“Thanh niên là rường cột nước nhà”- điều đó đã được Đảng và Bác Hồ khẳng định từ lâu. Sau này đã được các cấp chính quyền, các ngành hữu quan thể chế hóa thành các chủ trương chính sách, các biện pháp tổ chức thực hiện quan điểm đúng đắn ấy của Đảng và Bác Hồ
“Thanh niên là rường cột nước nhà”- điều đó đã được Đảng và Bác Hồ khẳng định từ lâu. Sau này đã được các cấp chính quyền, các ngành hữu quan thể chế hóa thành các chủ trương chính sách, các biện pháp tổ chức thực hiện quan điểm đúng đắn ấy của Đảng và Bác Hồ.
Có điều những năm gần đây, trong giới trẻ xuất hiện một số hiện tượng không tốt làm cho xã hội hiểu về tuổi trẻ chưa nhất quán nhau.
Cái được, cái tốt của tuổi trẻ xưa nay đã quá rõ. Người cầm súng đánh Tây đuổi Mỹ cũng là tuổi trẻ. Người bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc cũng là tuổi trẻ.
Trên các công trường, nông trường, nhà máy xí nghiệp, nơi khó khăn gian khổ của đất nước, tuổi trẻ cũng là người đứng đầu sóng ngọn gió. Sự hy sinh xương máu trong công cuộc chống kẻ thù xâm lược phần lớn cũng là tuổi trẻ… Những điều nêu trên đã khẳng định tuổi trẻ chính là rường cột nước nhà xưa cũng như nay.
Nhưng tại sao gần đây có những chỗ tuổi trẻ “bị mất điểm”: Nào là bạo lực học đường, vi phạm pháp luật ngày càng tăng, một số xao nhãng mục tiêu lý tưởng cách mạng… điều đó cần đưa ra mổ xẻ.
Nhưng cái cần mổ xẻ mà nhiều người dễ thấy đó là: tuổi trẻ thời cắp sách đến trường thì trách nhiệm của nhà trường dìu dắt dạy dỗ, rồi gia đình và xã hội cũng có trách nhiệm; nhưng khi xảy ra những sai sót yếu kém của tuổi trẻ thì trách nhiệm của 3 bộ phận ấy ở mức độ nào.
Có lẽ đây là vấn đề cốt lõi trong cách phối hợp giữa 3 bộ phận trong giáo dục tuổi trẻ ở học đường chưa ăn nhịp, hiệu quả không cao, đặc biệt là thiếu nhạc trưởng.
Lúc còn nhỏ các cháu có Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, lớn lên có Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Nhìn chung, các cháu có tổ chức, có chỗ đứng, có người lãnh đạo, quản lý nhưng khi các cháu có sai phạm thì dường như các vị lãnh đạo quản lý ấy, các tổ chức ấy không thấy trách nhiệm cụ thể của mình.
Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp là người có trách nhiệm trùm phủ nhất trong lĩnh vực chăm sóc dạy dỗ các cháu, nhưng sai trái các cháu cứ diễn ra mà đảng bộ và chính quyền đoàn thể các cấp gần như bó tay! Trước thực tế đó, có một số người kể cả cán bộ lãnh đạo, đảng viên mất lòng tin với tuổi trẻ, có người chê trách lắm lời.
Nhưng sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần cũng là dịp chúng ta cần đánh giá lại đúng bản chất tuổi trẻ hôm nay. Biết bao hình ảnh tuổi trẻ tự giác tự nguyện gìn giữ trật tự để người dân đến viếng ông tại nhà riêng. Biết bao người trẻ mang di ảnh Đại tướng diễu hành trên đường nước mắt ràn rụa…
Báo Quân đội nhân dân ra số 929 có bài của Mai Nam Thắng có đoạn: “...Và đặc biệt, những thái độ tình cảm và việc làm của các cháu thiếu nhi, của học sinh, sinh viên, thanh niên tình nguyện… trong những ngày đại tang vừa qua cho thấy: Khi thế hệ trẻ biết trân trọng những giá trị lịch sử của cha ông; biết yêu kính, noi theo những tấm gương đạo đức cách mạng, thì họ sẽ là điểm tựa vững chắc cho Tổ quốc trường sinh và phát triển. Nhất định thế hệ trẻ sẽ làm nên những Điện Biên Phủ trong thời đại mới”.
Từ những vấn đề nêu trên, thiết nghĩ chúng ta cần tỉnh táo đánh giá đúng bản chất tuổi trẻ trong thời đại hiện nay, không được nhìn qua hiện tượng mà đánh giá một cách hời hợt. Và một vấn đề không thể thiếu, không thể lơ là mà đòi hỏi đảng bộ chính quyền các cấp, các cơ quan hữu trách quan tâm đầy đủ hơn nữa để tiếp tục phát huy vai trò tuổi trẻ mãi mãi là rường cột nước nhà.
NGUYỄN THANH LIÊM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin