Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và những câu chuyện trong lao tù

02:11, 24/11/2013

Trong những năm tháng hoạt động cách mạng, không ít lần Đại tướng Nguyễn Chí Thanh phải ra tù vào ngục. Với sự kiên cường, gan góc của ông và đồng đội, kẻ địch nhiều lần phải chùn tay, nhượng bộ…

Trong những năm tháng hoạt động cách mạng, không ít lần Đại tướng Nguyễn Chí Thanh phải ra tù vào ngục. Với sự kiên cường, gan góc của ông và đồng đội, kẻ địch nhiều lần phải chùn tay, nhượng bộ…

Bẽ mặt quan tòa

Tháng 9 năm 1938, chấp hành chỉ thị của Xứ ủy Trung Kỳ, tỉnh ủy Thừa Thiên do đồng chí Nguyễn Chí Thanh làm Bí thư Tỉnh ủy, đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh làm thất bại dự án tăng thuế của thực dân Pháp và chính quyền Nam triều phong kiến.

Sau khi dự án tăng thuế thất bại, địch bắt Nguyễn Chí Thanh và một số lãnh đạo của phong trào, giam ở nhà lao Thừa Phủ. Sau đó, chúng đưa ông ra xét xử. Quan tòa là tuần phủ đã hỏi ông rằng:

- Tại sao làm cộng sản?

Nguyễn Chí Thanh nói lớn:

- Tôi đấu tranh cho dân tộc, dân chủ, dân sinh, thế có tội à? Tôi chưa hiểu cộng sản là gì thì làm cộng sản sao được.

Mọi người dự phiên tòa đều ồ lên, bởi chưa bao giờ họ được nghe bị cáo nào nói năng cứng cỏi như thế.

Quan tòa tiếp tục lên giọng:

- Cộng sản gì các anh? Cộng sản cơm.

Nguyễn Chí Thanh “đốp” ngay tức thì:

- Dân đói thì đòi cơm, có gì là xấu. Các quan đã có nhiều rượu thịt.

Quan tòa xua tay:

- Ở đây không được nói láo.

Mọi người lại tiếp tục cười ồ lên. Nguyễn Chí Thanh lại nói to:

- Các ông bắt tôi vì lẽ gì?

- Vì chứa sách báo cộng sản, quan tòa quát lớn.

- Sách báo cộng sản là từ nước Pháp sang. Thế thì tòa kết tội cả chính phủ Pháp hay sao? Nguyễn Chí Thanh “vặn” lại quan tòa.

Bị bẽ mặt trước một bị cáo lý luận sắc sảo, cứng rắn, quan tòa đỏ mặt đập tay xuống bàn quát to:

- Im! Tòa kết án anh 2 năm tù. Cả mấy anh kia cũng thế!

Và phiên tòa kết thúc ngay sau đó…

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh truyền đạt chỉ thị của Trung ương Đảng tại lớp tập huấn cán bộ chính trị tập kết ra Bắc, năm 1954. Ảnh tư liệu.

“Hò lả” để cứu bạn tù

Sau một thời gian đồng chí Nguyễn Chí Thanh bị kết án tù, đồng chí Lê Chưởng, Xứ ủy viên Xứ ủy Trung Kỳ cũng bị địch bắt và tra tấn dã man, nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời có thể bị chết.

Nguyễn Chí Thanh, khi đó là Bí thư chi bộ nhà tù, bàn với chi bộ phải tổ chức đấu tranh. Ông cho rằng, nếu “hò lả” làm náo động cả thành phố Huế, ắt bọn cai tù sẽ phải chùn tay.

Thực hiện kế hoạch đã vạch ra, cứ sau tiếng hô “Một, hai, ba”, mọi người lại đồng thanh hô lớn: “Chống khủng bố! Chống tra tấn! Chống đánh đập tù nhân! Bảo vệ Lê Chưởng”.

Tiếng hò la từ nhà lao Thừa Phủ làm náo động dư luận cả thành phố Huế, khiến địch phải hoảng hốt đối phó. Chúng dùng vòi rồng xịt vào những tù nhân hô to. Vậy nhưng địch thôi xịt, mọi người lại tiếp tục la lớn.

Thay vì dùng vòi rồng, địch dỡ ván sàn bằng gỗ lim lao thẳng vào tù nhân. Với “đòn hiểm” này, tù nhân có thể mất mạng nếu ván sàn lao trúng người. “Vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, Nguyễn Chí Thanh cùng chi bộ bàn bạc rồi sử dụng “chiến thuật” người khỏe đứng trước, người yếu đứng sau, lấy chăn xếp thành “tường thành” ở phía trước.

Sau 3 ngày, tuy một số đồng chí bị thương, nhưng tinh thần đấu tranh của  tù nhân vẫn không hề chùng xuống. Ngoài phố, dư luận về việc binh lính nhà tù đàn áp tù nhân đã lên cao, thế nên địch phải chùn tay. Chúng tuyên bố không đánh đồng chí Lê Chưởng nữa mà chỉ biệt giam.

Tuy nhiên, sau vụ việc này, địch cay cú đưa Nguyễn Chí Thanh và mấy người chúng gọi là “đầu sỏ” ra tòa, tuyên mỗi người lĩnh thêm 6 tháng tù và đày đi Lao Bảo.

“Tuyệt thực, tuyệt ẩm” để đấu tranh

Đến Lao Bảo, Nguyễn Chí Thanh bị nhốt cùng 40 tù nhân khác trong một căn hầm dài vài chục mét, nằm sâu dưới lòng đất, chỉ có mấy cửa sổ nhỏ để thông hơi; nền đất ẩm ướt, lưu cữu cả phân người.

Đã thế, cai ngục còn bắt anh em tù ăn cơm với cá thối, chân luôn bị xiềng kể cả lúc đi làm cũng như khi ngủ. Mỗi sáng điểm danh, chúng lại gõ gậy lên đầu từng người một. Thêm nữa, bệnh tật luôn tiềm ẩn, phát sinh, đặc biệt là bệnh sốt rét.

Trước tình hình ấy, Nguyễn Chí Thanh họp bàn phải đấu tranh quyết liệt nhưng phải giảm tổn thất mà vẫn hiệu quả.

Ông đề xuất biện pháp tuyệt thực (nhịn ăn) và tuyệt ẩm (nhịn uống). Ngay ngày đầu đấu tranh bằng phương pháp này, địch đàn áp quyết liệt tù nhân bằng roi và báng súng. Vậy nhưng, anh em tù vẫn kiên quyết không lùi bước.

Nhịn ăn đã khó, nhưng nhịn uống còn khó bội phần. Tù nhân phải lấy chăn dầm xuống nơi trũng nhất của hầm còn đọng nước, rồi vắt chăn để từng giọt nước rơi vào miệng những người có nguy cơ chết khát.

Rồi 14 ngày tuyệt thực, tuyệt ẩm cũng qua đi nhờ sự kiên trì và quyết tâm cao độ của Nguyễn Chí Thanh và đồng đội. Tin tù nhân Lao Bảo tuyệt thực, có nguy cơ bị chết đã lan về thành phố Huế, tiếp tục tạo nên tiếng vang lớn trong dư luận, khiến địch chùn bước và cuộc đấu tranh của tù nhân Lao Bảo thắng lợi.

Địch buộc phải tuyên bố không đánh đập tù nhân nữa, cho nhận thư từ và cho ăn cơm tử tế. Cũng như lần đấu tranh trước đây ở nhà lao Thừa Phủ, lần này địch đày Nguyễn Chí Thanh cùng 4 người nữa về Buôn Ma Thuột.
 
Đến năm 1941, ông cùng một số đồng chí khác đã vượt ngục thành công, trở về thành lập Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Thừa Thiên và ra sức xây dựng cơ sở cách mạng ở nhiều nơi trong tỉnh.

Theo QĐND Online

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh