Ngày 18/11, tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước đã tổ chức lễ trao quyết định công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) năm 2013.
Ngày 18/11, tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước đã tổ chức lễ trao quyết định công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) năm 2013.
Đến dự có đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Bộ trưởng Bộ GD & ĐT Phạm Vũ Luận cùng lãnh đạo một số bộ, ngành và các tân GS, PGS được công nhận chức danh năm 2013.
GS.TSKH Trần Văn Nhung, Tổng thư ký Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước (HĐCDGSNN) cho biết, năm 2013 có thêm 57 tân GS và 514 PGS. Một điều thú vị là đến nay mới chỉ có 2 người ở trong nước được đặc cách GS, đó là TS Trần Đình Hòa (năm 2013) và TSKH Phùng Hồ Hải (năm 2012), cả hai đều sinh năm 1970, cùng quê Hà Tĩnh.
Điều thú vị nữa có cặp bạn đời cùng được nhận chức danh cao quý, đó là tân PGS Nguyễn Anh Tuấn (54 tuổi) ngành Y học và tân PGS Ngô Kim Chi (50 tuổi), ngành Hóa học.
Trong số các nhà giáo được công nhận chức danh chỉ có 3 nữ GS và 116 nữ PGS. Có 6 PGS thuộc dân tộc thiểu số, trong đó 2 người dân tộc Hoa, 3 dân tộc Tày và 1 dân tộc Thái. Mật độ phân bố các GS, PGS chưa hợp lý.
Kể từ năm 2009 đến hết 2013, số tân GS, PGS ở Hà Nội chiếm 73,17%, ở TP Hồ Chí Minh là 10,84%, ở tất cả các tỉnh và thành phố còn lại tỷ lệ chỉ chiếm 15,99%. Lực lượng CAND có 1 tân GS và 29 tân PGS…
Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng và Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trao quyết định chức danh Giáo sư cho các nhà giáo năm 2013.
Cũng theo GS Nhung, nhìn chung các tân GS, PGS ngày càng trẻ hơn. Trong 57 GS, người cao tuổi nhất là nữ nhà giáo Lê Nguyệt Nga, ngành Thể dục thể thao, 72 tuổi; người trẻ nhất là TS Trần Đình Hòa, ngành Thủy lợi (43 tuổi). PGS cao tuổi nhất là TS Lê Văn Thơm, ngành Hóa học (72 tuổi). PGS trẻ nhất là TS Lê Anh Vinh, ngành Toán học (30 tuổi).
Theo thống kê, những tân GS, PGS trẻ nhất trong 4 năm qua hầu hết nằm trong lĩnh vực Toán học, sau đó đến Vật lý và Hóa học nhưng năm nay “đổi ngôi” sang ngành Thủy lợi. GS duy nhất của ngành Toán là TS Nguyễn Văn Quảng (56 tuổi); những ngành như Luyện kim, Văn học, Cơ học, Dược học trong 5 năm qua có ít tân GS, PGS được bổ sung; ngược lại những ngành được bổ sung nhiều là Y học, Kinh tế học, Khoa học quân sự, Hóa học, Tâm lý học, Giáo dục học.
Tại lễ trao chức danh GS, PGS, đồng chí Đinh Thế Huynh đã nhiệt liệt chúc mừng các tân GS, PGS đã có nhiều thành công trong hoạt động sáng tạo, sự nghiệp khoa học, trồng người, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.
Chủ trương xét công nhận chức danh GS, PGS các nhà khoa học hiện nay đều nhằm mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học có phẩm chất và trình độ chuyên môn cao, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH.
Từ năm 1980 đến nay, qua các đợt xét chức danh GS, PGS, đã có 1.540 GS, 8.884 PGS được công nhận, là sự phấn đấu không mệt mỏi của các nhà giáo, nhà khoa học trong điều kiện đất nước còn khó khăn, trong điều kiện làm việc của các nhà khoa học cũng còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, trong số đó, GS, PGS là giảng viên cơ hữu chiếm phần lớn, chứng tỏ đội ngũ giảng dạy trong các trường đại học ngày càng nâng cao, trưởng thành và phát triển.
Đồng chí Đinh Thế Huynh cho rằng, đất nước chúng ta đang bước vào thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Để thực hiện mục tiêu cao cả nói trên, đội ngũ trí thức có vai trò rất quan trọng trong đó GS, PGS là lực lượng nòng cốt nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, góp phần xây dựng và rèn luyện thế hệ trẻ say sưa học tập, đam mê nghiên cứu khoa học để chiếm lĩnh, làm chủ tri thức công nghệ mới; đồng thời đó là những người có lòng yêu nước nồng nàn, có ý tưởng sống cao đẹp, nhiều hoài bão và quyết tâm đưa đất nước thoát khỏi đói nghèo lạc hậu, sánh vai cùng cường quốc năm châu…
Theo CAND Online
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin