Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành kiên quyết hơn trong việc cân đối thu chi ngân sách

03:11, 02/11/2013

Đó là ý kiến đề nghị của nhiều đại biểu (ĐB) tại buổi thảo luận về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2013; dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2014 và Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015 vào sáng nay 2/11/2013.

Đó là ý kiến đề nghị của nhiều đại biểu (ĐB) tại buổi thảo luận về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2013; dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2014 và Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015 vào sáng nay 2/11/2013.

Đa số ĐB đồng tình việc Chính phủ phát hành trái phiếu để tăng đầu tư cho nông nghiệp, giáo dục và y tế khu vực miền núi còn nhiều khó khăn.

Các ĐB nhất trí với phương án của Chính phủ về mức tăng bội chi ngân sách năm 2013 lên 5,3%. Đồng thời tán thành mức tăng bội chi ngân sách của Chính phủ trong năm 2013 và kế hoạch năm 2014 là từ 4,8 % lên 5,3%.

Các ĐB đề nghị, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành
kiên quyết hơn trong việc cân đối thu chi, chỉ rõ địa chỉ có thể làm tăng thu và giảm chi ngân sách; tránh tình trạng thu không đủ chi nhưng vẫn còn chi tiêu công lãng phí.

Các ĐB tán thành việc Chính phủ phát hành thêm 170 ngàn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ. Song, ĐB yêu cầu Chính phủ làm rõ kế hoạch trả nợ của trái phiếu Chính phủ; tiền từ gói này sẽ chi vào những chỗ nào nhất là trong mục "chi cho các dự án dỡ dang" và đề nghị Chính phủ nêu rõ danh sách cụ thể để ĐB xem xét.

Sau đây là ý kiến phát biểu của Trưởng đoàn ĐB Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long- Đặng Thị Ngọc Thịnh tại hội trường về nội dung trên:


Sớm cụ thể hóa đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp thành các chính sách khả thi và đi vào cuộc sống

Về dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2014

Tôi nhất trí với báo cáo của Chính phủ và đồng tình với nguyên tắc phân bổ Ngân sách 2014 như Chính phủ trình. Trong đó, bố trí kinh phí các chương trình mục tiêu quốc gia ưu tiên cho chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.

Riêng chương trình dạy nghề và việc làm cần được đánh giá tính hiệu quả thực chất và cân nhắc thêm tính ưu tiên cho chương trình này.

Về phương án phân bổ dự toán chi ngân sách Trung ương năm 2014, dù khả năng cân đối rất khó khăn nhưng chúng tôi đồng tình dành tăng chi cho các lĩnh vực đặc biệt quan trọng như quốc phòng- an ninh, biên giới, biển đảo và một số chính sách an sinh xã hội.

Riêng về lĩnh vực y tế, đồng tình tăng chi so với năm 2013, song với tỷ lệ tăng chi 1,1% so với năm 2013 tôi đề nghị nên tính toán tăng thêm cho lĩnh vực này vì hiện nay nhiều vấn đề quá bức xúc và quá tải trong việc khám và điều trị bệnh ở các bệnh viện, nhất là việc thiếu giường bệnh.

Nhân đây, tôi cũng đề nghị ngành y tế ngoài tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực y tế, cần quan tâm thanh kiểm tra một khâu tiêu tốn ngân sách rất lớn và cũng dễ gây tiêu cực đó là việc mua sắm các trang thiết bị y tế (như dư luận vừa qua nói: nơi cần không có, nơi có không cần).

Đồng thời, tiếp tục quan tâm cải tiến và cải thiện việc khám chữa bệnh theo chế độ BHYT, nhất là cho đối tượng nghèo, cận nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi.

Về chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2011-2015

Chúng tôi rất mừng khi Chính phủ đã có quyết định phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đề án này rất quan trọng đối với định hướng tái cơ cấu nông nghiệp cho các địa phương.

Chúng tôi đề nghị Bộ NN và PTNT và các ngành sớm cụ thể hóa thành các chính sách khả thi và đi vào cuộc sống. Trong đó, sẽ lựa chọn những vấn đề bức xúc làm ngay trong năm 2014.

Trước mắt, để các chính sách của Nhà nước cho nông nghiệp, đặc biệt là cho người nông dân được hưởng lợi trực tiếp, chúng tôi đề nghị Chính phủ nâng mức hỗ trợ trực tiếp cho người có đất trồng lúa 500.000 đ/ha hiện nay nâng lên 3-4 lần. Làm được điều này sẽ tạo động lực lớn cho nông dân.

Chúng tôi đồng tình với tờ trình của Chính phủ về bố trí ngân sách 15.000 tỷ đồng cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, việc phân bổ này phải tính đến thực tế là hiện nay tất cả các đại phương đều chọn các xã điểm để phấn đấu đạt 20% số xã nông thôn mới đến năm 2015 theo Nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp. Hiện nay, tất cả đều trông chờ nguồn lực, đặt biệt từ nguồn kinh phí cho công trình để đạt các chỉ tiêu này.

Tôi đề nghị nguồn kinh phí này nên dành tỷ lệ thích đáng và bố trí cao hơn trong năm 2014 tập trung cho các xã điểm trong số 20% xã đã và đang phấn đấu đạt xã nông thôn mới vào năm 2015.

Riêng về phía tỉnh Vĩnh Long, chúng tôi rất cân nhắc khi nói lên vấn đề này. Vĩnh Long là tỉnh có mật độ dân số cao (700 người/km2 ), cơ bản hiện nay vẫn là tỉnh thuần nông.

Những năm qua, dù có nhiều khó khăn song tỉnh vẫn nỗ lực phát triển, cố gắng thu ngân sách đạt và phấn đấu không nằm trong top 20 tỉnh nộp ngân sách thấp nhất. Là địa phương không có những đặc thù riêng và luôn là tỉnh trong top 5 địa phương phân bổ dự toán chi thấp nhất hàng năm.

Và cũng từ xuất phát điểm thấp cùng với đặc điểm của tỉnh nên các nguồn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương đối với tỉnh cũng rất thấp (nếu không tính việc phân bổ cho các tỉnh đã tự cân đối được ngân sách thì Vĩnh Long được phân bổ nguồn này là thấp nhất cả nước).

Đơn cử như chương trình giảm nghèo bền vững năm 2013, tỉnh được phân bổ 350 triệu đồng. Năm 2014, dự kiến phân bổ 150 triệu đồng (ít hơn 800 lần so với tỉnh cao nhất và ít hơn 200 lần so với tỉnh trong khu vực).

Chúng tôi muốn nói lên điều này để Chính phủ và các bộ, nhất là Bộ Kế họach và Đầu tư, Bộ Tài chính cần rà soát lại việc tham mưu phân bổ ngân sách, đặc biệt là phân bổ các chương trình hỗ trợ có mục tiêu một cách hợp lý hơn, không phải cho riêng Vĩnh Long mà là chung cho các tỉnh, nhất là các tỉnh còn nhiều khó khăn.

THÚY QUYÊN (ghi)


Tin, ảnh: THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh