nguyễn Chí Thanh với cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên-Huế”. Hội thảo đã thu hút 65 tham luận, trong đó có 12 tham luận được trình bày tại Hội thảo…
Về dự Hội thảo có Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước; Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, nguyên Ủy viên Bộ chính trị, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (TCCT); Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng; Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm TCCT; Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; các đồng chí phó chủ nhiệm TCCT; thủ trưởng Bộ Tổng tham mưu; các tướng lĩnh quân đội; đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế; các nhà nghiên cứu trong và ngoài quân đội và đại diện gia đình Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.
Đồng chí Đinh Thế Huynh phát biểu khai mạc Hội thảo. Trung tướng Mai Quang Phấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm TCCT trình bày báo cáo đề dẫn tại Hội thảo.
Đại tướng Lê Đức Anh đến dự Hội thảo và trò chuyện cùng Thủ trưởng Tổng cục Chính trị và Bộ tổng tham mưu. |
Đến với Hội thảo, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên có bài tham luận “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, vị Đại tướng của nhân dân”. “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một danh tướng tài ba, một nhà lãnh đạo lớn về chính trị, quân sự, kinh tế của thời đại Hồ Chí Minh, có công lớn trong Tổng khởi nghĩa tháng Tám, kháng chiến chống thực dân Pháp và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đánh Mỹ ở miền Nam”, mở đầu tham luận, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên khẳng định.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên nhấn mạnh thêm, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, quan điểm “bám dân, bám đất, một tấc không đi, một ly không rời”; “có dân, có đất là có tất cả” thực sự là những đúc kết về lý luận rất mới, rất sáng tạo trong cuộc chiến tranh nhân dân chống đế quốc Pháp xâm lược, trong đó Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là người phát hiện và có những đóng góp rất quan trọng.
Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã đi thực địa chiến trường và sớm đưa ra kết luận, đánh giá rất ngắn gọn, nhưng vô cùng giá trị gửi về Bộ Chính trị: “Đế quốc Mỹ giàu nhưng không mạnh”. Khai thác điểm yếu cơ bản của địch, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã chỉ thị cho quân dân miền Nam rằng: “Hãy nắm thắt lưng địch mà đánh, để giành thắng lợi”.
Một khẩu hiệu chiến lược và rất chiến thuật mà Thủ tướng Võ Văn Kiệt sau này nhiều lần tâm đắc nhắc lại: “Chính nhờ khẩu hiệu đó, mà quân dân miền Nam chiến đấu đến giành thắng lợi cuối cùng”.
Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, trong tham luận “Những cống hiến xuất sắc của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đối với cách mạng Việt Nam”, đã khẳng định: Nguyễn Chí Thanh - người chiến sĩ cách mạng kiên cường, vị tướng “gan góc và kiên quyết” của nhân dân đã có nhiều cống hiến xuất sắc, đóng góp to lớn cho cách mạng Việt Nam.
Đó là những đóng góp của Đại tướng trong sự nghiệp đấu tranh giành tự do, độc lập và tiến hành hai cuộc chiến tranh giải phóng của dân tộc Việt Nam; những đóng góp của Đại tướng trong xây dựng quân đội và xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, nâng cao bản chất cách mạng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đại tướng là một tấm gương cộng sản mẫu mực về rèn luyện đạo đức cách mạng, sự phấn đấu không mệt mỏi, cống hiến hết mình cho Đảng và nhân dân.
Nhà báo Hữu Thọ phát biểu tham luận tại Hội thảo. |
Đến từ quê hương của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên-Huế có tham luận “Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên-Huế học tập và noi theo tấm gương Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương”.
Cùng với khẳng định những đóng góp to lớn của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, đồng chí Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là nhà lãnh đạo xuất sắc, là “linh hồn cuộc kháng chiến Bình - Trị - Thiên”.
Những cống hiến to lớn của Đại tướng được gắn liền với các bước ngoặt của lịch sử đấu tranh cách mạng, từ thời kỳ Mặt trận dân chủ, đến thắng lợi của cách mạng tháng Tám, cùng với nhân dân Thừa Thiên- Huế kháng chiến chống Pháp thắng lợi.
Đồng thời, tư tưởng tiến công cách mạng, ý chí quyết chiến, quyết thắng của Đại tướng là nguồn sức mạnh to lớn cổ vũ mạnh mẽ tinh thần quyết thắng giặc Mỹ xâm lược của nhân dân Thừa Thiên-Huế nói riêng và đồng bào cả nước nói chung. Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên-Huế mãi mãi tự hào về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, về tư tưởng tiến công, ý chí quyết chiến quyết thắng, nhà lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược, có tư duy khoa học và cách mạng, tài đức vẹn toàn.
Tham luận “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trên mặt trận an ninh tư tưởng” của Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, khẳng định, trên lĩnh vực an ninh tư tưởng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đặc biệt quan tâm công tác đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch mưu toan thực hiện các chiến lược phản cách mạng của chủ nghĩa đế quốc, mà trọng tâm là chiến lược “diễn biến hòa bình”.
Trước việc các thế lực thù địch mưu toan đòi “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang, tách lực lượng vũ trang ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, ngay từ những năm đầu của thập kỷ 60, thế kỷ XX, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã khẳng định: “Chúng ta đều hiểu rằng, lịch sử loài người từ khi có giai cấp là lịch sử đấu tranh giai cấp, Nhà nước và quân đội là sản phẩm của đấu tranh giai cấp, chứ không phải là cái trên trời rơi xuống. Quân đội chúng ta là công cụ chính trị của Đảng, của giai cấp, của nhân dân lao động; nó phải thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng trong từng thời kỳ”.
Đế có thể giành thắng lợi trên mặt trận an ninh tư tưởng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nhấn mạnh “Chúng ta cần phải tăng cường hơn nữa tính chiến đấu, tính lãnh đạo, tính nguyên tắc trong công tác chính trị và tư tưởng. Một mặt, chúng ta phải hết sức khuyến khích, biểu dương những người tốt, việc tốt, những cái mới, những cái tích cực...
Mặt khác, chúng ta cũng phải đấu tranh không khoan nhượng đối với những người xấu, việc xấu, những cái sai, cái tiêu cực”.
Đồng chí Đinh Thế Huynh và Thượng tướng Ngô Xuân Lịch trò chuyện cùng một số đại biểu dự Hội thảo. |
Đến với Hội thảo, các nhà báo lão thành: Hữu Thọ, Phan Quang đã chia sẻ những kỷ niệm sâu sắc về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Tham luận “Nhớ anh “bám đội, lội đồng”” của Nhà báo Hữu Thọ đã khắc họa hình ảnh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với tinh thần cách mạng tiến công, luôn luôn tin vào dân, dựa vào dân và gần gũi cán bộ, thương yêu cán bộ, chiến sĩ.
Trong khi trình bày tham luận “Phong trào “Gió Đại Phong” và phong cách Nguyễn Chí Thanh”, đôi lúc Nhà báo Phan Quang nghẹn giọng khi nhớ về vị Đại tướng nổi tiếng xông xáo trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Nhà báo Phan Quang chia sẻ: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là người theo sự dắt dẫn trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thổi lộng ngọn gió Đại Phong xua đi những khó khăn, trở ngại trong nông thôn miền Bắc vừa hợp tác hóa xong thì gặp liên tiếp hai vụ mất mùa.
Phong trào Gió Đại Phong còn gợi cảm hứng cho các phong trào Sóng Duyên Hải, Cờ Ba nhất, Phụ nữ Ba Đảm đang… - những phong trào thi đua yêu nước nuôi dưỡng sức mạnh tinh thần nhân dân ta làm chỗ dựa của hậu phương lớn XHCN miền Bắc và của tiền tuyến lớn miền Nam, cùng đánh thắng chiến tranh xâm lược của đến quốc Mỹ.
Theo Nhà báo Phan Quang, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là người luôn trăn trở với nông nghiệp, nông thôn và nông dân; gắn bó với nhân dân một cách tự nhiên như bẩm sinh, như thể trời sinh ra đã vậy.
Trình bày báo cáo tổng thuật tham luận Hội thảo, Thiếu tướng, PGS, TS Phạm Quang Đạo, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam khẳng định: Tuy cách tiếp cận của từng tham luận có những góc độ khác nhau, nhưng ý kiến của các đại biểu và hơn 60 tham luận mà các tác giả gửi đến Ban Tổ chức Hội thảo, đều tập trung phân tích, luận giải làm nổi bật chủ đề: “Đồng chí Nguyễn Chí Thanh với cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên-Huế”.
Các tham luận tiếp tục khẳng định, đồng chí Nguyễn Chí Thanh là một nhà lãnh đạo lỗi lạc, “đa năng”, “văn võ song toàn”; là một trong những người kiến tạo nên “linh hồn”, “mạch sống” của Quân đội nhân dân Việt Nam; là tấm gương mẫu mực về phong cách, đạo đức cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Một số tham luận cũng khẳng định Thừa Thiên-Huế và dòng họ Nguyễn Công tự hào có đồng chí Nguyễn Chí Thanh…
Đồng chí Chủ nhiệm TCCT phát biểu kết luận Hội thảo. |
Phát biểu Kết luận Hội thảo, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh, Hội thảo “Đồng chí Nguyễn Chí Thanh với cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên-Huế” đã góp phần làm sáng tỏ thêm nhiều khía cạnh mới, qua đó giúp mọi người hiểu rõ hơn thân thế, sự nghiệp, cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú, sôi nổi và những cống hiến, đóng góp to lớn của đồng chí Nguyễn Chí Thanh trong kháng chiến chống Pháp, tiêu biểu là trên mặt trận Bình-Trị-Thiên khói lửa và tiếp đó là trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương, Bí thư Trung ương Cục kiêm Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam, tham gia lãnh đạo, chỉ đạo nhiều nhiệm vụ trọng yếu của đất nước.
Cùng với khẳng định, Hội thảo đã rút ra nhiều bài học quan trọng từ cuộc đời hoạt động của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, đồng chí Chủ nhiệm TCCT nhấn mạnh cần phải tiếp tục nghiên cứu một cách toàn diện và đầy đủ, nhằm bổ sung và làm sáng tỏ hơn nữa về thân thế, sự nghiệp và những cống hiến to lớn của đồng chí Nguyễn Chí Thanh cho cách mạng Việt Nam, nhất là trong sự nghiệp xây dựng LLVT, xây dựng quân đội nhân dân Việt Nam mà nổi bật là xây dựng quân đội về chính trị.
Thượng tướng Ngô Xuân Lịch cũng nhấn mạnh cần đẩy mạnh công tác sưu tầm các tư liệu, sự kiện liên quan đến cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh để bổ sung vào các công trình nghiên cứu về Đại tướng…
Đồng chí Chủ nhiệm TCCT yêu cầu, kết quả của Hội thảo cùng với một số tài liệu phục vụ Hội thảo là những tài liệu có giá trị, phục vụ công tác nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục lịch sử và truyền thống cho các LLVT và nhân dân.
Do vậy, các cơ quan báo chí trong và ngoài quân đội cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền; các cơ quan, đơn vị, học viện, nhà trường quân đội phát huy những kết quả nói trên vào thực tiễn giáo dục, huấn luyện của đơn vị…góp phần làm cho tên tuổi của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh sống mãi cùng sự nghiệp cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên-Huế.
Theo QĐND Online
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin