Phát huy chiến quả và kinh nghiệm sử dụng chiến thuật kỳ tập kết hợp với cường tập, tiêu diệt hai chi khu quân sự - quận lỵ Cái Nước, Đầm Dơi (đêm 9 sáng 10-9-1963), ngày 23-11-1963, Bộ tư lệnh Quân khu 9 và Tỉnh đội Cà Mau quyết định mở trận tiến công Chà Là(1) - một trong những cứ điểm quân sự mạnh ở Cà Mau cũng như chiến trường miền Tây Nam Bộ của Mỹ và quân đội Sài Gòn
Phát huy chiến quả và kinh nghiệm sử dụng chiến thuật kỳ tập kết hợp với cường tập, tiêu diệt hai chi khu quân sự - quận lỵ Cái Nước, Đầm Dơi (đêm 9 sáng 10-9-1963), ngày 23-11-1963, Bộ tư lệnh Quân khu 9 và Tỉnh đội Cà Mau quyết định mở trận tiến công Chà Là(1) - một trong những cứ điểm quân sự mạnh ở Cà Mau cũng như chiến trường miền Tây Nam Bộ của Mỹ và quân đội Sài Gòn; nhằm tiêu diệt một bộ phận lớn sinh lực địch, làm chủ căn cứ, đồng thời chuẩn bị lực lượng và thế trận để sẵn sàng đánh lực lượng phản kích quy mô lớn của chúng.
Theo đó, lực lượng tham gia trận đánh được huy động và giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn U Minh Cà Mau do Tiểu đoàn trưởng Chín Tiền và Tiểu đoàn 306 do Tiểu đoàn trưởng Kiên Cường chỉ huy, được tăng cường 4 trung đội bộ binh huyện Cái Nước, tiểu đoàn cao xạ, Đại đội bộ binh Đầm Dơi và 1 phân đội ĐKZ của Quân khu, du kích các xã Tân Hưng, Tân Hưng Đông, Tân Thới, Quách Văn Phẩm và khoảng 1000 dân công phục vụ trận đánh...
Với sở trường chiến thuật và kinh nghiệm tác chiến của các đơn vị tham gia trận đánh, năng lực và trình độ chỉ huy cũng như tư duy chiến thuật, chiến dịch năng động, sáng tạo và mưu lược của đội ngũ cán bộ chỉ huy các cấp, với khí thế của ngày Nam Bộ kháng chiến, ngày 23-11-1963, chỉ trong khoảng thời gian chưa đầy 20 giờ đồng hồ liên tiếp chiến đấu với hai đối tượng - hai hình thức tác chiến khác nhau của quân đội Sài Gòn trong một trận đánh, chúng ta đã toàn thắng:
Đầu tiên là tiêu diệt cứ điểm quân sự Chà Là, loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 300 sinh lực địch, thu nhiều vũ khí và đồ dùng quân sự; tiếp đến là tổ chức đánh bại hoàn toàn lực lượng phản kích bằng đổ bộ đường không của địch, loại khỏi vòng chiến đấu thêm 300 địch quân, bắn rơi 19 máy bay các loại, trong đó có 15 trực thăng của chúng.
Đây là một trận đánh có số lượng máy bay bị bắn rơi vào hàng kỷ lục kể từ đầu cuộc chiến; làm thất bại một bước nghiêm trọng “Trực thăng vận” - một biện pháp chiến thuật trọng yếu không chỉ trong chiến lược “chiến tranh đặc biệt” mà với toàn cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Mỹ và quân đội Sài Gòn.
Do vậy, giá trị của trận đánh không phải chỉ bó gọn trong phạm vi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, mà quan trọng hơn chính là ở phạm trù nghệ thuật quân sự. Những điểm chính yếu thuộc về cách đánh “Trực thăng vận” - một số kinh nghiệm quý giá qua trận Chà Là được rút ra là:
|
Máy bay Mỹ rơi trên đồng đất Cà Mau. Ảnh tư liệu
|
Thứ nhất, hiểu rõ biện pháp chiến thuật “Trực thăng vận” của Mỹ và quân đội Sài Gòn. “Trực thăng vận” là chiến thuật tác chiến của quân đội Mỹ và quân đội Sài Gòn trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, dùng máy bay trực thăng cơ động lực lượng và tiến hành các hoạt động tác chiến, càn quét, đánh phá vùng giải phóng, giải vây, ứng cứu(2)...
Chiến thuật này được Mỹ và quân đội Sài Gòn triển khai rộng rãi trên chiến trường miền
Đối với chiến trường Đồng bằng sông Cửu Long, một địa bàn đồng lầy và sông nước, việc sử dụng máy bay trực thăng trong tác chiến là phương án tối ưu, bởi bên cạnh thế mạnh bảo đảm cho việc cơ động lực lượng, vũ khí và phương tiện quân sự nhanh chóng là khả năng quan sát phát hiện mục tiêu một cách chính xác, đó là chưa kể tới việc yểm trợ hỏa lực ưu thế của loại phương tiện chiến đấu này.
Đặc biệt, trong những “mùa nước nổi” ở khu vực chiến trường này, việc tác chiến của địch chủ yếu sử dụng chiến thuật “Trực thăng vận”. Thực tế diễn biến chiến sự trên khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong những năm đầu của “Chiến tranh đặc biệt” là minh chứng.
Tính đến trước khi ta giành thắng lợi ở Ấp Bắc (1-1963) và nhất là Chà Là (11-1963), khi chưa tìm ra phương thức đối phó hiệu quả với “Trực thăng vận”, quân và dân Đồng bằng sông Cửu Long cũng như toàn miền Nam đã phải gánh chịu những tổn thất rất nặng nề. Do vậy, vấn đề đặt ra là phải hiểu tường tận về “Trực thăng vận” mới tìm ra được cách đối phó và cách thắng được nó.
Thứ hai, chủ động dự kiến những tình huống, địa bàn đổ quân của địch, chuẩn bị lực lượng và thế trận đánh địch.
Là một biện pháp chiến thuật trọng yếu trong tác chiến của Mỹ và quân đội Sài Gòn, nhưng “Trực thăng vận” muốn phát huy tác dụng phải có những điều kiện tối thiểu cần thiết như bãi đỗ, điều kiện quan sát và cơ động lực lượng, đó là chưa kể tới yếu tố hiệp đồng với các lực lượng khác trong khu vực tác chiến.
Đây là những “kiến thức” rất cơ bản mà người chỉ huy các cấp, thậm chí đến cả những người lính đã có ít nhiều kinh nghiệm trận mạc của cả ta và địch cũng đều hiểu rõ. Tuy nhiên, việc sử dụng kiến thức này vào thực tế chiến đấu của mỗi bên là khác nhau. Cách sử dụng của bên nào tạo nên sự bất ngờ, logic, phù hợp và sáng tạo thì sẽ giành thắng lợi…
Với tư duy chiến thuật và cách thức bày binh, bố trận của người chỉ huy, ý chí, tinh thần, trình độ và kinh nghiệm kỹ chiến thuật của người lính trong trận Chà Là được chủ động chuẩn bị chu đáo, chặt chẽ là nhân tố quyết định để quân và dân Cà Mau - Khu 9 đánh thắng “Trực thăng vận”.
Thứ ba, sử dụng sáng tạo, linh hoạt các phương thức tác chiến và các loại vũ khí có trong biên chế để đánh địch.
“Trực thăng vận” là một trong những biện pháp chiến thuật cơ bản trong tác chiến đổ bộ đường không của Mỹ và quân đội Sài Gòn. “Đổ bộ đường không được tiến hành bằng nhảy dù, hạ cánh hoặc kết hợp cả hai.
Căn cứ vào tính chất nhiệm vụ tác chiến, lực lượng sử dụng và chiều sâu đổ bộ, chia ra đổ bộ đường không: Chiến lược, chiến dịch, chiến thuật và đặc chủng. Đổ bộ đường không gồm có: Chuẩn bị đổ bộ, thực hành đổ bộ và chiến đấu ở mặt đất”(3).
Theo đó, thời cơ đánh quân địch đổ bộ đường không nói chung, “Trực thăng vận” nói riêng chính là khoảng thời gian chúng bắt đầu thực hành đổ bộ và chiến đấu ở mặt đất.
Tuy nhiên, việc chọn thời điểm nào, sử dụng lực lượng ra sao, cách đánh thế nào… để đạt hiệu quả cao là một nghệ thuật.
Trong trận Chà Là - trận đánh địch đổ bộ đường không cấp chiến thuật, do thông thuộc địa bàn, dự kiến chính xác khu vực đổ bộ của địch, khai thác, tận dụng hình thái địa hình, địa vật nên ta đã hình thành được thế trận hợp lý, chặt chẽ, hình thành hệ thống lưới lửa đánh địch trên không và dưới đất nhiều tầng, hỗ trợ hiệu quả cho nhau.
Với thế trận ấy, bộ đội và du kích đã chủ động đánh địch ngay từ khi chúng vừa hạ thấp độ cao, lấy thăng bằng để tiếp đất và khi đã tiếp đất; sử dụng các tầng hỏa lực cao xạ và bộ binh để đánh khi chúng triển khai nhảy dù, khi những lính dù còn đang lơ lửng trên không và ngay khi chúng vừa tiếp đất.
Yêu cầu chiến thuật đặt ra ở đây là phải giữ được yếu tố bí mật, bất ngờ, sử dụng từng loại vũ khí đúng nguyên tắc và hiệu quả; tinh thần và ý chí quyết chiến quyết thắng của người chiến sĩ phải được phát huy cao độ.
Theo QĐND Online
(1) Cứ điểm Chà Là cách TX Cà Mau 30km theo hướng đông nam,...
(2) Bộ Quốc phòng - Trung tâm từ điển bách khoa quân sự (TĐBKQS), TĐBKQS Việt Nam, Nxb QĐND, Hà Nội, 2005, tr.1.134.
(3) Bộ Quốc phòng - Trung tâm TĐBKQS, TĐBKQS Việt
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin