Kiềm chế gia tăng của tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự

06:11, 03/11/2013

“Nói Công an hiểu dân, dựa vào dân không phải lý thuyết mà là từ những việc cụ thể. Đơn cử như vụ người dân Cần Giờ, TP HCM kiến nghị Công an Hải Dương bồi thường thiệt hại vụ bắt giữ 2 tấn bạch tuộc, lãnh đạo Bộ Công an đã có chỉ đạo Công an Hải Dương xử lý hết sức kịp thời, thấu tình đạt lý. Việc đó thể hiện cán bộ lãnh đạo biết lắng nghe, biết cầu thị, thấu hiểu lòng dân

“Nói Công an hiểu dân, dựa vào dân không phải lý thuyết mà là từ những việc cụ thể. Đơn cử như vụ người dân Cần Giờ, TP HCM kiến nghị Công an Hải Dương bồi thường thiệt hại vụ bắt giữ 2 tấn bạch tuộc, lãnh đạo Bộ Công an đã có chỉ đạo Công an Hải Dương xử lý hết sức kịp thời, thấu tình đạt lý. Việc đó thể hiện cán bộ lãnh đạo biết lắng nghe, biết cầu thị, thấu hiểu lòng dân chứ thông thường những việc như vậy trong xã hội rất hiếm khi được xử lý kịp thời” - PGS, TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng, ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội chia sẻ bên lề kỳ họp Quốc hội.

PGS.TS đại biểu Quốc hội Bùi Thị An trao đổi với PV Báo CAND

Đại biểu Bùi Thị An cho biết, sau khi nghe báo cáo công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm do Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang trình bày trước Quốc hội, các đại biểu đã thảo luận ở tổ, ghi nhận tính sâu sát, cụ thể của báo cáo cũng như vai trò, nỗ lực của lực lượng Công an...

PGS, TS Bùi Thị An nói: Hiện nay, tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, cơ quan Công an đã có rất nhiều nỗ lực, nhất là việc điều tra, làm rõ các vụ án hình sự nguy hiểm, các vụ kinh tế, tham nhũng lớn...

Khám phá vụ án tham nhũng lớn thể hiện năng lực, trách nhiệm cao

- Trong việc khám phá các vụ án tham nhũng lớn, bà có chia sẻ gì?

Tôi đánh giá rất cao vai trò cơ quan Công an trong điều tra tội phạm tham nhũng. Bởi chúng ta biết, các vụ tham nhũng lớn liên quan cán bộ có chức quyền, tồn tại trong nhiều năm, có nhiều thủ đoạn tinh vi để đối phó, rất nhiều mánh khóe để can thiệp nên việc phát hiện, điều tra những vụ án như vậy là vô cùng khó.

Vậy nhưng cơ quan điều tra Công an các cấp đã điều tra, làm rõ hành vi, tội trạng từng đối tượng để các cơ quan tiến hành tố tụng xử lý trước pháp luật. Điều đó thể hiện năng lực, trách nhiệm rất cao của cơ quan Công an.

Thấy được cái tinh vi, phức tạp của tội phạm càng hiểu được vai trò, nỗ lực của lực lượng Công an. Chính vì việc phát hiện được những vụ tham nhũng lớn, nghiêm trọng, phức tạp không những để có chế tài xử lý nghiêm khắc những kẻ phạm tội, đục khoét của dân mà còn có ý nghĩa quan trọng trong răn đe, phòng ngừa chung, củng cố niềm tin trong nhân dân.

- Với các mô hình phòng, chống tội phạm, tại các địa phương đã có sáng kiến phát huy hiệu quả, như mô hình 141 tại Hà Nội?

Đúng như vậy, đã có các sáng kiến, giải pháp phòng, chống tội phạm, các mô hình mới, có hiệu quả như lập tổ công tác 141, những mô hình áp dụng ở các vùng, địa phương như diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến nhân dân”, mô hình phòng chống tội phạm liên kết giữa các cơ quan, đoàn thể ở địa phương...

Ta biết, tội phạm diễn biến phức tạp, nảy sinh nhiều loại tội phạm mới, hoạt động tinh vi, nguy hiểm thì việc áp dụng các mô hình như trên rất có ý nghĩa, đáng nói là các mô hình đó nảy sinh nhờ bám sát thực tiễn chứ không áp dụng máy móc.

Triển khai các tổ công tác 141, Công an TP Hà Nội đã nâng cao hiệu quả phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm. Ảnh: Trần Huy.

Bộ trưởng đã trả lời thẳng thắn câu hỏi của tôi

- Là đại biểu có nhiều chất vấn dành cho các Bộ trưởng, bà có chia sẻ gì từ góc nhìn đại biểu Quốc hội?

Năm ngoái, tôi có đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Trần Đại Quang về một số tồn tại, tiêu cực trong lực lượng Công an. Khi đó, Bộ trưởng đã trả lời rất thẳng thắn, trách nhiệm, chỉ rõ các tồn tại, thiếu sót, đồng thời đã nêu ra các giải pháp mà tôi cho đến nay đã phát huy rất có hiệu quả.
 
Tôi cũng nói thêm rằng, trên cương vị Bộ trưởng, đồng chí Trần Đại Quang đã tập trung củng cố mô hình, tổ chức trong CAND từ Bộ đến địa phương, rà soát lại để sắp xếp, kiện toàn hợp lý nhất.

Đặc biệt, Bộ trưởng đã có những chỉ đạo sâu sát, cụ thể, nhất là những vụ việc liên quan đến Công an mà dư luận xã hội quan tâm. Từ những việc làm đó, hình ảnh người Công an càng thể hiện đậm nét trong lòng dân.

- Về phương diện đại biểu, bà nhìn nhận gì từ việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về lĩnh vực phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm của Bộ trưởng Trần Đại Quang?

Trong những trả lời, cam kết trước Quốc hội và cử tri, tôi thấy đồng chí đã thực hiện hiệu quả rất nhiều nội dung.

Tất nhiên, cử tri cũng thông cảm rằng, vấn đề gì cũng phải có quá trình chứ không phải làm ngày một, ngày hai được, nhất là trong điều kiện hiện nay, có rất nhiều nguyên nhân xã hội nảy sinh tội phạm mà để phòng ngừa, ngăn chặn được đòi hỏi sự chung sức của cả cộng đồng chứ không riêng gì Bộ Công an.

Nhưng với chức trách của mình, đồng chí đã thể hiện vai trò người điều hành, chỉ đạo sâu sát. Đồng chí cũng thể hiện cương quyết trong việc làm trong sạch nội bộ, xử lý, loại bỏ những cá nhân có hành vi tiêu cực, vi phạm luật pháp, kiên quyết trước những hành vi, hiện tượng làm xấu hình ảnh người chiến sĩ Công an. Tôi tin rằng, trong thời gian tới, đồng chí sẽ tiếp tục thể hiện tốt chức trách này.

Nói được những điều mà xưa nay ít người dám nói, dám nhìn thẳng

- Nghị quyết 37 của Quốc hội đã nêu những chỉ tiêu cụ thể trong điều tra, khám phá án cũng như các giải pháp phòng chống tội phạm. Sau 1 năm thực hiện, đối chiếu với báo cáo do Bộ trưởng Trần Đại Quang trình bày trước Quốc hội hôm 28-10, bà có nhận xét gì?

Những việc làm thiết thực càng tô đậm hình ảnh người Công an trong lòng dân.

Nghị quyết của Quốc hội đã đưa ra các tiêu chí cụ thể như tỷ lệ khám phá án, khám phá trọng án, tỷ lệ xử lý tố giác, tin báo về tội phạm...

Đối chiếu với báo cáo do Bộ trưởng Trần Đại Quang trình bày trước Quốc hội cũng như từ thực tiễn, tôi thấy các chỉ tiêu đề ra cơ bản đạt được, nhiều chỉ tiêu đạt cao. Báo cáo vừa rồi đồng chí Bộ trưởng trình bày trước Quốc hội đã thể hiện rất đầy đủ, đã nêu rõ những nhóm tội phạm được điều tra, khám phá đạt tỷ lệ cao.

c biệt, tôi thấy đồng chí đã nêu được vấn đề mà xưa nay rất ít người dám nói, dám nhìn thẳng, đó là hiện tượng “bảo kê”. Điều quan trọng là khi đã thẳng thắn nhìn nhận và định ra được những nguyên nhân thì sẽ có các giải pháp thích hợp.

Đành rằng, ngành Công an sẽ còn nhiều vất vả bởi tội phạm ngày càng tinh vi, lợi dụng khoa học, kỹ thuật để đối phó. Cơ quan Công an đã nghiêm túc rà soát, loại trừ những “con sâu”, làm trong sạch đội ngũ, đó là điều rất tích cực.

- Chất vấn tại Quốc hội cũng như phản ánh của cử tri, báo chí thường đề cập hiện tượng tiêu cực, mãi lộ trong bộ phận CSGT, rồi thái độ ứng xử của một số cán bộ Cảnh sát QLHC... Bà nhìn nhận gì từ việc chấn chỉnh, khắc phục hiện tượng này trong lực lượng Công an?

Một số lĩnh vực như trong CSGT còn hiện tượng mãi lộ, phạt không đúng, rồi thái độ, hành vi ứng xử của một số cán bộ, chiến sĩ Công an...

Những điều đó, các đồng chí đã thẳng thắn nhìn nhận và công khai hình thức xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng, các đồng chí lãnh đạo đã quan tâm, có các chỉ đạo quyết liệt. Hay như mới đây tại Công an Từ Liêm, Hà Nội có hai chiến sĩ tham gia đánh chết người, Công an Hà Nội đã xử lý kịp thời, tôi cho những việc xử lý kịp thời, nghiêm minh như vậy là rất cần thiết bởi ở đâu cũng vậy, có người này, người kia, chuyện này, chuyện nọ, nhưng người lãnh đạo, chỉ huy phải nghiêm khắc, sai đúng phải làm rõ để xử lý, răn đe chung. Tôi cũng mong rằng, cơ quan Công an cần tiếp tục công khai việc xử lý các trường hợp sai phạm và cử tri rất công bằng trong đánh giá...

- Nhiều vụ việc dư luận phản ánh đã được lãnh đạo Bộ Công an quan tâm, chỉ đạo xử lý kịp thời, chẳng hạn như...

Như vụ Công an Hải Dương bắt giữ 2 tấn bạch tuộc của người dân Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh... Tôi nghĩ đó là một trong những việc làm rất đáng ghi nhận, thể hiện cán bộ cấp cao dù bận nhiều công việc nhưng luôn sâu sát, lắng nghe nhân dân.

Đó là sự cầu thị, tôn trọng người dân, thấu hiểu những vất vả, khó khăn của người dân cũng như thẳng thắn nhìn nhận những việc làm chưa đúng của cơ quan công quyền, từ đó yêu cầu chấn chỉnh, xử lý kịp thời.

Việc làm cụ thể đó đã thực sự chia sẻ khó khăn với người dân, đồng thời đã tạo hiệu ứng rất tốt trong dư luận. Chứ nhiều khi những hiện tượng như vậy trong xã hội rất hiếm khi được xử lý nhanh chóng, bởi nếu cứ tranh luận đúng sai, rồi ra tòa hành chính phán xét đền bù... thì người dân cũng không đủ sức mà theo.

Khi cơ quan hành pháp biết lắng nghe dân, rồi sửa sai, đấy là dấu hiệu rất tích cực. Ngay một số văn bản pháp luật hay quy định trong ngành, khi dư luận phát hiện có bất cập, sai sót đã được tiếp thu, chỉnh sửa ngay. Đó là điều rất tốt.

Báo cáo đã nêu bật được tính chất, tình hình tội phạm, các giải pháp

Cho ý kiến tại tổ, đại biểu Giàng Páo Mỷ, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu khẳng định, việc khám phá, bóc gỡ những vụ án lớn về ma túy, hình sự, kinh tế, tham nhũng cho thấy sự quyết tâm cũng như năng lực, trình độ của cơ quan Công an, bởi điều tra, làm rõ những vụ án này rất phức tạp, đòi hỏi nghiệp vụ và phẩm chất. Đại biểu Mỷ cho rằng, báo cáo về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm do Bộ trưởng Trần Đại Quang trình bày trước Quốc hội đã nêu bật được tình hình tội phạm, tính chất, nguyên nhân cũng như đưa ra các giải pháp hữu hiệu.

Theo ông, hiện nay, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm ngày càng diễn biến phức tạp, tinh vi hơn, đặc biệt là tội phạm về ma túy, tài nguyên môi trường, vi phạm trật tự quản lý kinh tế…

Nhiều vụ việc đã được phát hiện và thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri. Năm 2013 số vụ án và số bị cáo được Tòa án nhân dân các cấp đưa ra xét xử tăng hơn so với cùng kỳ năm trước. Công tác phòng ngừa vi phạm không phải việc riêng của cơ quan Công an mà có trách nhiệm của các cấp, các ngành…

Đại biểu đề nghị, thời gian tới cần tăng cường công tác chỉ đạo, công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng cán bộ cả về chuyên môn và tinh thần đạo đức nghề nghiệp; tăng tỷ lệ cán bộ tư pháp là người dân tộc thiểu số; kiên quyết xử lý các cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất…

Khám phá án đạt tỷ lệ cao, khẳng định rõ năng lực, trình độ nghiệp vụ

Đại biểu Hoàng Văn Thượng (Cao Bằng) ghi nhận những kết quả đạt được của cơ quan tư pháp, trong đó có cơ quan Công an, nhất là việc kiềm chế được nhiều loại tội phạm, nâng cao tỷ lệ điều tra, khám phá án.

Nhiều vụ trọng án được cơ quan Công an khám phá nhanh, cho thấy nghiệp vụ, nỗ lực của cơ quan điều tra. Ông cho rằng, trong năm 2013, công tác phòng chống tham nhũng đã được quan tâm nên tình hình tham nhũng có chiều hướng giảm đáng kể; công tác tuyên truyền, phổ biến được quan tâm chú trọng.

Chính phủ đã có nhiều giải pháp để ngăn chặn tình trạng tham nhũng như tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; rà soát công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ công chức, viên chức; nhiều vụ việc tham nhũng đã được đưa ra xét xử. Bộ Công an cũng đã tăng cường công tác điều tra, khám phá án.

Tuy nhiên, việc xây dựng và hoàn thiện thể chế chưa kịp thời; các văn bản được ban hành vẫn còn chồng chéo, gây khó khăn cho quá trình thực hiện, nhất là trong lĩnh vực xây dựng, kiểm soát tài sản thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu chưa quan tâm đúng mức…

Vì vậy, đề nghị bổ sung thêm nội dung về công tác phòng chống tội phạm về tham nhũng vào Nghị quyết về công tác phòng, chống tội phạm trong năm 2014.

“Năm ngoái, tôi có đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Trần Đại Quang về một số tồn tại, tiêu cực trong lực lượng Công an. Khi đó, Bộ trưởng đã trả lời rất thẳng thắn, trách nhiệm, chỉ rõ các tồn tại, thiếu sót, đồng thời đã nêu ra các giải pháp mà tôi cho đến nay đã phát huy rất có hiệu quả...

Đặc biệt, Bộ trưởng đã có những chỉ đạo sâu sát, cụ thể, nhất là những vụ việc liên quan đến Công an mà dư luận xã hội quan tâm. Từ những việc làm đó, hình ảnh người Công an càng thể hiện đậm nét trong lòng dân”.

(PGS, TS Bùi Thị An)

Theo CAND Online

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh