Kỳ cuối: Xây dựng nông thôn mới

12:09, 06/09/2013

Xã Hòa Hiệp thực sự còn nhiều khó khăn. Nhưng, điểm nổi bật chính là đức tính vượt khó của con người, trên quê hương Hòa Hiệp giàu truyền thống. Rất nhiều mô hình làm ăn, đã biến những gia đình phải đi xa làm mướn, trở thành những chủ nhân của cánh đồng “trăm triệu”.

>> Kỳ 1: Vùng đất anh hùng

Xã Hòa Hiệp thực sự còn nhiều khó khăn. Nhưng, điểm nổi bật chính là đức tính vượt khó của con người, trên quê hương Hòa Hiệp giàu truyền thống. Rất nhiều mô hình làm ăn, đã biến những gia đình phải đi xa làm mướn, trở thành những chủ nhân của cánh đồng “trăm triệu”.

Quê hương của “ông Phật làm súng”, đang từng ngày thay da, đổi thịt.

Đổi đời trên vùng đất khó

Về Ấp 9, thăm ruộng bắp của cựu chiến binh Lê Văn Nào (62 tuổi), trên diện tích 5 công mà có đến 4 lứa bắp cao, thấp khác nhau. Đó là cách làm hay theo kiểu “ăn chắc, mặc bền”. Chuyện làm rẫy của ông giống hệt như chuyện đánh giặc năm xưa, cũng phải lên phương án, tính toán cẩn thận, nên “đánh là phải thắng”. Ông cười khà khà, gương mặt rạng ngời bên rẫy bắp.


Ông Lê Văn Nào (trái) đang giải thích kỹ thuật trồng bắp với một nông dân cùng xóm.

“Muốn đưa cây màu xuống ruộng, trước tiên phải là đất gò cao và phải chủ động được nguồn nước. Cho nên, 5 công đất nhà liền kề với 5 công đất của anh sui và chú Hữu Bình cùng xóm được 3 người hợp sức lên bờ bao, rồi phân chia nhau người trồng bắp, còn người trồng dưa hấu”- Chú Nào giải thích thêm, mình phải “phân tán nhuyễn” sản phẩm để chủ động đầu ra.

Ngay như rẫy bắp cũng không thu hoạch một lượt, mà cứ bán từ từ từng đợt. Vừa bán cho lái, vừa chừa lại bán lẻ cho bà con, sẽ không bị ép giá. Theo chú thì hiệu quả trồng màu, có lời ít nhất cũng gấp 3 lần trồng lúa. Còn xung quanh nhà, chú nuôi 70 con vịt xiêm đẻ, mỗi tháng bán vịt con cũng kiếm thêm 3- 4 triệu đồng.

Ở Hòa Hiệp cũng có nhiều trường hợp, “ôm đất” trong tay mà phải chịu cảnh khó khăn, đến nỗi ly hương làm thuê kiếm sống. Nhưng nhờ sự vận động và hỗ trợ của Hội Nông dân, họ đã biết cách “làm cho đất đẻ ra tiền”.

Đó là trường hợp của các anh: Lê Văn Út (48 tuổi), Nguyễn Văn Bảy (46 tuổi), cùng ở Ấp 10. Anh Út cho biết: 5 công đất trồng dưa hấu, sau khi trừ chi phí khoảng 18 triệu đồng, thì còn lời cũng gần 65 triệu đồng. Cứ mỗi năm 2 vụ dưa, là có dư trên trăm triệu rồi. Nhớ lại thời gian trước đây bỏ đất đi làm mướn xa nhà, vừa thấy tiếc, vừa thấy ngán vì vất vả mà nghèo vẫn hoàn nghèo.

Nông dân Trương Ngọc Nở (56 tuổi) ở Ấp 7, có thu nhập mỗi năm tròm trèm 150 triệu đồng, từ mô hình VAC-R. Còn anh Lê Văn Nhịn ở Ấp 8, ngoài làm ruộng còn chịu khó cải tạo lại cái mương sau nhà nuôi tôm, cũng tăng thêm thu nhập hàng chục triệu đồng…

Danh sách những nông dân giỏi, với những cách làm hay ở Hòa Hiệp còn rất nhiều. Những mô hình của họ không mới, lạ, nhưng thành công trước tiên là nhờ có tính cần cù, có quyết tâm, chịu khó học hỏi và áp dụng tư vấn kỹ thuật của các đoàn, hội. Đó là điểm chung của những nông dân vượt khó, làm giàu ở Hòa Hiệp ngày nay.

Bền vững với cánh đồng mẫu lớn

Làm lúa ít nỗi lo dịch bệnh như các loại cây trồng lâu năm, nhưng có cái bệnh “mạn tính” là… không có lời. Mô hình cánh đồng mẫu lớn (CĐM), chính là giải pháp hiệu quả và bền vững; và đây chính là hình ảnh của những ruộng lúa tương lai, hướng đến cách làm nông khoa học, hiện đại, mang tính khép kín từ hạt lúa giống, cho đến đầu ra của gạo thương phẩm.

Nếu so sánh với “đất dây”, ở vùng tứ giác Long Xuyên hay Đồng Tháp Mười, thì ở Tam Bình chỉ là “đất lẻ”. Bà con nông dân làm ruộng không nhiều, do đó việc thực hiện CĐM, phải vừa học hỏi kinh nghiệm của địa phương đi trước, nhưng cũng phải có cách làm riêng, sáng tạo, cho phù hợp với địa phương mình.

Ông Nguyễn Thành Tuế (62 tuổi), Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất CĐM ở Ấp 10 cho biết: “Vô tổ hợp tác tức là mình cùng làm ăn tập thể, gieo sạ đồng loạt, cùng loại giống. Lại được cái lợi là có cán bộ kỹ thuật của Công ty Bảo vệ thực vật An Giang và Phòng Nông nghiệp huyện, xuống tư vấn định kỳ. Việc họp tổ không cần phải mời nữa, khi vô vụ kỹ sư xuống hàng tuần đi thăm đồng, bà con có thể mang mẫu lúa bệnh đến, để được tư vấn cách phòng, trị bệnh. Giúp cho nông dân tiết kiệm được chi phí thuốc trừ sâu, vì trước đây thường cứ xịt tràn lan”.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Hiệp- Huỳnh Văn Thảo, nhận xét: “Tuy chưa được bao tiêu sản phẩm, nhưng lúa của CĐM được thương lái chuộng hơn, giá có nhỉnh hơn. Nhìn chung là có lãi cao hơn hồi còn làm riêng lẻ. Vụ đầu tiên, bà con được hỗ trợ (50%) máy sạ hàng và giống. Sắp tới đây, Tổ hợp tác sản xuất ở Ấp 10 này sẽ đưa sinh hoạt đờn ca tài tử vào trước các buổi họp. Tạo thêm không khí vui vẻ, bà con cùng đoàn kết, gắn bó với nhau hơn trong lao động, thắt chặt tình làng nghĩa xóm”.

Cho đến nay, ở Hòa Hiệp đã có 3 tổ hợp tác: Ấp 10 (31ha), Ấp 7 (68ha), ấp Hòa Phong (138ha). Trong đó, tổ hợp tác Ấp 10 có diện tích nhỏ, nhưng được đánh giá là tốt nhất.

Cờ xí rực rỡ trên các nẻo đường, lòng người tràn ngập niềm vui. Trong câu chuyện làm ăn đang từng ngày thay đổi bộ mặt nông thôn, có lấp lánh niềm vui nhân đôi của sự tự hào, về người con làm rạng danh quê hương Hòa Hiệp, quê hương Vĩnh Long. Người đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt cho một biệt danh “hiền từ” đầy tính triết lý, là: “ông Phật làm súng”- Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa.

Nói chuyện làm ruộng, làm rẫy, nói chuyện xây dựng nông thôn mới, cả những “chuyện Đông chuyện Tây”, lãnh đạo và người dân xã Hòa Hiệp vẫn không quên nhắc đến chuyện của “Ngày 13/9”. Một tâm trạng náo nức, chờ mong, một không khí lễ hội đang bao trùm lên khắp các đường thôn, ngõ xóm.


Bài, ảnh: QUANG THUẦN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh