Bổ sung hàng chục vụ án, vụ việc có dấu hiệu tham nhũng vào diện theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc, xử lý

03:12, 25/12/2013

Ngày 25-12, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN) họp phiên thứ tư. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, chủ trì hội nghị.

Ngày 25-12, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN) họp phiên thứ tư. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, chủ trì hội nghị.

Ban chỉ đạo đã nghe đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN trình bày dự thảo Báo cáo kiểm điểm tình hình, kết quả hoạt động năm 2013 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2014;

thảo luận và cho ý kiến với dự thảo Báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp;

Báo cáo tiến độ điều tra, truy tố, xét xử và những khó khăn, vướng mắc của 8 vụ án và 2 vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; Báo cáo đề xuất bổ sung một số vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kết luận tại phiên họp.

Phát biểu kết luận phiên họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Tham nhũng vẫn là vấn đề xã hội bức xúc nhất hiện nay, nhân dân đòi hỏi, mong muốn, kỳ vọng công tác PCTN sẽ có bước tiến để tạo niềm tin, động lực mới cho công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XI), Bộ Chính trị quyết định thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN và Ban Nội chính Trung ương-Cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo, dù thời gian hoạt động mới hơn 10 tháng nhưng đến nay, hoạt động của Ban chỉ đạo đã dần đi vào nền nếp theo đúng quy định của Bộ Chính trị và Quy chế làm việc; không buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng nhưng không bao biện làm thay cơ quan chức năng, hoạt động của Ban chỉ đạo nhịp nhàng, có hiệu quả thiết thực cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm.
 
Ví như, Ban chỉ đạo đã chọn khâu giám định để tập trung chỉ đạo đổi mới quá trình xét xử các vụ án tham nhũng; hay như chỉ đạo hạn chế án treo trong xử lý các vụ án tham nhũng, bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật.

Qua hoạt động, cơ chế chỉ đạo, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo rõ ràng, hiệu quả hơn.

Một số vụ án nghiêm trọng, phức tạp được Ban chỉ đạo tập trung chỉ đạo, đôn đốc đã được đẩy nhanh tiến độ, mở rộng điều tra, xét xử nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật, được dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ.

Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Việc Ban chỉ đạo thành lập 7 đoàn công tác đi kiểm tra, giám sát công tác phát hiện, xử lý tham nhũng được dư luận xã hội đánh giá tích cực.

Ban chỉ đạo đã từng bước thể hiện vai trò trung tâm trong chỉ đạo, phối hợp công tác phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước; sinh hoạt của Ban chỉ đạo, Thường trực Ban chỉ đạo dân chủ, khoa học, các thành viên Ban chỉ đạo dự họp đầy đủ, có tinh thần trách nhiệm, tận tụy thực hiện các nhiệm vụ được phân công, tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng.

Qua một năm hoạt động, chứng tỏ Ban chỉ đạo là một tập thể mạnh, đoàn kết, thống nhất cao, gắn bó chặt chẽ, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của Ban chỉ đạo vẫn còn một số tồn tại. Đây là những vấn đề cần được quan tâm khắc phục trong năm 2014.

Về Báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp.

Tổng Bí thư cho rằng: Việc thành lập 7 Đoàn công tác kiểm tra, giám sát của Ban chỉ đạo là chủ trương đúng đắn, cần thiết, đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống tham nhũng trong tình hình hiện nay. Các Đoàn công tác đã có nhiều cố gắng trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, hoạt động tích cực, hiệu quả, được dư luận xã hội đồng tình và đánh giá tích cực.

Qua kiểm tra, giám sát đã giúp cho cấp ủy, tổ chức Đảng được kiểm tra, giám sát nhận thức rõ hơn về trách nhiệm của mình trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng; các cơ quan, tổ chức được kiểm tra, giám sát thấy được ưu điểm cũng như những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong công tác thanh tra các vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, để từ đó có những giải pháp khắc phục kịp thời.

Về Báo cáo về tiến độ điều tra, truy tố, xét xử và những khó khăn, vướng mắc của 8 vụ án, 2 vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, Tổng Bí thư thay mặt Ban chỉ đạo biểu dương những nỗ lực, cố gắng và quyết tâm cao của Ban Nội chính Trung ương-Cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo và các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

Trong thời gian ngắn, các cơ quan tiến hành tố tụng đã đưa ra xét xử 3 vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp với các mức án đủ nghiêm, có tác dụng răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung; được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ và đánh giá cao quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng.
 
Đối với những vụ án còn lại, Tổng Bí thư đề nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật cần tiếp tục khẩn trương điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Quan điểm xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng là nghiêm minh dựa trên cơ sở đánh giá đúng tính chất, mức độ của hành vi phạm tội và quy định của pháp luật pháp luật hiện hành.

Trong đó lưu ý trong điều kiện tình hình tham nhũng còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp và có tính tổ chức ngày càng cao như hiện nay, cũng cần phải áp dụng mức hình phạt đủ nghiêm để có sức răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.

Tổng Bí thư cho rằng, việc đưa một số vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp vào diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo là cần thiết, có tác dụng tốt. Trong năm tới, cần tiếp tục bổ sung một số vụ án, vụ việc trọng điểm để chỉ đạo.

Các vụ việc cụ thể sẽ giao Ban Nội chính Trung ương rà soát lại kỹ lưỡng, chọn vụ việc thực sự trọng điểm, đích đáng. Trên cơ sở kết quả hội nghị, Tổng Bí thư thống nhất sẽ chọn hàng chục vụ án, vụ việc có dấu hiệu tham nhũng vào diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc và giao các tỉnh, thành ủy trực thuộc Trung ương chỉ đạo xử lý.

Về nhiệm vụ công tác trọng tâm năm 2014 của Ban chỉ đạo, Tổng Bí thư kết luận 11 công việc trong tâm sẽ tiến hành và nhấn mạnh: Phát huy kết quả đã đạt được, công tác PCTN năm 2014 phải được quan tâm chỉ đạo thực hiện mạnh mẽ hơn nữa, với mục tiêu là phải có chuyển biến tích cực, rõ ràng hơn năm 2013.

Các nhiệm vụ công tác trọng tâm năm 2014 đã bám sát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban chỉ đạo, kế thừa những nhiệm vụ công tác trọng tâm năm 2013. Tổng Bí thư giao Ban Nội chính Trung ương tiếp thu ý kiến góp ý của các đồng chí thành viên Ban chỉ đạo, hoàn thiện văn bản để ban hành kế hoạch chính thức.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Năm 2014 cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo việc hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế-xã hội nhằm phòng ngừa tham nhũng; quy định về giám định tư pháp phục vụ đấu tranh phát hiện, xử lý tham nhũng.

Về việc tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 08 của Bộ Chính trị về kiểm tra, giám sát việc thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử; Ban chỉ đạo sẽ tiếp tục thành lập một số đoàn công tác để kiểm tra, giám sát việc thanh tra các vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; nhất là những địa phương còn có hạn chế trong phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu các thành viên Ban chỉ đạo quan tâm kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng tại các cơ quan, tổ chức, tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương theo Quyết định phân công của Ban chỉ đạo.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đồng ý với chủ trương tích cực đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong công tác phòng, chống tham nhũng; giao Ban Nội chính Trung ương phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành rà soát, nắm tình hình hoạt động tín dụng của một số ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng thương mại cổ phần; giao ngành nội chính và thanh tra tổ chức tập huấn nâng cao năng lực kiểm tra về công tác PCTN...

Kết thúc phiên họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giao Ban Nội chính Trung ương chuẩn bị tốt các nội dung và điều kiện phục vụ cho hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng sẽ được tổ chức trong năm 2014.

Theo QĐND Online

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh